Theo quy định, tổ chức Công đoàn trong trường học hiện nay là tổ chức hoạt động độc lập với chính quyền.
Vì sao cô giáo Tân viết đơn xin ra khỏi Công đoàn? |
Bởi, công đoàn cũng có con dấu và tài khoản riêng. Theo nguyên tắc, người được bầu vào công đoàn thường là những giáo viên tiêu biểu, năng nổ, nhiệt tình trong mọi hoạt động, dám đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công đoàn viên.
Thế nhưng có trường học hiện nay, giáo viên kêu ca tổ chức Công đoàn hoạt động một cách tê liệt, vai trò công đoàn bị lu mờ và vô hiệu hóa mà nguyên nhân chính từ cách làm sai của một số trường học.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong một lần với các Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu. Ảnh: TTXVN |
Sai ngay từ khâu chọn nhân sự cho tổ chức Công đoàn.
Chủ tịch công đoàn về danh nghĩa là do công đoàn viên trong nhà trường bầu chọn. Nhưng thực tế hay do Bí thư chi bộ nhà trường định hướng và chỉ đạo.
Có hai đối tượng được bầu vào vị trí Chủ tịch công đoàn nhà trường.
Nếu là giáo viên đa phần là người của hiệu trưởng, được hiệu trưởng tín nhiệm, tin tưởng và ưu ái.
Hoặc Chủ tịch công đoàn lại chính là Phó hiệu trưởng nhà trường kiêm nhiệm.
Với kiểu cơ cấu này đủ biết công đoàn của trường học phục vụ cho quyền lợi của ai?
Ai chẳng biết Phó hiệu trưởng nhà trường đại diện cho tổ chức chính quyền mà kiêm nhiệm chức danh công đoàn họ làm sao bảo vệ quyền lợi cho người lao động? Chẳng lẽ mình tự chống mình hay sao?
Kiểu kiêm nhiệm lạ đời này đang được áp dụng ở không ít các trường học hiện nay.
Ví như ở các trường khi giáo viên bị Ban giám hiệu nhà trường phân công sai chuyên môn, bị trù dập, bị đối xử không công bằng thường thì giáo viên chỉ biết cầu cứu Chủ tịch công đoàn đứng ra bảo vệ.
Nhưng Chủ tịch công đoàn lại chính là người tạo ra những bất công ấy, giáo viên sẽ biết cầu cứu ai?
Thế là “một nách hai vai” với vai trò kiêm nhiệm là Chủ tịch công đoàn, Phó hiệu trưởng sẽ động viên hoặc bắt buộc công đoàn viên nên chấp hành sự phân công ấy.
Giáo viên chỉ còn cách phục tùng trong im lặng.
Nếu không, chính họ sẽ bị Ban giám hiệu “đì cho sói trán” bởi tội dám phản ứng, dám đấu tranh.
Nhiều giáo viên biết kết quả của việc đòi bảo vệ quyền lợi nên đành im lặng trong ấm ức vì nói ra chẳng giải quyết được gì lại làm cho họ ghét và hậu quả sẽ bi đát hơn.
Công đoàn trong nhà trường hiện nay vốn đã yếu thế lại càng trở nên yếu thế, không có chính kiến, không có tiếng nói là do những nguyên nhân đã trình bày ở trên.
Nếu từng trường làm đúng theo quy định của Luật Công đoàn thì tổ chức Công đoàn trong trường học sẽ là chỗ dựa cho công đoàn viên.
Luật Công đoàn (Luật số: 12/2012/QH13) nêu rõ “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động…
Cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước; tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động…
Luật Công đoàn quy định rõ như thế nhưng nhiều tổ chức Công đoàn hiện vẫn chưa phát huy hết nhiệm vụ và yêu cầu.
Nhiều tổ chức Công đoàn nhà trường hoạt động cầm chừng, cho có.
Trước sự bất lực ấy, đa phần giáo viên bức xúc đề nghị “Bỏ tổ chức Công đoàn khi nhiệm vụ của họ chỉ chủ yếu đi thăm công đoàn viên ốm đau bệnh tật”.
Bực thì nói thế chứ tổ chức Công đoàn nhà trường sao có thể bỏ được?
Những điều luật quy định trong Luật Công đoàn là thiết thực, cần thiết, chỉ có chúng ta đang làm sai nên vai trò của Chủ tịch công đoàn không được phát huy triệt để.
Công đoàn bảo vệ quyền lợi chính đáng của giáo viên được không? |
Bản thân người viết bài đã được làm việc với một số Chủ tịch công đoàn luôn đứng về quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Khi công đoàn viên có những bất bình, khi một ai đó bị đối xử bất công…họ đều mạnh dạn lên tiếng đòi công bằng.
Nhờ đó, kết quả tích cực luôn được mang lại, cũng chính tổ chức Công đoàn khá mạnh nên chính Ban giám hiệu nhà trường cũng cảm thấy e dè khi đưa ra những quyết định bất lợi cho công đoàn viên.
Từ thực tế trên, chúng tôi những công đoàn viên rất đồng tình, nhất trí cao với những đề nghị trong bài viết “Cách gì để công đoàn luôn dám đứng về phía người lao động? của tác giả Phan Tuyết đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam:
“Chủ tịch công đoàn phải được chính giáo viên tín nhiệm bầu vào.
Chủ tịch công đoàn cần được giảm trừ ít nhất ½ tổng số tiết dạy, được biên chế vào tổ văn phòng như Ban giám hiệu và không phải thực hiện những nhiệm vụ của người giáo viên như phải dạy hội giảng, dự giờ, dạy kiểm tra chuyên đề, tay nghề, dạy dự thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi hàng năm…”.
Đồng thời Chủ tịch công đoàn nhất định không do Phó hiệu trưởng nhà trường đảm nhận.
Có thế những công đoàn viên trong nhà trường mới được công đoàn che chở và bảo vệ khi gặp bất công.
Và lúc đó, tổ chức Công đoàn mới thật sự cần thiết cho những người lao động yếu thế đúng như nhiệm vụ, mục tiêu của tổ chức Công đoàn đề ra và hướng tới.