Liên quan đến vụ gian lận điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018, cả ba tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình đã có gần 20 người là giáo viên và cán bộ trong ngành giáo dục vướng vào sai phạm.
Trong danh sách 44 thí sinh dính gian lận điểm thi tại tỉnh Sơn La có tới 12 trường hợp là con em các cán bộ đang công tác trong ngành giáo dục và đào tạo tỉnh này.
Đáng chú ý trong số này có con của một Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đương nhiệm, con của Chánh thanh tra sở Giáo dục, con của Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, con một số chuyên viên của Sở Giáo dục, con hiệu trưởng, con giáo viên một số trường trung học phổ thông trên địa bàn.
Vấn đề đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm ở đây là có rất nhiều vị cán bộ có con được can thiệp điểm thi nhưng vẫn không hề bị xử lý, thậm chí vẫn có tên trong hội đồng thi năm 2019 như ông Phan Ngọc Sơn - Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La? Con gái ông Sơn có trong danh sách được nâng điểm.
Mức điểm của các thí sinh "con em ngành" tại Sơn La được chỉnh sửa có tổng điểm chênh giữa điểm công bố và điểm thực (sau khi chấm thẩm định) thấp nhất là 3 điểm, cao nhất lên tới 17,75 điểm.
Tỉnh Sơn La có tới 12 trường hợp là con em các cán bộ đang công tác trong ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh này. Ảnh: Báo Lao Động. |
Hệ lụy từ những hành vi gian lận
Điều đáng xấu hổ nhất trong vụ tiêu cực sửa điểm thi lần này là có liên quan trực tiếp đến quá nhiều nhà giáo, cán bộ của ngành giáo dục (thậm chí có người giữ chức vụ quan trọng tại địa phương).
Họ đã làm vấy bẩn lên truyền thống tốt đẹp của ngành giáo dục, gây ra hệ lụy không thể đong đếm hết được. Nhiều người từng ví von rằng nếu chẳng may một thầy thuốc kém họ có thể làm hại đến sức khỏe hay tính mạng của một người, nhưng một người đã được mang danh nhà giáo mà yếu kém đạo đức thì sẽ làm thui chột cả một thế hệ.
Những sai phạm trên sẽ được các cơ quan điều tra kết luận chính xác, ai vi phạm đến đâu sẽ bị xử lý theo pháp luật đến đó, nhưng việc trước mắt và ngay lập tức cần phải làm là đưa ra khỏi ngành những ai vi phạm đạo đức nhà giáo, trong đó có tiêu cực thi cử để tránh những hệ lụy tiêu cực xã hội.
Đại biểu Quốc hội Quách Thế Tản nói: “Cần xử lý đối với cán bộ trong ngành Giáo dục tham gia vào quá trình nâng điểm thi Trung học phổ thông 2018.
Quá trình xử lý cũng nên xem xét từng trường hợp cụ thể để những người có hành vi sai phạm phải tâm phục, khẩu phục, với những trường có liên quan đã rõ có thể đưa ra khỏi ngành.
Không bao che, dung thứ và không có vùng cấm trong xử lý những hành vi sai phạm của những người liên quan đến gian lận nâng điểm thi kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018”. (1)
Mỗi hành vi của thầy giáo, cô giáo là khuôn mẫu, mực thước, là tấm gương để học sinh noi theo. Ảnh: Báo Lao Động. |
Không can thiệp nâng điểm thì có phải chịu trách nhiệm?
Nhiều vị quan chức nói hoàn toàn không biết việc con mình được nâng điểm, việc đó là cấp dưới tự làm? Thôi thì đó cũng là một cách giải thích, nhưng khó lọt tai, và nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao chỉ có con em cán bộ thì được nâng điểm còn con dân thường thì không?
Một ví dụ tương tự về trường hợp của Bí thư tỉnh Hà Giang - ông Triệu Tài Vinh có con gái cũng được nâng điểm, nhưng không biết ai đã dám cả gan làm việc này?
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói: “Cần phải có câu trả lời rằng sự việc ấy ông Vinh vô can hay không? Những người đứng ra nâng điểm cho con ông Vinh phải cung cấp các thông tin về động cơ, mục đích của việc nâng điểm này. Vì sao mình phải làm thế?”.
Cần phải nhắc lại rằng, trong Quyết định 102-QĐ/TW năm 2017 đã nêu rõ về việc xử lý và kỷ luật đảng viên vi phạm cũng đã quy định cụ thể, nói như ông Vũ Quốc Hùng: “Trong trường hợp người thân của đồng chí Vinh vi phạm thì cũng cần phải xem xét cụ thể để áp dụng hình thức kỷ luật liên quan” (2)
Đã vi phạm phải cương quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục
Nghề giáo được coi là nghề cao quý nhất ở bất kỳ đất nước nào. Mỗi nhà giáo không chỉ trao truyền kiến thức cho học trò, mà hơn thế nữa họ phải là tấm gương mẫu mực để lớp lớp thế hệ học sinh noi theo.
Đó là lý do vì sao những vi phạm ở ngành phải được xử lý nghiêm khắc để giữ cho được sự tôn nghiêm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định: “Tôi không thể chấp nhận những cán bộ, viên chức ngành Giáo dục bị kết luận là có hành vi gian lận điểm thi cho thí sinh. Hành vi này vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm nghiêm trọng pháp luật.
Không chấp nhận những cán bộ, viên chức với nhân cách như thế được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của ngành Giáo dục, tinh thần là cương quyết đưa ra khỏi ngành Giáo dục những cán bộ này.
Bộ đang tích cực phối hợp với Bộ Công an nhanh chóng xác định đối tượng vị phạm để xử lý nghiêm minh, công bằng, chính xác, không bao che và công khai, minh bạch”.
Nhiều thí sinh chủ động không làm bài vì có ý đồ can thiệp điểm trước khi thi? |
Cùng quan điểm, Đại biểu Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội) nhấn mạnh: “Hành vi gian dối trong thi cử là rất nghiêm trọng và phải trừng trị thích đáng.
Những cán bộ công chức được xác định chạy nâng điểm cho con ngoài các chế tài khác còn bị chi phối, xử lý theo quy định của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức”.
Ông Vân phân tích: “Có 3 nhóm đối tượng liên quan đến hành vi gian dối trong thi cử bao gồm: những người cố ý làm trái quy định về thi cử, cán bộ coi thi, chấm thi ngành giáo dục, những người làm công tác bảo vệ an toàn thi cử…
Nhóm thực hiện hành vi hối lộ và quyền lực của mình để tác động tạo ra sự sai lệch trong kết quả thi, và cuối cùng là những người hưởng thụ kết quả gian dối từ thi cử, dù vô tình hay cố ý”.
Trong 3 nhóm này, ông Vân đặc biệt nhấn mạnh nhóm đối tượng thứ nhất và thứ hai nhất định phải trừng trị bằng pháp luật để làm gương, ngăn chặn hậu quả sau này. “Ngoài xử lý theo các quy định của pháp luật, phải công khai đích danh người tác động sửa điểm để lên án, bêu gương trước xã hội.
Nếu đang điều tra xác định những người liên quan có vi phạm thì trước mắt phải đình chỉ chức vụ của những công chức ấy để điều tra, truy tố.
Nếu như sự dối trá này bị che giấu sẽ gây hậu quả khôn lường, làm tha hoá nền giáo dục. Đặc biệt, từ việc gian dối sẽ đào tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng thấp và yếu kém, tác động đến đạo đức xã hội, chi phối những hành vi đúng đắn trong xã hội”, ông Vân nêu quan điểm. (3)
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, cương quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục những cán bộ có hành vi gian lận thi cử. Ảnh: TTXVN. |
Có cho nghỉ được hay không?
Ý kiến cương quyết của người đứng đầu ngành Giáo dục đã rõ, vậy còn ý kiến của những người đứng đầu ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La thế nào? Đây là vấn đề mà xã hội đang rất quan tâm.
Liệu rằng những người có trách nhiệm ở các địa phương này có cương quyết xử lí và cho thôi việc những giáo viên và cán bộ đã dính tiêu cực tại kỳ thi trung học phổ thông quốc gia?
Cũng cần nói thêm, Nghị định Số: 157/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ Quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ. Tuy nhiên đến nay gian lận điểm thi tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình chưa thấy vị nào phải xử lý trách nhiệm có liên quan.
Một vài vị lãnh đạo tỉnh đã nhận trách nhiệm nhưng chưa có hành động nào cụ thể? Đặc biệt các vị nhận trách nhiệm đều đã ở thời kỳ “hoàng hôn nhiệm kỳ”, cá biệt có vị đã yên vị cầm sổ hưu.
Vậy ai sẽ nhận trách nhiệm và ai sẽ xử lý trách nhiệm khi các vị về hưu?
Tài liệu tham khảo:
(1). https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/vu-nang-diem-thi-thpt-quoc-gia-2018-xu-ly-dung-nguoi-dung-toi-3998122-b.html
(2). https://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Ha-Giang-nhat-dinh-phai-hanh-dong-de-bao-ve-danh-du-cho-Bi-thu-Trieu-Tai-Vinh-post188237.gd
(3). https://vtc.vn/dai-bieu-quoc-hoi-phai-trung-tri-thich-dang-nhung-can-bo-cau-ket-nang-diem-thi-cho-con-d470024.html