Thời buổi này mà giáo viên đang còn dạy học trò những bài học “xưa như trái đất”

08/05/2019 07:12
THANH AN
(GDVN) - Hy vọng các nhà biên soạn và viết sách giáo khoa hãy chắt lọc, thay đổi những nội dung không còn phù hợp với thực tế hiện nay.

Ngày 2/5 vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số" tại trường đại học Sài Gòn.

Tại buổi tọa đàm này, nhiều ý kiến đã cho rằng Việt Nam hiện nay vẫn còn đang dạy cái thế giới không còn dạy.

Đây thực sự là một điều đáng buồn bởi hiện tượng này không phải là cá biệt ở một môn học mà có nhiều môn học đang trong tình trạng như vậy.

Giáo viên biết rất rõ là có nhiều bài học chẳng còn một tác dụng gì cho học trò nhưng đó là chương trình của Bộ ban hành nên chẳng có giáo viên nào, trường nào dám bỏ.

Nhiều nội dung bài học trong chương trình phổ thông đã không còn phù hợp (Ảnh minh họa: Báo Sài Gòn giải phóng)

Nhiều nội dung bài học trong chương trình phổ thông đã  không còn phù hợp

(Ảnh minh họa: Báo Sài Gòn giải phóng)

Minh chứng cho việc “Việt Nam hiện nay vẫn còn đang dạy cái thế giới không còn dạy”, Phó Giáo sư- Tiến sĩ Phạm Thế Bảo, giảng viên khoa Công nghệ thông tin Trường đại học Sài Gòn đã chia sẻ:

"Một số giáo viên dạy Tin học trường phổ thông cho tôi biết họ đang dạy môn ngôn ngữ lập trình Pascal, trong khi trên thế giới không còn nơi nào dạy chương trình này. Tuy nhiên họ không dám đổi chương trình, nếu đổi thì sẽ bị kỷ luật".

Việc giáo viên không dám đổi chương trình đó là điều hiển nhiên bởi đổi chương trình có nghĩa là giáo viên đó vi phạm quy chế chuyên môn và điều này không bao giờ được phép làm trong các trường học phổ thông công lập hiện nay.

Vì thế, có những bài học hiện nay học sinh ngơ ngác chẳng hiểu nội dung dạy của thầy cô nó nằm trong chuyện “cổ tích” năm nào.

Ở chương trình Ngữ văn lớp 9 hiện có bài: “Thư, (điện) chúc mừng và thăm hỏi” khiến cho nhiều học sinh ngơ ngác.

Bởi, phần “Thư” thì học sinh còn mường tượng ra bởi thực tế bây giờ vẫn còn người gửi thư cho nhau. Nhưng, phần “điện” thì nói thật là học sinh nghe thầy cô giảng xong thì các em phải...phì cười.

Điện mừng hoặc điện thăm hỏi mà chúng ta ngày nay vẫn hay nghe là mỗi khi một các nước có những sự kiện như ngày Quốc khánh, một cá nhân nào đó đắc cử chức vụ nguyên thủ quốc gia, hay quốc gia nào đó gặp một thảm họa về thiên tai…

Thời buổi này mà giáo viên đang còn dạy học trò những bài học “xưa như trái đất” ảnh 2Học trò phổ thông thực sự cần học bao nhiêu môn?

Những lúc như vậy, người đứng đầu một quốc gia khác gửi điện mừng hay điện thăm hỏi đến những người đồng cấp.

Nhưng, “điện” trong bài học là “điện” báo, hướng học sinh gửi điện nhằm chia sẻ niềm vui, nỗi buồn nào đó với một người ở phương xa.

Nhớ lại ngày xưa, thời mà gia đình có người ở xa, không may ở quê có chuyện gì thì phải ra bưu điện của tỉnh, của huyện gửi điện báo với dòng tin báo ví dụ như: “Mẹ ốm nặng, con về ngay”…

Nhận được những điện báo như vậy thì người thân ở xa phải xin phép cơ quan, thu xếp công việc để về quê gấp.

Bây giờ, điện thoại cố định cũng chỉ còn lại ở các cơ quan, công sở mà thôi. Đa phần các cá nhân, học sinh đã sử dụng điện thoại di động. Dùng mạng xã hội như Facebook hay Zalo, email…ai còn đi chúc mừng, thăm hỏi bằng điện báo như trước nữa cho mất thì giờ.

Thực tế là phải đến 20 năm nay rồi, có ai còn sử dụng điện báo này nữa đâu. Ngành bưu điện có lẽ cũng đã cắt bỏ dịch vụ điện báo này từ thời tám hoánh.

Vậy mà, thầy cô vẫn dạy hàng năm cho học trò. Những bài học như thế này vừa lãng phí thời gian vừa chẳng giúp ích cho học trò được điều gì.

Không chỉ môn Tin học, môn Ngữ văn có những bài học xưa như trái đất mà môn Kỹ thuật ở cấp Tiểu học và môn Công nghệ ở cấp Trung học cơ sở cũng trong tình trạng tương tự.

Trong sách Kĩ thuật lớp 4 và Công nghệ lớp 6, chúng tôi vẫn còn thấy những bài học của cách đây mấy chục năm về trước, đó là:  Lớp 4 có bài: cắt, khâu thường, khâu ghép, khâu đột thưa, thêu móc xích; lớp 6 có bài Cắt may, khâu vá, thêu thùa.

Những công việc này chỉ còn sót lại ở một vài làng nghề trong cả nước. Vì thế, khi dạy các nội dung này, nhiều giáo viên cũng có biết thêu thùa gì đâu nên chỉ nói theo lí thuyết sách vở. 

Thời buổi này mà giáo viên đang còn dạy học trò những bài học “xưa như trái đất” ảnh 3Những chuyện "vừa buồn cười vừa tức" ở sách Ngữ văn Trung học cơ sở hiện hành

Những tiết thực hành thì phần lớn học sinh về nhà nhờ bà, hoặc mẹ làm rồi nộp cho giáo viên để lấy điểm định kỳ.

Vậy nhưng, đa phần học sinh đều đạt điểm giỏi, điểm khá, gần như không có học sinh yếu môn Công nghệ…

Chúng tôi thỉnh thoảng đi dự giờ thao giảng của đồng nghiệp ở trong trường, vẫn thấy giáo viên đọc lại các nội dung trong sách giáo khoa cho học trò chép mà thôi. Bởi thực tế, phần lớn giáo viên dạy các môn học này đều không có…chuyên môn.

Hiện các trường đại học sư phạm cũng chưa có những chuyên ngành độc lập để dạy cho sinh viên về môn học này.

Hơn nữa, môn học này vẫn được xem là môn phụ nên Ban Giám hiệu thường bố trí môn Công nghệ 6 thì phân công giáo viên Ngữ văn dạy. Chuyện giáo viên Văn đi dạy Công nghệ thì chắc chỉ có ở...Việt Nam mới có.

Hiện nay, Bộ Giáo dục đã công bố chương trình môn học giáo dục phổ thông mới và chúng tôi vẫn còn thấy một số đơn vị kiến thức đã lạc hậu như đã nêu ở phần trên trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Vì thế, hy vọng các nhà biên soạn và viết sách giáo khoa mới hãy chắt lọc, thay đổi những nội dung không còn phù hợp với thực tế hiện nay.

Cái gì quan trọng, phù hợp với hiện nay thì cả đưa vào chương trình giảng dạy chính khóa, cái gì ít quan trọng, không còn phù hợp thì đưa vào các tiết tự chọn, thậm chí là nên bỏ.

Còn đối với môn Tin học, Công nghệ thì nhất thiết phải cập nhật được cái gì mới nhất vào giảng dạy cho học trò.

Nếu không, học trò của chúng ta cứ mãi học những bài học về những kiến thức đã quá đỗi lỗi thời. Vừa mất thời gian lại chẳng có ích lợi gì! Chuyện 4.0 cũng chỉ là một khái niệm xa vời đối với giáo dục nước nhà mà thôi.

Tài liệu tham khảo

https://thanhnien.vn/giao-duc/viet-nam-van-dang-day-cai-the-gioi-khong-con-day-1077640.html

THANH AN