Sao thầy lại làm công việc này?

20/05/2019 06:19
LÊ LAM HỒNG
(GDVN) - Cô giáo nhìn tôi có vẻ … thương hại vì cô cho rằng công việc này là của chị tạp vụ, không phải là công việc của thầy phó hiệu trưởng như tôi!

LTS: Chia sẻ câu chuyện của mình thời còn đang công tác, nhà giáo về hưu Lê Lam Hồng đặt câu hỏi về sự “thiêng liêng, cao quý” của người thầy.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hồi còn công tác, có một lần đang lui cui quét vũng nước trên hành lang, chợt sau lưng tôi tiếng một cô giáo hỏi: “Sao thầy lại làm công việc này?”.

Ngoảnh lại, tôi gượng cười: “Mình quét giùm chị lao công một chút. Chị chưa vô kịp vì chăm sóc chồng bị tai nạn giao thông ấy mà! Mà để nước mưa trơn trượt thế này, rủi mấy em học sinh trượt chân té thì khổ!”.

Cô giáo nhìn tôi có vẻ … thương hại vì cô cho rằng công việc này là của chị tạp vụ, không phải là công việc của thầy phó hiệu trưởng như tôi!

Quả thật, chị tạp vụ công việc khá nhiều nên cũng không thể làm hết được trong buổi học. Nào lau cầu thang, nào quét dọn các phòng của ban giám hiệu, nào lo nước nóng, rửa ấm trà, rửa ly uống nước…

Thế nào là sự “thiêng liêng, cao quý” của người thầy. Ảnh minh họa: http://skrillingeskolen.dk
Thế nào là sự “thiêng liêng, cao quý” của người thầy. Ảnh minh họa: http://skrillingeskolen.dk

Các cô trường tôi, lúc nào cũng diện váy đẹp lộng lẫy tới lớp. Có khi các cô thiếu sự thông cảm với người lao động chân tay chăng? Mặc dù các cô xuất thân từ gia đình nông thôn; gia đình làm nghề nông một nắng hai sương, vất vả trên đồng…

Không những thấy công việc là tiếp giúp làm, tôi còn đi dọc hành lang các lớp, thấy rác là lượm lên và đem bỏ vào thùng rác. Bởi trường tôi gắn khẩu hiệu dọc hành lang: “Thấy rác nhặt liền - Trường xanh, sạch, đẹp!”.

Công việc quét nước mưa đọng trên hành lang, lượm rác dọc hành lang lớp cho trường thêm sạch đẹp thì có gì phải mặc cảm, phải mắc cỡ? Công việc nào cũng tốt, cũng tự hào miễn là chung tay chung sức vì cộng đồng, vì tập thể.

Sao thầy lại làm công việc này? ảnh 2“Cảm động tấm lòng cô giáo không nghỉ hưu” gần 50 năm cho sự nghiệp trồng người

Lẽ ra với cương vị của mình, tôi sẽ kêu chị lao công phải làm thế này, phải làm thế kia nhưng tôi không xử sự như vậy!

Trăm nghe không bằng một thấy; tôi cúi người xuống lượm rác, tôi không thấy mắc cỡ chút nào.

Người mắc cỡ chính là người thờ ơ, là người vô cảm, là người xả rác bừa bãi; là người coi thường lao động chân tay…

Tôi còn nghe nói ở Trường Trung học Đoàn Văn Tố (Cù lao Dung- Sóc Trăng) có thầy Hiệu trưởng cũng thường xuyên đi lượm rác để nhắc nhở học sinh, nhắc nhở mọi người cùng bảo vệ môi trường.

Thành ra đâu chỉ riêng tôi có suy nghĩ như vậy mà còn có nhiều người cùng chung suy nghĩ, chung hành động thiết thực…

“Sao thầy lại làm công chuyện này?”- một câu hỏi cứ ám ảnh lòng tôi mãi. Một người thầy sắp nghỉ hưu mà quét nước đọng hành lang mà không được sao? Hay tôi quét nước như vậy sẽ làm giảm sự “thiêng liêng, cao quý” của người thầy?

Vậy thế nào là thiêng liêng, là cao quý nếu mình thấy việc đáng làm đó mà ai cũng làm ngơ; ai cũng nhìn lên mà không chịu nhìn xuống; nếu học trò té ngã thì lương tâm mình có yên ổn được chăng?

LÊ LAM HỒNG