Trong số hơn 220 trường hợp thí sinh ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có bài thi được nâng điểm, trong đó có 51 trường hợp sau khi chấm thẩm định lại vẫn đủ điểm và tiếp tục theo học tại các trường đại học, cao đẳng.
Đến thời điểm này danh tính các phụ huynh có con được nâng điểm vẫn chưa bị công khai chính thức. Nhiều phụ huynh thuộc diện nghi ngờ đang giữ chức vụ quan trọng tại những địa phương dính gian lận thi cử vẫn làm việc bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra.
Còn kẻ trục lợi, tha hóa biến chất tham gia sẽ làm xấu mặt kỳ thi quốc gia |
Đáng nói, những người này cũng không lên tiếng nhận trách nhiệm hay từ chức như Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên khiến dư luận bức xúc. Quy định nêu rõ: "Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi.
Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”.
Tại Hội nghị báo cáo viên do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã thông tin vụ việc gian lận thi cử xảy ra tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La hạn đến ngày 25/5 sẽ kết thúc điều tra.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng khẳng định: “Tới đây những trường hợp như phụ huynh, học sinh và những người liên quan đến vi phạm thi cử thì tội danh đến đâu xử lý nghiêm đến đấy. Phải làm nghiêm túc”.
Trường trung học phổ thông chuyên Sơn La, nơi có nhiều thí sinh được nâng điểm kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 dù phòng thi được trang bị camera, nhưng những ngày thi lại không hoạt động. Ảnh: Vũ Phương. |
Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cũng nhận định vụ việc gian lận trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 xảy ra tại một số địa phương quá trắng trợn, coi thường pháp luật cần phải trừng trị thật nghiêm.
Ông Đặng Như Lợi cho rằng: “Nếu không công khai, minh bạch việc xấu xa như gian lận thi cử quốc gia năm 2018 thì mọi việc xấu mãi mãi nó sẽ như cũ.
Công khai phụ huynh có gì phải giấu giếm. Còn công khai thí sinh nên xem xét thận trọng vì bản thân thí sinh có thể không biết. Các em cũng là nạn nhân của những toan tính của cha mẹ.
Cha mẹ có lẽ không trao đổi với con về việc “chạy điểm” vì không muốn con mình hình thành tính cách xấu. Hơn nữa, cha mẹ cũng không muốn cho con biết những hành động xấu xa của mình, như thế con sẽ coi thường.
Có thể nói phần lớn thí sinh không biết việc bố mẹ “chạy điểm” cho mình, nhưng cũng có thí sinh biết việc đó.
Bởi vậy, muốn triệt tiêu gian lận thi cử, những thủ đoạn xấu như vụ chạy điểm xảy ra tại nhiều địa phương vừa qua phải công bố công khai, minh bạch những người liên quan cũng như tên phụ huynh có con được nâng điểm”.
Ông Vũ Quốc Hùng nói: Kiểu gì cũng phải xét trách nhiệm Bí thư Triệu Tài Vinh |
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Đặng Như Lợi phân tích: “Trong xã hội, có lớp người gian dối như phụ huynh chạy điểm cho con sẽ hình thành lớp sau tiếp tục gian dối.
Đối với những người lừa đảo, phạm tội, chúng ta đều trưng ảnh một cách công khai. Phụ huynh can thiệp để nâng điểm cho con là hành động xấu xa, bởi vậy cần phải công khai, trưng ảnh, nêu tên, vị trí công tác rõ ràng.
Nếu có kết luận, có thông tin thì phải công bố ngay lập tức, kịp thời những người này để dư luận rõ.
Những cơ quan, tổ chức có những cán bộ nằm trong danh sách phụ huynh có thí sinh được nâng điểm cũng phải chú ý những người đó”.
“Đã gọi là gian lận thì đều là trộm cắp. Hành vi đó không gọi là trộm cắp, nhưng về bản chất gian lận thi cử là trộm cắp. Hành vi đó là xấu xa, dối trá và điều đó sẽ hình thành lên lớp người xấu xa.
Nói giáo dục là quan trọng, trong đó giáo dục làm người vô cùng quan trọng. Mà giáo dục làm người như thế đâu được gọi là giáo dục. Hành vi chạy điểm cho con rõ ràng là hành động xấu xa, vô liêm sỉ”, ông Đặng Như Lợi nói.
Ông Đặng Như Lợi cho rằng, phải loại những người liên quan đến gian lận thi cử ra khỏi bộ máy càng sớm càng tốt. Ảnh: Quang Hà/Tạp chí Tổ chức Nhà nước. |
Nhiều ý kiến lo ngại nếu vụ việc gian lận thi cử không được phanh phui, có những thí sinh được nâng mức điểm kỷ lục 26,45 vào đại học và sau này tốt nghiệp trở thành cán bộ sẽ rất nguy hại.
Về việc này, ông Đặng Như Lợi chỉ rõ: “Anh có thể nhờ vị trí, quyền lực, tiền bạc để “chạy điểm” cho con vào trường đại học với mục đích con anh ra trường lại được bố trí vào vị trí nào đó, nhưng đó là hành vi lừa dối, trộm cắp.
Hành vi lừa dối đó sẽ tạo nên những con người lừa dối. Những thí sinh được nâng điểm đó sau lại làm lãnh đạo, hay giữ vị trí quan trọng nào đó trong bộ máy sẽ như thế nào. Đó sẽ là những con sâu làm mục ruỗng, ảnh hưởng không nhỏ đến quốc gia, đất nước.
Rõ ràng, những người dính đến gian lận thi cử đó đâu phải tốt, làm gì có năng lực, bởi vậy càng làm cán bộ, càng có vị trí càng ảnh hưởng bộ máy. Đối với nhiều nước trên thế giới cũng như chúng ta phải loại những người này ra khỏi bộ máy ngay lập tức.
Một xã hội tiến bộ thì không thể không giáo dục làm người được. Những hành vi của phụ huynh đó không phải là giáo dục làm người”.
Theo quy định pháp luật: Phụ huynh và thí sinh mua điểm sẽ bị xử lý như thế nào? |
Cũng theo ông Đặng Như Lợi, Bộ Nội vụ, các cơ quan quản lý về mặt con người có những cán bộ là phụ huynh trong danh sách con được nâng điểm bị phát hiện cũng phải làm rõ về trách nhiệm nêu gương. Như Luật Cán bộ, Công chức, viên chức đã chỉ rõ tư cách, đạo đức người cán bộ như thế nào rồi, nếu không làm là vi phạm luật.
Một vấn đề ông Đặng Như Lợi cũng băn khoăn và lo lắng đó là vấn đề đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng của chúng ta cũng có nhiều vấn đề. Sản phẩm đầu ra của các trường chưa được xã hội đón nhận cao. Người được cấp bằng không tương ứng, không có trình độ thật với tấm bằng họ nhận được.
Họ được cấp bằng thật nhưng kiến thức lại rởm. Việc đào tạo như thế sẽ có hại, thậm chí rất nguy hại cho quốc gia. Có trường hợp đi thi được vài điểm mà vẫn vào được đại học thì rõ ràng giáo dục đại học của chúng ta thế nào đây, rất có vấn đề.
Một đất nước muốn phát triển phải có nền giáo dục tốt, đào tạo ra những con người tốt phục vụ để xây dựng đất nước phát triển.