Giải quyết được vấn đề hiệu trưởng là giáo dục sẽ phát triển

11/01/2019 06:08
Nhật Duy
(GDVN) - Một hiệu trưởng tháo vát, biết phát huy thế mạnh của đơn vị mình, từng cá nhân trong đơn vị sẽ biết phân công, sắp xếp nhân sự, công việc một cách hợp lý nhất.

LTS: Đánh giá cao vai trò của hiệu trưởng trong việc đổi mới phát triển giáo dục, thầy giáo Nhật Duy cho rằng cần tổ chức thi tuyển hiệu trưởng công khai, minh bạch.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Từ lâu, ngành giáo dục đã mở nhiều cuộc hội thảo, bồi dưỡng nhiều chuyên đề cho cán bộ quản lý, giáo viên trong ngành giáo dục. Những công việc này cũng nhằm mục đích duy nhất là hướng tới việc thay đổi, phát triển của ngành giáo dục.

Song, suy cho cùng, linh hồn của mỗi ngôi trường chính là hiệu trưởng thì ngành giáo dục, các cơ quan chức năng chưa có cơ chế giám sát tốt. Vì thế, dẫn đến sự trì trệ của ngành và cũng đồng thời chưa là động lực nòng cốt để đơn vị phát triển đi lên.

Trong khi, Bộ đã thông qua chương trình môn học, thời gian áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đã cận kề.

Vì thế, phát huy vai trò của hiệu trưởng trong nhà trường được xem là một khâu quan trọng trong lần đổi mới tới đây.

Phát huy vai trò của hiệu trưởng trong nhà trường được xem là một khâu quan trọng trong đổi mới giáo dục. Ảnh minh họa: Pin Art
Phát huy vai trò của hiệu trưởng trong nhà trường được xem là một khâu quan trọng trong đổi mới giáo dục. Ảnh minh họa: Pin Art

Những ngày đầu tiên của năm 2019 này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có những trải lòng khá thú vị với báo chí.

Trong rất nhiều điều được ông nhắc tới, chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến những trăn trở của ông về đội ngũ hiệu trưởng hiện nay ở các nhà trường.

Bộ trưởng nói: “Đến bây giờ, khi đã có chương trình rồi, chúng ta cần tiếp cận theo hướng “phát triển chương trình”.

Tôi nhận thấy, đổi mới này phải đồng bộ; mỗi bước đổi mới chương trình là một bước đổi mới giáo viên, cơ sở vật chất…

Nếu đổi mới mà chỉ chăm chăm bồi dưỡng giáo viên, trong khi hiệu trưởng vẫn bình chân như vại là “thua”.

Quá trình này thành bại hay không, có vai trò rất lớn của hiệu trưởng. Tạo cảm hứng được cho hiệu trưởng thì thành công một nửa; những vấn đề như quá tải sổ sách cho giáo viên, vào tay hiệu trưởng giỏi sẽ có cách xử lý.

Chúng tôi xác định tổ chức bồi dưỡng để hiệu trưởng “ngấm” được đổi mới. Cứ ở đâu có hiệu trưởng giỏi thì có trường học tốt”.

Giải quyết được vấn đề hiệu trưởng là giáo dục sẽ phát triển ảnh 2Làm hiệu trưởng…sướng thật

Chúng tôi cho rằng vấn đề mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trăn trở đến đội ngũ hiệu trưởng là hoàn toàn chính xác trong bối cảnh hiện nay của ngành giáo dục.

Chúng ta đều biết, vai trò của các hiệu trưởng trong các nhà trường phổ thông hiện nay rất lớn.

Người hiệu trưởng giỏi về chuyên môn sẽ thúc đẩy được được sự đi lên của đơn vị.

Hiệu trưởng biết lắng nghe, chia sẻ sẽ tạo được sự đoàn kết trong nhà trường, giáo viên sẽ thấy được sự tin tưởng từ cấp trên để phấn đấu.

Hiệu trưởng biết chia sẻ quyền lợi sẽ dẫn đến việc nhà trường không có những phe cánh, bớt đi những thị phi không cần thiết.

Tuy nhiên, điều mà dư luận chứng kiến cũng như thực tế công tác ở các đơn vị thì một bộ phận hiệu trưởng chưa đóng “tròn vai” của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có những lúc còn gây ra những điều tiếng không tốt.

Ngay trong những ngày đầu năm 2019 này, dù chỉ mới bước sang năm mới được mấy ngày nhưng trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng có một số hiệu trưởng đã khiến cho dư luận bất bình.

Đó là tình trạng 13 giáo viên của Trường Mầm non Quảng Thắng (phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vừa ký đơn tố cáo hiệu trưởng Ngô Thị Hồng Lê, gửi đến Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng về việc hiệu trưởng lạm thu, nhận 130 triệu đồng “chạy” việc.

Đó là hiệu trưởng bị tố có quan hệ “không trong sáng” với phó hiệu trưởng nhiều năm liền ở một trường Tiểu học thuộc huyện Yên Định (Thanh Hóa); Hay, hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) bị phụ huynh tố có hành vi bóp cổ học sinh ngay tại phòng làm việc.

Giải quyết được vấn đề hiệu trưởng là giáo dục sẽ phát triển ảnh 3Thầy giáo Bùi Nam không ủng hộ thi tuyển Hiệu trưởng, Hiệu phó

Ngoài ra, còn nhiều những chuyện thị phi khác đã được báo chí liên tục phản ảnh.

Những chuyện như thế này, rõ ràng đã phản ảnh một khía cạnh chưa ổn đối với một số lãnh đạo nhà trường và nó ảnh hưởng đến uy tín của từng đơn vị.

Quay lại với những trăn trở của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong những ngày đầu năm, chúng ta thấy những lời tâm huyết của Bộ trưởng hoàn toàn có lý và đó là điều cốt yếu cho việc đổi mới chương trình tới đây.

Lâu nay, chúng ta nói nhiều đến đội ngũ giáo viên sẽ làm sao để thích ứng với chương trình mới, với yêu cầu đổi mới của ngành. Nhưng, đâu đó thì đội ngũ hiệu trưởng gần như vẫn là đứng ngoài cuộc.

Những chỉ đạo của trường vẫn rất chung chung, mơ hồ. Bởi, suy cho cùng thì một số hiệu trưởng chỉ nắm được thông tin đổi mới nhưng đổi mới như thế nào thì lại chưa nắm được.

Vì vậy, trong quá trình xây dựng kế hoạch nhà trường, chỉ đạo công việc hàng tháng vẫn chưa sát sườn đổi mới. Thậm chí, mỗi lần mà hiệu trưởng dự giờ, dự thao giảng chuyên đề thì phát biểu cũng… trật lấc.

Muốn nhà trường phát triển, muốn ngành giáo dục phát triển, muốn đổi mới thành công thì chúng tôi cho rằng hiệu trưởng phải là người được tập huấn, bồi dưỡng trước.

Chỉ khi hiệu trưởng nắm được tinh thần đổi mới, hiểu được nội dung đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông thì việc đổi mới mới có thể thành công được. Bởi, từ xưa, ông bà ta đã nói: “Một người lo bằng kho người làm”.

Một hiệu trưởng tháo vát, biết phát huy thế mạnh của đơn vị mình, từng cá nhân trong đơn vị sẽ biết phân công, sắp xếp nhân sự, công việc một cách hợp lý nhất.

Muốn phát huy vai trò hiệu trưởng được tốt, có lẽ công tác giám sát hiệu trưởng cũng cần được thường xuyên hơn.

Giải quyết được vấn đề hiệu trưởng là giáo dục sẽ phát triển ảnh 4Hiệu trưởng chúng ta bàn nhiều rồi, còn Phó hiệu trưởng thì sao?

Hiện nay, có rất nhiều cơ quan giám sát, đánh giá hiệu trưởng hàng năm nhưng xem chừng lại rất yếu.

Chẳng hạn đối với hiệu trưởng từ cấp Mầm non đến Trung học cơ sở do Uỷ ban nhân dân huyện bổ nhiệm nhưng nhận xét, đánh giá hàng năm lại do Phòng Giáo dục đánh giá.

Đánh giá về công tác đảng lại do Đảng ủy xã (phường)…

Cuối cùng đa phần đều được đánh giá hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc cả.

Bởi, thực tế hướng dẫn đánh giá công chức, đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng hiện nay cũng chưa phải là công cụ chính xác.

Vì thế, đa phần hiệu trưởng tự đánh giá ra sao thì cấp trên xếp loại như vậy. Chỉ có một số trường hợp đặc biệt mới phải lưu tâm kỹ hơn mà thôi.

Vừa qua, Bộ đã thông qua chuẩn hiệu trưởng mới nhưng thực tế có bao nhiêu hiệu trưởng có thể đáp ứng được bộ chuẩn đó, hiệu trưởng có thể đáp ứng được bao nhiêu tiêu chuẩn, tiêu chí trong bộ chuẩn? Chắc chắn là rất ít.

Vì thế, chúng tôi cho rằng công cụ đánh giá nào cũng chỉ là tương đối mà thôi. Thay vì những công cụ đánh giá chung chung như hiện nay thì Bộ Giáo dục cần có những định hướng và phối hợp với các cơ quan chức năng khác tiến tới thi tuyển hiệu trưởng các nhà trường.

Thực tế, chỉ khi được thi tuyển công tâm thì ngành giáo dục mới có những hiệu trưởng đủ tầm làm người cầm lái cho mỗi đơn vị.

Còn nếu vẫn là chuyện bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ quản lý ngành giáo dục như hiện nay thì những trăn trở của Bộ trưởng có lẽ vẫn chỉ là những trăn trở mà thôi.

Tài liệu tham khảo:

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/media/bo-truong-phung-xuan-nha-nam-2019-la-den-do-500830.html

Nhật Duy