Nếu yêu sách, trẻ sẽ đến với yêu thương và nhiều ước mơ

27/05/2019 06:09
ĐỖ HÀ
(GDVN) - Trong thời đại công nghệ số, thói quen đọc sách đang dần bị lãng quên, điều đó không tốt cho trẻ.

LTS: Nhằm phát triển hơn nữa việc xây dựng "văn hoá đọc", tác giả Đỗ Hà (Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phúc) chia sẻ bài viết về mô hình thư viện cơ sở tại Vĩnh Phúc.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong thời đại công nghệ 4.0, khi mà văn hóa đọc ngày càng bị mai một, người ta đang bỏ dần thói quen đọc sách, báo hay thói quen đến thư viện…, thay vào đó là sự lên ngôi của các phương tiện truyền thông, điện tử và các trang mạng online thì ở một số vùng quê của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn duy trì những điểm đọc sách, báo cộng đồng.

Những mô hình này đã tạo nên các “điểm sáng” về văn hóa đọc, góp phần đắc lực giúp nâng cao dân trí về mọi mặt, giáo dục pháp luật trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Từ mô hình thư viện cộng đồng…

Nhìn từ xa, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc hiện ra trước mắt tôi yên bình, êm ả như muôn vàn ngôi làng quê khác.

Vào xã mới nhận thấy hết không khí rộn ràng, tất bật của người dân nơi đây. Ít ai biết rằng, hằng ngày, sau những giờ lao động vất vả, người dân Tam Hồng lại tìm đến thư viện để đọc sách, đọc báo…

Thư viện xã Tam Hồng được khánh thành giữa năm 2004 với tổng diện tích 500 m2, gồm hai tầng. Bên trong ngăn thành 2 gian.

Một gian chứa tám giá gỗ chạy dài, trong đó có sáu giá sách và hai giá báo các loại. Gian còn lại là phòng đọc sách.

Nếu yêu sách, trẻ sẽ đến với yêu thương và nhiều ước mơ  ảnh 1Những đứa trẻ không muốn đọc sách, lớn lên rồi sẽ ra sao?

Khi tôi đến, trong phòng đọc, trên dãy bàn sạch sẽ đang có hơn chục đứa trẻ ngồi say sưa bên những trang sách cũ. Nhìn cách ngồi và đôi mắt bọn trẻ đủ biết sách đối với chúng đáng quý hiếm như thế nào.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, quản lý thư viện kể cho tôi nghe về sự ra đời của thư viện xã gắn với người thủ thư Nguyễn Xuân Tạo, người đã dành gần nửa cuộc đời cống hiến cho thư viện này từ buổi đầu thành lập.

Ông đã khuất núi, song nỗ lực mang lại nguồn tri thức cho nhân dân và các thế hệ trẻ của quê hương vẫn luôn được dân làng ghi nhận, biết ơn.

Lùi lại thời điểm cách đây hơn 70 năm, tiền thân thư viện xã Tam Hồng vốn là một tủ sách kháng chiến của xã Tam Lâm thành lập ngày 5/7/1946.

Người trực tiếp phụ trách là đồng chí Bí thư chi bộ Nguyễn Hữu Choát. Lúc đó tủ sách chủ yếu gồm các tài liệu, sách báo của Đảng và các văn bản, chỉ thị, nghị quyết.

Sau ngày hòa bình lập lại, tủ sách xã Tam Hồng được giao cho ông Nguyễn Xuân Tạo trực tiếp quản lý.

Là người trọng sách, lại thấu hiểu vai trò của sách và tri thức với dân làng mình, ngày ngày ông Tạo cần mẫn đạp xe đạp đi “xin” sách ở khắp nơi, từ Việt Trì, Vĩnh Yên, Hà Nội… mỗi ngày đưa về thư viện một ít sách gom góp lại để làm giàu tri thức cho dân làng.

Đến nay thư viện đã có tới 10.626 đầu sách, chưa kể một giá báo 20 tờ các loại cập nhật cho dân làng đọc từng ngày, hoạt động rất bài bản.

Tất cả các sách đều có mã số, người đến mượn và đọc đều có thẻ. Thư viện duy trì mở cửa đều đặn vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần, trung bình mỗi buổi đều có từ 40 đến 50 lượt bạn đọc đến mượn, trả sách.

Trong thời đại công nghệ số, dù thói quen đọc sách đang dần bị lãng quên trong cộng đồng nhưng tình yêu sách của các bạn trẻ và người dân Tam Hồng không vì thế mà mất đi.

Bạn đọc nhỏ tuổi đọc sách tại thư viện Tam Hồng. Ảnh: Đỗ Hà
Bạn đọc nhỏ tuổi đọc sách tại thư viện Tam Hồng. Ảnh: Đỗ Hà

Một độc giả thân thiết của thư viện Tam Hồng - em Nguyễn Thị Thu Mai, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Tam Hồng, cho biết:

“Hôm nào được nghỉ học hoặc thời gian rảnh rỗi cháu đều tới thư viện.

Tại đây có nhiều loại sách rất bổ ích, vừa giúp cháu bổ trợ nâng cao kiến thức học ở trên lớp vừa giúp cháu có nhiều hiểu biết hơn về thế giới xung quanh”.

Còn cô Nguyễn Thị Lan Phương, thôn Lâm Xuyên, xã Tam Hồng tâm sự: “Thư viện đã trở thành nơi quen thuộc với tôi và nhiều người cao tuổi khác.

Sách không chỉ là món ăn tinh thần lúc nông nhàn mà còn cung cấp cho chúng tôi rất nhiều kiến thức về cuộc sống, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất. Đặc biệt ở đây còn có nhiều loại sách hay, sách quý rất khó tìm ở bên ngoài”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc cho biết: “Thư viện đón người đọc đủ các lứa tuổi, trẻ thích truyện tranh, người đứng tuổi thích sách kỹ thuật, hướng dẫn sản xuất, người già thích sách cổ, có tính chiêm nghiệm đời sống.

Thư viện không chỉ phục vụ dân trong làng, xã mà rất nhiều người dân từ các xã khác, huyện khác ngày ngày tới thư viện để đọc sách, mượn sách đem về”.

Trưởng thành trong những khó khăn, nhưng những thành quả mà mô hình thư viện xã Tam Hồng đạt được không chỉ là nguồn động viên vô giá với những gì mà thư viện đã trải qua mà đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển dân trí của cả một vùng nông thôn Vĩnh Phúc, nơi có những nông dân luôn năng động với khát vọng làm giàu.

Đến mô hình thư viện tư nhân…

Từ thành công của mô hình thư viện Tam Hồng, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, những năm gần đây, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xuất hiện một số thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng.

Nếu yêu sách, trẻ sẽ đến với yêu thương và nhiều ước mơ  ảnh 3Văn hoá đọc xuống cấp là do giáo dục lạc hậu

Tuy số lượng sách chưa nhiều, đa dạng, phong phú nhưng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu đọc sách của người dân.

Mô hình thư viện của Phùng Thị Hồng Chung ở tổ dân phố Mậu Lâm, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên là một điển hình như vậy.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học, ngay từ nhỏ, Phùng Thị Hồng Chung đã là một cô bé đam mê đọc sách.

Niềm khao khát đọc sách đã hình thành trong chị ước mơ có thật nhiều sách để đọc.

Và ý tưởng để xây dựng một thư viện cộng đồng, trước hết là để thỏa mãn niềm đam mê của mình, tiếp theo là để góp phần xây dựng và phát triển văn hóa đọc trên quê hương mình vẫn luôn đau đáu trong chị.

Tốt nghiệp Đại học, về công tác tại Báo Vĩnh Phúc, Phùng Thị Hồng Chung đã bàn bạc với gia đình thực hiện ước mơ còn dang dở đó.

Được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp đặc biệt là lãnh đạo phường Khai Quang, ngày 22 tháng 4 năm 2017, thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng của cô gái đầy nghị lực Phùng Thị Hồng Chung hình thành đặt ngay tại nhà văn hóa tổ dân phố Mậu Lâm.

Từ 500 bản sách ban đầu, hiện nay, thư viện của Chung đã có hơn 5.000 bản sách gồm nhiều loại sách, chủ yếu là sách thiếu nhi.

Trên diện tích 120 mét vuông vừa làm kho sách, vừa làm phòng đọc, Chung phân loại, sắp xếp các loại sách rất ngăn nắp, hợp lý.

Độc giả thường xuyên của thư viện cũng có nhiều lứa tuổi, nhưng đông nhất là các em học sinh từ tiểu học đến trung học cơ sở.

Do tính chất công việc gia đình, thư viện chỉ mở cửa vào hai ngày thứ bảy và chủ nhật trong tuần.

Kể từ khi có thư viện, dịp thứ bảy, chủ nhật các cháu nhỏ có chỗ vui chơi, học tập, người dân có nơi để đọc sách, các cụ già có không gian để hàn huyên, chia sẻ những thông tin bổ ích.

Tiếng lành đồn xa, nên bạn đọc đến với thư viện sách của chị không chỉ là người dân trong thôn mà còn có bạn đọc đến từ các thôn lân cận cũng tìm đến thư viện.

Ông Nguyễn Văn Học ở tổ dân phố Mậu Lâm cho hay: “Thư viện của cháu Chung trở thành nơi quen thuộc của tôi và nhiều người cao tuổi khác. Đọc sách khiến những người cao tuổi như tôi thấy minh mẫn hơn”.

Nhân rộng những điểm sáng, xây dựng văn hóa đọc...

 “Việc vui không gì bằng đọc sách/ Việc cần không gì bằng dạy con”, câu nói của Trương Triều (1650 - ?) có lẽ đã trở thành châm ngôn sống với những ai luôn yêu quý, nặng lòng với sách.

Vậy nhưng, qua quá trình tìm hiểu thực tế, tôi có dịp gặp nhiều người, lắng nghe việc có nên phát triển thư viện tuyến cơ sở không thì nhiều cá nhân đã thẳng thắn cho rằng, phát triển hệ thống thư viện cơ sở là việc làm duy ý trí, bởi mọi thông tin đã có trên internet rồi.

Nếu yêu sách, trẻ sẽ đến với yêu thương và nhiều ước mơ  ảnh 4Văn hóa đọc làm thay đổi người Việt

Mang theo những băn khoăn về cơ sở, tôi cảm nhận được nỗi buồn của chính những người đứng đầu địa phương nơi đây.

Trao đổi với tôi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam Hồng, ông Chu Văn Tiến cho biết:

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, chỉ cần tìm kiếm trên mạng internet là có thể thấy ngay vấn đề mình quan tâm.

Các quán internet mọc lên nhan nhản ở các vùng nông thôn đã thu hút giới trẻ tìm đến tra cứu, cập nhật, họ ngày càng xa rời thư viện. Thư viện xã Tam Hồng cũng không nằm ngoài hệ quả đó.

Theo ông Tiến, để khơi dậy văn hóa đọc, cần phải đổi mới toàn diện. Trước hết, cần nâng cao chất lượng của thư viện trên mọi phương diện từ đội ngũ, cơ sở vật chất, số lượng, thể loại sách.

Để làm được điều này rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương. Bởi hiện nay, nhiều thư viện trên địa bàn huyện gần như bị chính lãnh đạo bỏ quên do ưu tiên các hoạt động dễ nhìn thấy.

Cũng vì lý do kinh phí mà hầu như ở tuyến xã không có cán bộ thư viện chuyên biệt.

Dù hàng năm, thư viện tỉnh đều tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ nhưng do kiêm nhiệm nên đội ngũ này gặp khó khăn về chuyên môn.

Chị Nguyễn Thị Ngọc ngậm ngùi chia sẻ: “Lương hợp đồng của em công tác trong 10 năm nay cũng chỉ được hơn triệu đồng/ tháng.

Đây là khoản kinh phí trích từ nguồn ngân sách của xã. Với mức lương này, đời sống những người làm công tác thư viện như chúng em rất khó khăn”.

Giám đốc thư viện tỉnh Vĩnh Phúc Lê Văn Minh đánh giá cao thư viện xã Tam Hồng và một số thư viện tư nhân trên địa bàn tỉnh.

Việc hình thành các thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân là điều rất đáng mừng, chứng tỏ người dân vẫn có nhu cầu đọc sách thực sự.

Qua đó, góp phần tạo nên các điểm sáng về văn hóa đọc, nâng cao dân trí, giáo dục pháp luật trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Minh, để các thư viện tuyến cơ sở không rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ như hiện nay cần có sự đổi mới.

Trước hết là cần đưa thư viện trở thành một bộ phận độc lập chịu sự quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

Có như vậy nguồn ngân sách dành cho thư viện mới được cải thiện.

Các thư viện nên có sự giao lưu, phối hợp với các đoàn thể trong việc tuyên truyền, giới thiệu sách đến với người đọc thông qua các dịp lễ, ngày hội đọc sách nhằm tạo thói quen đọc sách trong giới trẻ.

Đồng thời cần nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện, đi kèm là chế độ đãi ngộ phù hợp để họ yên tâm công tác.

Khuyến khích, nhân rộng các mô hình như: Tủ sách dòng họ, tủ sách thôn xóm, thư viện gia đình…

Như vậy, có thể thấy, đầu tư phát triển thư viện tuyến cơ sở đang rất cần tinh thần tập thể của nhiều cấp, đơn vị. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có chủ trương và cơ chế rõ ràng nhằm tạo sức nặng để thực thi.

Bài toán khó làm thế nào để khơi dậy văn hóa đọc trong tầng lớp nhân dân vẫn còn nhiều điều khá nan giải khi mà văn hóa đọc đang ngày càng mai một.

Việc duy trì thư viện của xã Tam Hồng và một số thư viện tư nhân như một “điểm sáng” trong bức tranh toàn cảnh của thư viện tỉnh nhà, góp phần nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân trong thời kỳ hội nhập.

ĐỖ HÀ