LTS: Đặt câu hỏi về việc làm sao kết quả đánh giá hiệu trưởng, hiệu phó được trung thực, thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ một số vấn đề khó khăn trong đánh giá hiệu trưởng.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Người ta kể câu chuyện đàm tiếu về một hiệu trưởng mới về chuyển trường:
“Về trường mấy ngày, hiệu trưởng tổ chức bữa liên hoan ra mắt. Rượu vào lời ra, đây cũng là dịp “sát hạch” đệ tử, hiệu trưởng mới hỏi mọi người:
- Trường mình giáo viên nào chuyên môn tốt, thẳng thắn, trung thực?
- Dạ, anh hỏi để làm gì ạ?
- Thế theo các chú, anh hỏi để làm gì?
Mỗi người trả lời mỗi cách, hiệu trưởng không chấm ai đúng, thầy “nịnh” ghé vào tai hiệu trưởng nói nhỏ “Để tìm cách chuyển nó đi trường khác hoặc thanh trừng nó phải không ạ”.
Nghe vậy, hiệu trưởng vỗ đùi cái “đét”, “chú hiểu ý anh”, cụng ly với cả bàn “dô, 100%, dô”.
Có giáo viên nào dám “trung thực” đánh giá đúng những gì mình cảm nhận được về cái chưa đạt của hiệu trưởng? Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn |
Không ít bài báo viết về hiệu trưởng “như ông vua con”, “làm hiệu trưởng sướng thật”, “muốn sướng thì làm hiệu trưởng” v.v...
Thế nhưng, hiệu trưởng cũng có cái khổ, cuối năm, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm Hiệu trưởng, hiệu phó bằng cách bỏ phiếu kín.
Giáo viên chỉ cần trả lời “trắc nghiệm” vào bốn đáp án: không tín nhiệm; tín nhiệm thấp; tín nhiệm; tín nhiệm cao. Có nơi chỉ có hai đáp án: Tín nhiệm; không tín nhiệm.
Vì bỏ phiếu kín, nên giáo viên dám “trung thực” chọn đáp án đúng, kết quả tương đối khách quan, phản ánh đúng “năng lực, đạo đức” của cán bộ.
Một số nơi, bắt giáo viên viết phiếu, “chép đề trắc nghiệm”, nên phần lớn có kết quả “đẹp” cán bộ đã “lên” là không bao giờ “xuống”. Nếu ai đó trung thực, thường “rước họa” vào thân!
Kể từ năm học 2018-2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT, quy định đánh giá chuẩn hiệu trưởng giáo dục phổ thông mới.
Tại Phụ lục II, phần gợi ý biểu mẫu sử dụng trong đánh giá chuẩn Hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông, kèm theo Công văn số 4529/BGDĐT-NGCBQLGD thì nội dung lấy ý kiến của giáo viên, nhân viên trong nhà trường về Hiệu trưởng là 18 nội dung.
Chuẩn hiệu trưởng mới nhưng cách đánh giá vẫn cũ liệu có thay đổi được gì? |
Theo biểu mẫu 02 thì yêu cầu giáo viên sẽ khoanh tròn vào các ô tương ứng.
Trong 4 ô tương ứng này, ứng với các mức: Hoàn toàn không đồng ý; Ít đồng ý; Tương đối đồng ý; Hoàn toàn đồng ý.
Nội dung được đọc trước mọi người là:
“Cuộc khảo sát ý kiến này nhằm cải tiến công tác quản lý trường học.
Ý kiến của Thầy/Cô rất quan trọng trong việc thúc đẩy thành công của nhà trường và từng học sinh.
Để đảm bảo tính khách quan, ý kiến của Thầy/Cô sẽ được giữ bí mật.
Xin Thầy/Cô cho ý kiến về Hiệu trưởng/Phó Hiệu trưởng trường của Thầy/Cô đang công tác bằng cách khoanh tròn vào chỉ 1 ô tương ứng với mức đạt được ở mỗi dòng. Trong bảng có 4 mức đạt được là:
1: Hoàn toàn không đồng ý; 2: Ít đồng ý; 3: Tương đối đồng ý; 4: Hoàn toàn đồng ý.”
Thế nhưng tất cả phiếu mẫu in ra cho giáo viên đều nguyên mẫu, nghĩa là giáo viên phải “viết tay” toàn bộ thông tin tỉnh, huyện, bậc học, tên trường, và lời nhận xét.
Chữ viết đâu giấu được “mắt thần”,“Để đảm bảo tính khách quan, ý kiến của Thầy/Cô sẽ được giữ bí mật” chỉ còn là giả tạo.
Có giáo viên nào dám “trung thực” đánh giá đúng những gì mình cảm nhận được về cái chưa đạt của hiệu trưởng? Nếu đánh giá đúng, mình có yên thân? Không ít người khốn khổ vì trung thực, bài học nhãn tiền đâu đó.
Làm sao để thầy cô trung thực trong đánh giá chuẩn hiệu trưởng, hiệu phó?
Giải quyết được vấn đề hiệu trưởng là giáo dục sẽ phát triển |
Mẫu phiếu số 02 trong phụ lục phải quy định các cơ sở giáo dục phát hành phiếu lấy ý kiến phải in sẵn tên tỉnh, huyện, bậc học, tên trường, tên hiệu trưởng; mục 15 cần ghi rõ:
Các ý kiến khác (nếu có); không bắt buộc giáo viên ghi vào mục này.
Với phiếu lấy ý kiến hiệu phó, phải thay từ “hiệu trưởng” bằng “hiệu phó” hoặc “phó hiệu trưởng”.
Làm sao kết quả đánh giá hiệu trưởng, hiệu phó được tổng hợp trung thực?
Tổng hợp đánh giá chuẩn hiệu trưởng, hiệu phó theo biểu mẫu 03, do hiệu trưởng ký xác nhận.
Nếu hiệu trưởng đạt chuẩn, không nói làm gì; nếu hiệu trưởng không đạt chuẩn, liệu các phiếu đánh giá kia có bị tráo đổi để cho hiệu trưởng đạt chuẩn?
Vì vậy, các phiếu đánh giá phải do công đoàn hay phòng giáo dục phát hành, có mộc treo, có số seri như quản lý phiếu bầu cử; đảm bảo nguyên tắc phiếu phát ra, bằng phiếu thu vào, không làm giả phiếu được.
Việc đánh giá trung thực chuẩn hiệu trưởng, hiệu phó giúp cơ quan quản lý cán bộ, có kế hoạch bổ nhiệm, tái bổ nhiệm; ngoài ra cũng giúp chính người được đánh giá biết vị trí của mình trong tập thể, tự học, tự rèn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giáo dục.
Vì vậy, để đảm bảo tính khách quan, bảo vệ người đánh giá, phiếu đánh giá phải được xây dựng như phiếu bầu cử, có quản lý phát ra, thu vào, lưu trữ; không thể làm phiếu đánh giá thành con dao “thanh trừng” giáo viên.
Tài liệu tham khảo:
https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Bo-may-hanh-chinh/Cong-van-4529-BGDDT-NGCBQLGD-2018-huong-dan-thuc-hien-Thong-tu-14-2018-TT-BGDDT-408263.aspx
https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-14-2018-tt-bgddt-chuan-hieu-truong-truong-giao-duc-pho-thong-165616-d1.html#noidung