Bỏ cơ chế chỉ tiêu tuyển sinh trường tư, quá tải trường công mới có lối thoát

22/02/2019 06:46
Hồng Thủy
(GDVN) - 69 đứa trẻ học chung một lớp 1, giữ trật tự cũng khó chứ đừng nói dạy. Chất lượng ở đâu ra nếu mỗi thầy cô không phải một lò dạy thêm?

Tiếp theo bài 2, Cơ chế xin-cho chỉ tiêu tuyển sinh đẻ ra tiêu cực như thế nào?

Ngày 15/1/2019, Báo điện tử VOV dẫn lời Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nêu kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo khi bàn về kế hoạch triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (ngày 9/1/2019):

"Một số địa phương vẫn còn đông học sinh trên một lớp thì rất mong muốn nhận được sự chia sẻ của Bộ về những biện pháp, giải pháp để định hướng làm sao công tác chuẩn bị được tốt hơn". [1]

Quá tải sĩ số trường phổ thông công lập từ mầm non đến phổ thông trung học ở Hà Nội là vấn nạn kéo dài hàng chục năm qua vẫn chưa được giải quyết. Ảnh minh họa: VTV.vn.
Quá tải sĩ số trường phổ thông công lập từ mầm non đến phổ thông trung học ở Hà Nội là vấn nạn kéo dài hàng chục năm qua vẫn chưa được giải quyết. Ảnh minh họa: VTV.vn.

Trong khi Báo Kinh tế và Đô thị ngày 10/1/2019 dẫn lời Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị trực tuyến triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ngày 9/1/2019, rằng:

Việc đảm bảo cơ sở vật chất chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới là trách nhiệm của các địa phương. [2]

Như vậy có thể thấy "trái bóng" giảm áp lực quá tải sĩ số trường phổ thông công lập nội thành Hà Nội mà thầy Chử Xuân Dũng "chuyền" lên Bộ, đã lập tức được "sút" trở lại cho đúng đối tượng giữ vai trò, chức trách quản lý nhà nước về giáo dục hiện nay.

Hà Nội kiên trì "giữ ổn định" tình trạng quá tải sĩ số trường công?

Báo Nhân Dân ngày 7/6/2017 có bài, Bất cập trong quy hoạch mạng lưới trường học ở Hà Nội, cho biết:

Tháng 4/2012, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết 05/2012/NQ-HÐND thông qua 2 quy hoạch quan trọng liên quan đến giáo dục. Sau 5 năm thực hiện, thành phố đã đạt và vượt chín trong số 16 tiêu chí. 

Tuy nhiên, một tiêu chí rất quan trọng là sĩ số bình quân học sinh trên một lớp, số lớp trên một trường chưa đạt và dự báo, rất khó để đạt đúng thời hạn đã đề ra. [3]

Bỏ cơ chế chỉ tiêu tuyển sinh trường tư, quá tải trường công mới có lối thoát ảnh 2

Tuyển sinh đầu cấp vào mùa chạy chỉ tiêu

Sĩ số lớp học càng cao, càng khó đảm bảo chất lượng.

Ngược lại, muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì không thể không đảm bảo ngưỡng sĩ số phù hợp, với tiêu chuẩn của Việt Nam hiện nay cấp tiểu học là 35 học sinh / lớp, cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông là 45 học sinh / lớp.

Chính vì ý thức được điều này, ngày 12/7/2012, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra Quyết định số 3074/QĐ-UBND đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020:

Cấp tiểu học giảm sĩ số bình quân từ 35 học sinh / lớp năm 2010 xuống 30 học sinh / lớp;

Trung học cơ sở giảm sĩ số bình quân từ 36 học sinh / lớp năm 2010 xuống 30 học sinh / lớp;

Trung học phổ thông giảm sĩ số bình quân từ 45 học sinh / lớp năm 2010 xuống 40 học sinh  lớp năm 2020. [4]

Thế nhưng kể từ sau khi đặt ra mục tiêu nói trên, sĩ số trường công ở Hà Nội không giảm, mà còn tăng chóng mặt, nhất là khu vực nội thành với mức trung bình luôn dao động từ 50 đến 60 học sinh / lớp. [3]

Mùa tuyển sinh năm 2018, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thừa nhận việc quá tải đã khiến sĩ số ở không ít trường tiểu học các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân... lên tới 60 học sinh/lớp.

Đặc biệt, có trường lên đến 69 học sinh/lớp như trường Tiểu học Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Trường này có 9 lớp một thì 7 lớp có sĩ số 69 học sinh, 2 lớp sĩ số 68 học sinh. 

Sĩ số quá đông lấy đâu ra chất lượng, nếu mỗi thầy cô không phải là một "lò dạy thêm"? Ảnh minh họa: fr.dangcongsan.vn.
Sĩ số quá đông lấy đâu ra chất lượng, nếu mỗi thầy cô không phải là một "lò dạy thêm"? Ảnh minh họa: fr.dangcongsan.vn.

Ba em phải chen chúc một bàn, trong khi bàn chỉ thiết kế tối đa cho 2 em. [5]

Quá tải sĩ số là chuyện nhỏ, giáo dục Thủ đô vẫn dẫn đầu?

Ngày 2/9/2018 Báo Hà Nội Mới có bài, Tiến sĩ Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: Nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm dẫn đầu cả nước về đổi mới giáo dục và đào tạo, phóng viên đặt vấn đề:

Dư luận những ngày vừa qua đặc biệt quan tâm, lo lắng trước tình trạng sĩ số học sinh/lớp ở một số trường tại Hà Nội vượt khá xa so với Điều lệ trường học, có nơi lên đến gần 70 học sinh/lớp. 

Thầy Chử Xuân Dũng đánh giá: Nếu tính về số lượng, Hà Nội không thiếu trường học, việc quá tải chỉ diễn ra cục bộ tại một số nơi đông dân cư.

Để giải quyết căn bản hiện tượng này, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các sở, ngành liên quan đang hoàn thiện, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt “Điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030”, trong đó xác định rõ về số lượng, lộ trình đầu tư xây dựng trường học ở từng quận, huyện, thị xã...[6]

Quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tham mưu, xây dựng, đặt chỉ tiêu giai đoạn 2012-2016 xây mới 633 trường, nhưng thực tế đến 2017 mới xây được 211 trường, đạt 33%.

Bỏ cơ chế chỉ tiêu tuyển sinh trường tư, quá tải trường công mới có lối thoát ảnh 4

3 cách giảm áp lực sĩ số trường công Hà Nội hiệu quả, không tốn ngân sách

Chưa kể việc xây mới 211 trường này cũng rất vô lý, nơi cần xây trường mới là nội thành thì không tập trung xây, 10 quận nội thành vẫn thiếu trường [7], lại đi xây trường mới ở ngoại thành nơi không có nhu cầu, dẫn đến thiếu người học [8].

Chừng này thôi cũng đủ thấy năng lực tham mưu "quy hoạch" của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội rất có vấn đề.

Hơn nữa, giả sử có điều chỉnh quy hoạch, thì việc xây trường công ở nội thành vô cùng gian nan và trường kỳ.

Ví dụ điển hình cho trường hợp này là Trường Trung học cơ sở Tứ Liên được thành lập từ năm 1959, phải học nhờ trong khuôn viên đình Nội Châu, sau đó, năm 1992, Trường tiểu học Tứ Liên được thành lập, cũng học tại đây.

Ngày 17/8/2018, 2 ngôi trường này mới chính thức được khởi công xây dựng với kinh phí hơn 90 tỷ đồng, chưa kể chi phí giải phóng mặt bằng.

Nếu tính từ năm 1992, cũng phải mất tới 25 năm mới khởi động được việc xây trường!

Do đó, việc xây mới các trường phổ thông công lập ở nội thành Hà Nội để giảm tải, gần như là bất khả thi và tụt hậu rất xa so với sự gia tăng của dân số, sĩ số.

Phát triển hệ thống trường tư thục gần như là lối thoát duy nhất để giảm tải sĩ số trường công.

Và động tác đơn giản đầu tiên Hà Nội có thể làm để "mở van giảm áp" là bãi bỏ cơ chế áp đặt chỉ tiêu tuyển sinh với các trường tư thục.

69 đứa trẻ học chung một lớp 1, giữ trật tự cũng khó chứ đừng nói dạy. Chất lượng ở đâu ra nếu mỗi thầy cô không phải một lò dạy thêm? Hà Nội còn kiên trì "giữ ổn định" sĩ số quá tải trường công đến khi nào?

Chỉ cần 39/69 học sinh này chuyển sang các trường tư thục, thì giáo dục thủ đô sẽ khởi sắc, bứt phá ngoạn mục.

Đừng để hàng ngàn học sinh nộp hồ sơ vào lớp 1 trường tư phải "thi như đại học" vì nhà trường chỉ được "cấp" chỉ tiêu 300. Hãy cứ để trường tư tự chủ tuyển sinh đáp ứng nhu cầu rất lớn của dân, áp lực sĩ số trường công sẽ giảm, chất lượng giáo dục sẽ tăng.

LTS: Tình trạng quá tải sĩ số các trường công lập nội đô Hà Nội đã kéo dài nhiều năm, các trường tư thục đã chia sẻ gánh nặng với Nhà nước, chấp nhận bỏ rất nhiều tiền của và công sức để đầu tư vào giáo dục thay vì các ngành nghề khác dễ sinh lời, làm giảm biên chế, giảm đầu tư ngân sách và đáp ứng nhu cầu rất đa dạng của nhân dân về chỗ học của con em.

Những nhà đầu tư giáo dục, những cơ sở giáo dục tư thục có đóng góp như vậy rất cần được bảo vệ, tạo môi trường phát triển lành mạnh và tôn vinh xứng đáng.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chỉ rõ:

Tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao. [1]

Trong quá trình tìm hiểu thực trạng các rào cản hành chính và tệ sách nhiễu các trường ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội, lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục tỏ ra rất dè dặt vì lo sợ bị cắt chỉ tiêu nên không dám cung cấp thông tin cho báo chí.

Đảng, Nhà nước và chính quyền thành phố Hà Nội không bao giờ bao che, dung túng cho những hành vi sách nhiễu các trường tư thục làm ăn chân chính.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cam kết kiên trì đóng góp sức mình vào việc làm trong sạch môi trường quản lý giáo dục, để giáo dục nước nhà nói chung, giáo dục Thủ đô nói riêng có thể đổi mới căn bản, toàn diện và bứt phá.

Vì vậy chúng tôi hy vọng nhận được sự cộng tác, chia sẻ thông tin và bằng chứng về các giấy phép con, các thủ đoạn hành vi sách nhiễu từ một số cá nhân nằm trong cơ quan quản lý nhà nước, để cùng đưa ra ánh sáng và loại khỏi bộ máy những con sâu làm rầu nồi canh giáo dục Thủ đô.

Mọi thông tin, bằng chứng về các vấn đề nói trên, mong quý thầy cô, quý lãnh đạo các trường tư thục cùng tất cả những ai quan tâm đến giải pháp chính sách cho giáo dục Thủ đô, giáo dục nước nhà, xin vui lòng gửi về Tòa soạn theo địa chỉ:

toasoan@giaoduc.net.vn.

Tất cả các thông tin liên quan đến cá nhân quý vị, Tòa soạn cam kết bảo mật tuyệt đối. Trân trọng!

[1]http://dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/chi-tiet-van-ban/id/3635.html

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/cac-dia-phuong-keu-thieu-phong-hoc-khi-ap-dung-chuong-trinh-gdpt-moi-864597.vov

[2]http://kinhtedothi.vn/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-chu-dong-nhan-luc-va-co-so-vat-chat-333882.html

[3]http://www.nhandan.com.vn/nation_news/item/33106102-bat-cap-trong-quy-hoach-mang-luoi-truong-hoc-o-ha-noi.html

[4]http://hpa.hanoi.gov.vn/Media/AuflaNews/Attachment/qh_hoach_giao_duc.pdf

[5]https://news.zing.vn/suc-ep-khung-khiep-vi-qua-tai-hoc-sinh-post869547.html

[6]http://www.hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Khach-moi/911733/no-luc-doan-ket-quyet-tam-dan-dau-ca-nuoc-ve-doi-moi-giao-duc-va-dao-tao

[7]http://dbndhanoi.gov.vn/portals/9/TT%20HDND/2017/HDND%20kq%20gs%20quy%20hoach%20GD.pdf

[8]https://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/869476/giai-quyet-bat-cap-trong-quy-hoach-mang-luoi-truong-hoc

Hồng Thủy