Văn hoá đọc xuống cấp là do giáo dục lạc hậu

20/04/2019 07:36
Thạc sĩ Trần Nguyên Hào
(GDVN) - Sách chính là thế giới thứ hai mà người học bước vào khám phá để khi bước ra sẽ trở thành những người có tâm thế đĩnh đạc.

LTS: Không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc đọc sách, tuy nhiên, thực tế không phải ai cũng có thói quen đọc sách.

Nhân Ngày sách Việt Nam (21/4), Thạc sĩ Trần Nguyên Hào chỉ ra thực trạng văn hóa đọc hiện nay và giải pháp phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngày Sách Việt Nam ra đời sau Quyết định số 284/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/2/2014 và đang sắp sửa đón chào “sinh nhật 5 tuổi” của mình vào ngày 21/4 sắp tới.

Điều 2 trong Quyết định trên đã thể hiện rõ mục đích của việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam hàng năm là:

“1. Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

2. Tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách.

3. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.” [1]

Làm thế nào để phát triển văn hoá đọc? Ảnh minh hoạ: Tuyengiao.vn
Làm thế nào để phát triển văn hoá đọc? Ảnh minh hoạ: Tuyengiao.vn

Trong 5 năm qua, các cơ quan chức năng trên các tỉnh thành đã tổ chức Ngày Sách Việt Nam với nhiều nội dung và hình thức phong phú như lồng ghép việc tổ chức các diễn đàn để bàn luận, tuyên truyền, định hướng văn hóa đọc, việc trao giải các cuộc thi đọc, viết với việc tổ chức trưng bày, giới thiệu sách, báo, tạp chí đến với người đọc.

Hiệu ứng tích cực từ các hoạt động này vào ngày 21/4 hoặc trước ngày 21/4 hàng năm ở các tỉnh thành là đã góp phần quảng bá sách và các ấn bản khác đến với đông đảo bạn đọc hơn; gây được sự chú ý, sự hấp dẫn đối với người đến tham dự cũng như những người xem qua các kênh truyền thông.

Tuy nhiên các hoạt động về Ngày Sách Việt Nam trong những năm qua ở nhiều tỉnh thành chưa thực sự thực hiện được hiệu quả các khuyến nghị như Điều 2 trong Quyết định số 284/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như đã nêu ở trên.

Văn hóa đọc làm thay đổi người Việt

Hơn nữa, chủ yếu mới chỉ có các cơ quan cấp tỉnh/thành tổ chức các sự kiện về Ngày Sách ở một vài địa điểm cụ thể như ở thư viện tỉnh/thành, ở công viên, đường phố chứ chưa lan tỏa rộng rãi đến các trường học, nhất là các trường phổ thông.

Có lẽ không cần bàn nhiều về những mặt đã làm được và chưa làm được của các cơ quan, đơn vị thuộc nhiều tỉnh thành trong việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam.

Điều quan trọng là chúng ta cần nhìn nhận lại một vấn đề: Liệu việc chỉ tổ chức Ngày Sách hàng năm đã đủ vai trò tăng thêm niềm yêu thích đọc sách, hình thành thói quen đọc sách ở nhiều người hơn và đã đủ định hướng hình thành và phát triển văn hóa đọc trong học sinh, sinh viên hay chưa?

Thực trạng văn hóa đọc hiện nay

Qua nhiều công trình nghiên cứu, qua sự phản ánh của truyền hình, báo chí và qua thực tế, chúng ta đã biết một thực trạng đáng buồn là: Việt Nam là một trong số ít nước có tỉ lệ người dân lười đọc sách nhất trên thế giới.

“Theo thống kê, trung bình một người Việt đọc 4 cuốn sách/ năm, mỉa mai thay là 2,8 cuốn là sách giáo khoa và 1,2 cuốn là sách khác.

Báo cáo Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2015, tỷ lệ người Việt hoàn toàn không đọc sách chiếm 26%, thỉnh thoảng mới đọc sách chiếm đến 44% dân số.

Trong khi đó, người dân Singapore đọc đến 14 cuốn sách một năm, người Nhật là 20 cuốn. Những dân tộc hàng đầu thế giới như Đức, Pháp, Israel, một người dân đọc từ 20 cuốn sách/ năm. Đó là một trong những nguyên nhân giúp họ văn minh, giàu có, phát triển”.[2]

Chúng ta biết, khái niệm “văn hóa đọc” được hiểu là những giá trị của việc đọc sách hay đọc sách một cách có văn hóa như là: thực hành việc đọc sách “một cách có ý thức, tự giác, có trình độ hiểu biết, không chỉ làm vì nhu cầu thiết yếu, mà còn vì nhu cầu tinh thần, trí tuệ” [3], có kỹ năng đọc một cách khoa học và hiệu quả, có thẩm mĩ đọc...

Trước khi hiểu đầy đủ, sâu sắc các dấu hiệu trên trong nội hàm của khái niệm “văn hóa đọc” và ý nghĩa của nó thì điều chúng ta cần quan tâm nhất khi nói đến “văn hóa đọc”, với tư cách là giá trị cần được tuyên truyền, định hướng cho người dân nói chung, cho giới trẻ, học sinh, sinh viên nói riêng là phải hình thành ở con người niềm yêu thích đọc sách, thói quen đọc sách một cách tự giác như một nhu cầu thiết thân phục vụ cho việc học tập, cho phát triển sự nghiệp và định hình nhân cách sống tốt đẹp.

Vì vậy thực trạng người Việt Nam là một trong những người dân của số ít nước lười đọc sách nhất thế giới theo thống kê gần đây như đã nói ở trên là một thực trạng đáng buồn và nó phản ánh một điều là “văn hóa đọc” chưa định hình được rõ ràng và chưa trở thành giá trị phổ quát ở Việt Nam trong nhiều năm qua và chắc là chưa thể “lên ngôi” được trong nhiều năm tới.

Văn hoá đọc xuống cấp là do giáo dục lạc hậu ảnh 2Đà Nẵng thực hiện chương trình “tủ sách mở” để phát triển văn hóa đọc

Đại đa số giới trẻ nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng ở nước ta hiện nay - đối tượng cần đọc sách nhiều nhất để phục vụ cho việc học, cho việc xây dựng sự nghiệp thành công, cuộc sống hạnh phúc trong tương lai và định hình nhân cách sống tốt đẹp, phù hợp - lại không có thói quen đọc sách, không có niềm đam mê đọc sách.

Đây là một thực trạng không chỉ đáng buồn mà đáng lo ngại đối với ngành giáo dục cũng như đối với xã hội bởi một tỉ lệ lớn nguồn lao động hiện tại và trong tương lai ở nước ta hiện nay đang thiếu những kiến thức, kỹ năng cần thiết để làm việc, để nhìn nhận, đánh giá và giải quyết các vấn đề được đặt ra.

Ngày càng đông thanh thiếu niên có quan niệm cùng lối sống lệch chuẩn, loạn chuẩn và số lượng học sinh, sinh viên vi thiếu văn hóa, thiếu đạo đức, vi phạm pháp luật ngày càng tăng đến mức đáng báo động.

Những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?

Không thể phủ nhận nguyên nhân khách quan dẫn đến văn hóa đọc xuống cấp là do ảnh hưởng của internet, nhiều người dành thời gian cho mạng xã hội, giải trí... 

Nhưng nguyên nhân chính theo chúng tôi vẫn là xuất phát từ nền giáo dục hiện hành với nhiều hạn chế trong nội dung chương trình, sách giáo khoa, cách dạy, cách học và cách thi, đánh giá.

Có thể kể đến một số hạn chế trong những yếu tố trên của nền giáo dục nước ta hiện nay là:

Chương trình hướng đến phát triển toàn diện người học nhưng ôm đồm, quá tải, không phát huy được các khả năng, năng lực, sở trường, tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của người học, quá nặng về lý thuyết, lý luận, nhẹ về thực hành, thiếu vận dụng và trải nghiệm thực tế; chưa chú trọng giáo dục văn hóa, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống, kỹ năng mềm...

Văn hoá đọc xuống cấp là do giáo dục lạc hậu ảnh 310 yêu cầu phát triển văn hóa đọc trong trường học

Bên cạnh đó, cách dạy của giáo viên, giảng viên thiên về truyền thụ một chiều, áp đặt theo sự hướng dẫn, trình bày của chương trình, sách giáo khoa, giáo trình; thiếu sự gợi mở đã không tạo điều kiện cho tư duy độc lập, tư duy phản biện của người học phát triển.

Cách đánh giá người học của hầu hết các trường học là chủ yếu dựa vào điểm số qua các bài kiểm tra, bài thi với nội dung thi hầu như được đóng kín trong sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu tham khảo chính đã được giáo viên sử dụng trong quá trình giảng dạy.

Nội dung và hình thức các bài thi chủ yếu là hướng đến việc kiểm tra mức độ ghi nhớ, mức độ hiểu, phân tích, tổng hợp các kiến thức đã học chứ chưa chú trọng đến phát huy, phát triển khả năng biện luận, đánh giá, thể hiện nhận thức sâu rộng hơn hay cách hiểu riêng, quan điểm riêng của người học.

Bên cạnh đó, các trường học cũng ít chú trọng đến việc tuyên truyền về chức năng, ý nghĩa của việc đọc sách, về văn hóa đọc và chưa áp dụng phương pháp kiểm tra mức độ nhận thức, hiểu biết, cảm thụ của người việc qua việc đọc sách như giới thiệu, giao nhiệm vụ đọc sách và làm bài tập tại nhà, tại lớp sau khi đọc đọc sách nên thói quen, niềm yêu thích đọc sách của người học không được hình thành từ nhỏ để từ đó có thể hình thành văn hóa đọc.

Tất cả những hạn chế trên dẫn đến người học thụ động, quá phụ thuộc vào bài giảng của người dạy, vào sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu nhà trường và người dạy cung cấp mà không tự tìm tòi, khám phá để hiểu sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, đa chiều hơn về những vấn đề tiếp nhận để có tư duy độc lập, sáng tạo.

Điều đáng nói là hạn chế này của người học cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến việc thi cử, có điểm số đạt yêu cầu về kiểm tra, đánh giá do nhà trường và người dạy quy định. Thậm chí nhiều học sinh, sinh viên với cách học như trên vẫn đạt điểm cao và trở thành học sinh, sinh viên giỏi.

Hơn nữa, trong học sinh, sinh viên cũng như các bậc phụ huynh đang có quan niệm, niềm tin rằng: chỉ cần học để lấy tấm bằng mức với mong muốn làm sao có bảng điểm càng cao càng tốt, học lực được ghi trên bằng càng cao càng tốt là có thể thành công sau khi ra trường, nên việc học của học sinh, sinh viên chủ yếu là để nhận điểm số, để phục vụ cho việc thi và tốt nghiệp nhận bằng.

Đó là những nguyên nhân dẫn đến học sinh, sinh viên hiện nay lười đọc sách, ngoài sách giáo khoa, giáo trình.

Trong khi học sinh, sinh viên không ý thức được rằng có nhiều cuốn sách cần phải đọc để mở rộng chân trời tri thức, hiểu sâu sắc và đúng đắn hơn các thông tin, kiến thức mình thu nhận được trên con đường tiếp cận chân lý; để giúp mình phát triển tư duy, trong đó quan trọng là tư duy lôgíc, tư duy phản biện;

Biết giải quyết các vấn đề nẩy sinh trong thực tiễn, trong cuộc sống để thành công; có cơ hội nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách sống để hạnh phúc.

Thiết nghĩ để hình thành và phát triển văn hóa đọc trong người dân trước hết phải hình thành nhu cầu đọc sách, thói quen đọc sách, niềm đam mê đọc sách ở học sinh ngay từ lúc bắt đầu biết đọc, biết viết.

Để làm được điều đó, cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nền giáo dục theo hướng hình thành nên những con người biết tự khai sáng cho mình, mà một trong những môi trường giúp người học tự khai sáng đó chính là sách.

Bởi sách chính là một thế giới thứ hai mà người học bước vào khám phá để khi bước ra sẽ trở thành những người có tâm thế đĩnh đạc, có đủ khả năng, năng lực, đạo đức, văn hóa sống và tâm huyết xây dựng thế giới thực tại ngày càng phát triển văn minh hơn, tiến bộ hơn và con người càng nhân văn hơn.

Tài liệu tham khảo:

1. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Quyet-dinh-284-QD-TTg-nam-2014-Ngay-Sach-Viet-Nam-221784.aspx

2. http://ttvn.vn/kinh-doanh/co-mot-the-he-mang-ten-luoi-luoi-doc-sach-luoi-lao-dong-thich-ruou-bia-can-benh-tram-kha-khien-chung-ta-mai-khong-giau-5201811110106752.htm

3. http://vanhocnghethuathatinh.org.vn/doc-va-van-hoa-doc-1555384444.html

Thạc sĩ Trần Nguyên Hào