Khi sáng kiến kinh nghiệm trở thành thước đo để xét danh hiệu cho nhà giáo

22/05/2019 07:19
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Chỉ cần 1 sáng kiến kinh nghiệm đạt giải là những nhà giáo có thể đạt tới mọi nấc vinh quang với rất nhiều danh hiệu thi đua các quý khác nhau.

Thời điểm này thì các trường bắt đầu xếp loại viên chức, đánh giá chuẩn nghề nghiệp và xét thi đua cuối năm cho giáo viên trong đơn vị.

Với một hệ thống văn bản hiện hành, giáo viên chỉ cần dạy tàng tàng nhưng có một sáng kiến kinh nghiệm đạt giải là đương nhiên được xếp vào những thứ bậc cao nhất về danh hiệu thi đua.

Sáng kiến kinh nghiệm vượt xa những thành quả khác của nhà giáo đạt được trong năm học. Có điều, để hoàn tất một sáng kiến kinh nghiệm, một số nhà giáo chẳng cần phải đầu tư nhiều về thời gian và công sức.

Họ có thể xin một sáng kiến kinh nghiệm của một người anh em, bạn bè ở địa phương khác hoặc cóp nhặt trên mạng Internet và bỏ công “cắt, dán” trong vòng một ngày là trở thành một…đề tài khoa học.

Nỗi buồn sáng kiến kinh nghiệm bao giờ mới chấm dứt đây?

Sáng kiến kinh nghiệm đang là cơ sở để xét nhiều danh hiệu cao quý cho nhà giáo (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

Sáng kiến kinh nghiệm đang là cơ sở để xét nhiều danh hiệu cao quý cho nhà giáo

(Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

Theo hướng dẫn của Nghị định 56 và Nghị định 88 sửa đổi của Chính phủ thì cán bộ, công chức, viên chức muốn được xếp loại cuối năm ở mức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” phải có một sáng kiến, một cải tiến được cấp có thẩm quyền công nhận.

Vì thế, đối với ngành giáo dục thì Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ chấm sáng kiến kinh nghiệm cho giáo viên từ cấp mầm non đến cấp trung học cơ sở.

Giáo viên trung học phổ thông thì chỉ cần cấp trường chấm và công nhận là những chủ nhân của sáng kiến kinh nghiệm đó được vinh danh, được “bay cao, bay xa” để sở hữu nhiều danh hiệu cao quý cuối năm.

Mấy năm trước, khi xét thi đua cho giáo viên thì được quy đổi một số thành tích khác thành một sáng kiến kinh nghiệm như: giáo viên giỏi cấp huyện trở lên; giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi đạt từ giải 3 cấp tỉnh trở lên; giáo viên có đồ dùng dạy học đạt giải từ cấp huyện trở lên.

Nhưng, năm nay thì một số địa phương đã không còn cho quy đổi nữa. Như vậy, sáng kiến kinh nghiệm đã “đứng riêng một góc trời” để được vinh danh ở nhiều hạng mục thi đua khác nhau.

Đầu tiên là việc xếp loại viên chức cuối năm theo Nghị định 56 và Nghị định 88 sửa đổi của Chính phủ, chỉ những người có sáng kiến kinh nghiệm mới được xếp loại “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Khi sáng kiến kinh nghiệm trở thành thước đo để xét danh hiệu cho nhà giáo ảnh 2Tại sao sáng kiến kinh nghiệm lại được ưu ái hơn các phong trào thi đua khác?

Tiếp theo, đến xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên theo Thông tư 20 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì những người có sáng kiến kinh nghiệm cũng được ưu tiên bởi đó là nguồn minh chứng cho nhiều tiêu chí.

Tất nhiên, khi nhiều tiêu chí được  xếp mức tốt thì giáo viên đó cũng có thể xếp chung ở "mức tốt" đối với chuẩn nghề nghiệp.

Sau đó là đến xét thi đua cuối năm, chỉ cần có một sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp trường (khối trung học phổ thông), cấp huyện (khối mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) là đương nhiên được xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.

Ngoài ra còn có thể xét, đề nghị danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (3 năm chiến sĩ thi đua cơ sở), Bằng khen của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục, Thủ tướng Chính phủ…

Điều đáng lưu ý ở đây là trong các văn bản hướng dẫn xét thi đua hiện nay chỉ có những người có sáng kiến kinh nghiệm mới được xét và đề nghị tặng Bằng khen từ cấp tỉnh trở lên.

Cuối năm, khi xét, đánh giá đảng viên thì chỉ có người đã được xếp mức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong xếp loại viên chức của năm học mới được xét “đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Vì thế, chỉ cần 1 sáng kiến kinh nghiệm đạt giải là những nhà giáo có thể đạt tới mọi nấc vinh quang với rất nhiều danh hiệu thi đua các quý khác nhau.

Ở chiều ngược lại, những giáo viên đạt danh hiệu: giáo viên giỏi các cấp; giáo viên hướng dẫn, bồi dưỡng học sinh thi văn hóa và các phong trào khác đạt giải thì cũng chỉ được xếp mức “hoàn thành tốt nhiệm vụ” và danh hiệu “chiến sĩ thi đua cơ sở” là tối đa.

Trớ trêu ở chỗ, thi giáo viên giỏi các cấp thì đương nhiên phải có sáng kiến kinh nghiệm mới được thi. Bồi dưỡng học sinh giỏi thì kéo dài gần hết một năm học mới kết thúc.

Khi sáng kiến kinh nghiệm trở thành thước đo để xét danh hiệu cho nhà giáo ảnh 3Giá trị thật của Sáng kiến kinh nghiệm là gì?

Hoặc, giảng dạy, bồi dưỡng cho học sinh thi tuyển sinh 10, thi trung học phổ thông quốc gia đạt tỉ lệ cao cũng không được đánh giá là xuất sắc.

Khi xét thi đua cũng chẳng ai đề cập đến thành tích "đầu ra" của nhà trường và công sức, tâm huyết của những giáo viên dạy lớp cuối cấp.

Nhưng, một giáo viên làm việc cầm chừng nhưng có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải thì được đứng trên tất cả các phong trào giảng dạy và thi đua khác.

Nếu sáng kiến kinh nghiệm đạt giải mà được áp dụng trong giảng dạy và nâng cao được chất lượng học tập của học trò thì vinh danh cũng là điều dễ hiểu.

Đằng này, sáng kiến kinh nghiệm đa số là đạt giải xong thì vứt xó bởi đa phần người ta chấm không phải vì tiêu chí khoa học mà nhiều người “nhìn mặt” giáo viên để công nhận giải cho nhau.

Ngay cả một số người chấm sáng kiến kinh nghiệm cũng không hiểu gì là…đề tài khoa học mà họ vẫn cứ ngồi ghế giám khảo từ năm này sang năm khác.

Nhiều giáo viên bây giờ người ta “không thèm” viết sáng kiến kinh nghiệm bởi thà xếp thi đua, xếp loại viên chức ở mức thấp còn hơn viết mà mang “cục tức” vào thân.

Nhưng, vẫn còn nhiều giáo viên cứ miệt mài viết sáng kiến kinh nghiệm bởi họ biết, nếu viết thì mình sẽ đạt giải vì môn mình dạy là “anh này, chị kia” chấm thì chẳng lẽ mình lại…rớt!

Nếu cứ xét thi đua như bây giờ, nếu cứ xếp loại, đánh giá giáo viên như hiện nay thì ngành giáo dục đang chủ yếu là tôn vinh nhiều thứ giả tạo, hư danh. Những người dạy thật, làm thật, tâm huyết với nghề, với học trò luôn nhận phần thua thiệt về mình.

Nhưng, họ vui, họ thấy mãn nguyện lòng mình bởi mình là nhà giáo, là người đang dạy cho học trò sự trung thực và ngay thẳng, được học trò tin yêu và quý mến.

NGUYỄN NGUYÊN