“Đà Nẵng phải nhất quán để giữ vững môi trường đầu tư”

08/05/2019 07:19
TẤN TÀI
(GDVN) - Phó Giáo sư Trần Đình Thiên: “Chính quyền Đà Nẵng cần phải có thái độ nhất quán, nghiêm túc, nhìn các nhà đầu tư với tư cách là một động lực phát triển".

Đó là chia sẻ của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam (thành viên tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng) tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự án ven sông Hàn do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 7/5.

Đó là dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex) do Công ty trách nhiệm hữu hạn Bến du thuyền Đà Nẵng làm chủ đầu tư.

Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều nhau của các chuyên gia, nhà khoa học về tác động của hai dự án này đến môi trường, dòng chảy của sông Hàn.

Bảo đảm hài hòa lợi ích

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư Trần Đình Thiên nhìn nhận, muốn có sự phát triển thì phải vượt qua những cái cũ và Đà Nẵng đã làm rất tốt khi vượt qua những cái cũ để có sự phát triển ngày hôm nay.

Các chuyên gia tham gia phản biện tại hội nghị. Ảnh: TT
Các chuyên gia tham gia phản biện tại hội nghị. Ảnh: TT

“Muốn phát triển phải chấp nhận đánh đổi nhưng căn cứ vào đâu để ta đánh đổi thì phải bàn bạc, chứ không thể không mất được.

Nếu chúng ta chỉ bàn về cái mất không thôi thì kết luận chắc chắn sẽ không được làm cái gì cả. Muốn làm phải tính toán là đánh đổi cái gì, phải bàn bạc cách đánh đổi làm sao cho có lợi ích nhất.

Nếu Ủy ban, Thành ủy muốn đưa ra một câu trả lời xác đáng là phải trả lời theo cái nghĩa là đánh đổi này để có được một sự phát triển tốt hơn cho thành phố Đà Nẵng”.

Niềm tin của nhà đầu tư tạo nên thương hiệu Đà Nẵng, đừng đánh mất

Phó Giáo sư Thiên cho rằng, hiện nay vẫn còn tâm lý nặng nề là nhìn nhận mọi lợi ích nhà đầu tư sẽ lấy hết, còn người dân thì không được gì.

Về vấn đề lợi ích trong dự án, Phó Giáo sư Thiên cũng đặt vấn đề, nếu bây giờ môi trường đầu tư nó dở đi, người ta không đầu tư hoặc chậm đầu tư thì lợi ích của người dân Đà Nẵng sẽ ra sao?

Nếu có kết luận không cho đầu tư dự án này thì nó có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư không, có ảnh hưởng đến lợi ích của người dân Đà Nẵng không?

Có ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố Đà Nẵng, một thành phố trọng điểm của miền trung không?

Phó Giáo sư Thiên nói tiếp, phải coi lợi ích của nhà đầu tư là lợi ích của phát triển. Tâm lý coi lợi ích của nhà đầu tư đối lập với lợi ích của người dân, khác biệt với lợi ích của người dân là rất nguy hiểm.

Cần phải nhìn nhận từ cả hai phía, bởi nhà đầu tư cũng có chức năng và sứ mệnh của họ.

Về phản biện tác động của hai dự án này lên dòng sông Hàn thì phải khoa học, có các luận cứ cụ thể chứ không thể dùng từ ngữ, tình cảm con người để nhìn nhận rồi phản đối.

Nếu Đà Nẵng cứ hành xử thế này, ai còn dám đến làm ăn nữa?

“Phải dùng thuật ngữ và tính toán khoa học để phản biện. Nhưng khoa học cũng có thể bị lợi dụng và cái này xã hội cần lên tiếng. Nó đòi hỏi phải có tính công khai, minh bạch của các dự án.

Tôi đồng ý với nhiều ý kiến rằng là có vẻ như quy trình làm dự án của Việt Nam hiện nay vì rất nhiều lý do, trong đó có lý do về lợi ích là không đủ công khai, minh bạch.

Khoa học cũng bị lợi dụng bởi thông tin về dự án thì người ta che một mặt đi, chỉ nói nghiêng về một mặt nào đó.

Muốn tích cực thì nói rõ phần tích cực nhiều hơn, ngược lại muốn tiêu cực thì đưa ra các thông tin tiêu cực nhiều hơn. Bản thân khoa học là đúng nhưng nó vẫn có thể bị lợi dụng”.

Sau tất cả các ý kiến, không nên quy tất cả mọi thứ như: lũ lụt hướng dòng sông bị thay đổi… có nguyên nhân xuất phát về chỗ đấy (dự án), như vậy là không công bằng - Phó Giáo sư Thiên nói.

Phải nhất quán và xử lý nhanh

Phó Giáo sư nhìn nhận, Đà Nẵng 10 năm qua được đánh giá là nơi có môi trường đầu tư tốt nhất. Và trong nỗ lực chung của quốc gia đang dồn về Đà Nẵng để phát triển nơi đây thành một đô thị thông minh.

Dự án lấn sông Hàn đã có từ nhiều năm trước. Ảnh: TT
Dự án lấn sông Hàn đã có từ nhiều năm trước. Ảnh: TT

Bây giờ, nếu hồi tố tất cả các dự án đã và đang triển khai trên sông Hàn thì nó đầy rủi ro. Đó thực sự có phải vì sự phát triển không?

“Chúng tôi ở Hà Nội cũng được mời đi phản biện cho một số dự án bị thu hồi. Chính quyền ở đây thu hồi dự án nhưng căn cứ rất yếu, làm hỏng môi trường đầu tư.

Chúng tôi phải có ý kiến, bởi mình không chỉ đứng trên lập trường nhà nước, ủng hộ cho phe của mình mà chúng ta phải nhìn lợi ích theo hướng tổng thể”.

Nếu Đà Nẵng cứ hành xử thế này, ai còn dám đến làm ăn nữa?

Ông Thiên nói tiếp: “Trong điều kiện hiện nay, vào Đà Nẵng, tôi thấy dư luận nói rằng là không ai dám quyết định điều gì cả, một môi trường nó đầy rủi ro như thế.

Không ai dám quyết định thì các dự án ngưng trệ. Các dự án ngưng trệ thì đấy là số phận của nhà đầu tư. Đối với nhà đầu tư chậm là chết.

Chậm với nông dân không vấn đề gì, chậm với doanh nghiệp gia đình có thể không có vấn đề gì nhưng chậm với nhà đầu tư ngàn tỷ thì chậm một tháng là chết. Bởi lãi suất, nợ, giá cổ phiếu nó xuống.

Ở đây phải hiểu câu chuyện là, khi vấn đề đặt ra như thế này thì chính quyền Đà Nẵng xử lý cũng khá nhanh.

Nhanh một phần vì lo ngại vì môi trường đang không hấp dẫn, không tốt lắm nên cố gắng xử lý nhanh, đừng để nó bùng lên.

Đúng là phải xử lý nhanh, nếu không tổn hại cho sự phát triển rất nhiều. Tổn hại cho nhà đầu tư.

Tôi nghĩ rằng, việc chính quyền Đà Nẵng cần phải có thái độ nhất quán, nghiêm túc. Nhìn các nhà đầu tư với tư cách là một động lực phát triển, để bảo vệ môi trường đầu tư của thành phố".

Phó Giáo sư Trần Đình Thiên kiến nghị chính quyền Đà Nẵng xử lý vụ việc này trên tinh thần giữ được môi trường đầu tư. 

Còn lại có những vấn đề khác thì căn cứ vào các luận cứ để có kết luận khoa học, đồng thời phải công khai, minh bạch vấn đề đó ra.

TẤN TÀI