Số phận hai nhà máy thép gây ô nhiễm ở Đà Nẵng sẽ ra sao?

01/05/2019 07:39
TẤN TÀI
(GDVN) - Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã ra quyết định xử phạt hai nhà máy thép với số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng nhưng hiện cả hai doanh nghiệp này vẫn chưa nộp phạt.

Ngày 24/4, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã tổ chức họp báo quý 1 nhằm thông tin các thông tin, sự kiện nóng xảy ra trên địa bàn thành phố.

Kịch bản nào cho hai nhà máy thép?

Tại buổi họp báo, nhiều ý kiến đã nêu lên về số phận của hai nhà máy thép này ra sao? Và việc di dời hai nhà máy này sẽ gây ra nhiều hệ lụy đi kèm, trong đó có việc doanh nghiệp sẽ khởi kiện chính quyền vì gây thiệt hại đến họ.

Đà Nẵng họp báo quý I để thông tin về các vấn đề, sự kiện nóng trên địa bàn. Ảnh: TT
Đà Nẵng họp báo quý I để thông tin về các vấn đề, sự kiện nóng trên địa bàn. Ảnh: TT

Trả lời vấn đề này, ông Tô Hùng – Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, vào tháng 11 năm 2018, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần Thép Dana – Ý số tiền 400 triệu đồng và Công ty cổ phần Thép Dana – Úc số tiền 740 triệu đồng.

Hai nhà máy thép này cũng bị đình chỉ hoạt động sản xuất trong thời gian 6 tháng để khắc phục các vi phạm.

Đà Nẵng phạt tiền 1,1 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 6 tháng hai nhà máy thép

Các lỗi vi phạm chủ yếu của hai nhà máy thép này là thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM, không có giấy chứng nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành…

Ông Hùng cho biết, đến tháng 5 này là hết thời hạn 6 tháng tạm ngừng hoạt động của hai nhà máy thép. Hiện hai nhà máy này đã thực hiện rất nghiêm túc.

“Theo quy định thì hết thời hạn, hai nhà máy này có 6 tháng nữa để khắc phục các hạn chế. Sau đó, nếu họ có đơn xin gia hạn thì thành phố có thể gia hạn thời gian khắc phục nhưng không quá 24 tháng”.

Tuy nhiên, theo ông Hùng thì hiện hai nhà máy thép này vẫn chưa tiến hành đến nộp tiền phạt theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu hai doanh nghiệp thực hiện việc nộp phạt nói trên.

Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cũng cho biết, sau khi ban hành quyết định tạm dừng hoạt động hai nhà máy thép thì thành phố đã xây dựng các kịch bản có thể xảy ra, kể có việc đưa ra Tòa án.

“Hiện nay đang có sự trao đổi giữa chính quyền và hai nhà máy để thực hiện các bước tiếp theo”, ông Hùng nói.

Trước đó, người dân sống quanh khu vực hai nhà máy này đã nhiều lần bao vây nhà máy, yêu cầu chấm dứt hoạt động vì gây ô nhiễm nặng. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cho rằng, việc đóng cửa nhà máy sẽ gây ra thiệt hại về kinh tế rất lớn cho doanh nghiệp.

Nếu vụ việc này không được giải quyết hợp lý thì doanh nghiệp có khả năng sẽ kiện thành phố ra tòa án để đảm bảo quyền lợi.

“Nóng” với các dự án lấn sông Hàn

Một vấn đề khác được dư luận đặc biệt quan tâm là các dự án lấn sông Hàn sẽ được thành phố xử lý như thế nào sau khi đã tạm dừng dự án Marina Complex của Công ty Quốc Cường Gia Lai?

Tướng Thước: Chủ tịch Đà Nẵng có nhiều tài sản thế?

Trả lời vấn đề này, ông Thái Ngọc Trung - Phó Giám đốc sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, thành phố đã chỉ đạo sở Xây dựng tiến hành rà soát tất cả các dự án ven sông Hàn về mặt pháp lý, tác động môi trường… Sau khi có kết quả rà soát sẽ thông báo cụ thể.

Ông Đặng Việt Dũng – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng thông tin thêm, ngoài việc việc tạm dừng dự án Marina Complex thì các dự án ven sông Hàn khác cũng đang được tiến hành rà soát.

Theo đó, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra các công trình có lấn sông Hàn có ảnh hưởng dòng chảy hay không, mật độ xây dựng ra sao… sẽ đưa ra các chuyên gia, nhà khoa học bàn luận.

Một vấn đề khác được đề cập là Sơn Trà sẽ ra sao sau khi có Nghị quyết 43. Trong Nghị quyết này có nêu rõ, mục tiêu xây dựng Sơn Trà thành “khu du lịch sinh thái quốc gia”.

Trong khi đó, từ những năm 90 thì Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã có quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Vậy Sơn Trà sẽ ra sao?

Ông Trung cho biết, để phát triển du lịch tại Sơn Trà thì Bộ Quốc phòng chỉ cho phép khai thác các dự án ở độ cao từ 200 mét trở xuống (Sơn Trà có độ cao hơn 600 mét so với mực nước biển).

Qúa trình thực hiện ở độ cao 200 mét cũng không được đụng tới khu vực rừng nguyên sinh. Như vậy, Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà không mất đi  mà tồn tại song song cùng với khu du lịch sinh thái quốc gia.

Tuy nhiên, việc phát triển Sơn Trà không cho phép khai thác theo kiểu dự án nhà ở… Liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Bán đảo Sơn Trà thì hiện Thanh tra Chính phủ vẫn chưa công bố các sai phạm này.

TẤN TÀI