Anh Hùng, một phụ huynh ở Bà Rịa tỉnh Vũng Tàu đi họp phụ huynh cho cháu trai (lớp 6) về phải thốt lên: "Sĩ số lớp 43, thì 42 bạn đạt loại giỏi, duy nhất một em khá.
Không biết nhà trường cho học và thi kiểu gì mà toàn nhân tài?”.
Điều đáng nói là, anh đánh giá cháu của mình là một đứa trẻ 12 tuổi "đang có nhiều vấn đề" về nhận thức và nhân cách lại được đánh giá là học sinh giỏi và có hạnh kiểm tốt.
Anh thấy ngỡ ngàng, hoang mang và nghi ngờ với kiểu đánh giá quá dễ dãi của nhà trường.
Học sinh giỏi mới có quà, biếm họa của NOP18 |
Câu hỏi “…nhà trường cho học và thi kiểu gì mà toàn nhân tài?” của vị phụ huynh ấy cũng chính là thắc mắc của không ít người.
Là người trong nghề, chúng tôi hiểu hơn ai hết việc dạy và thi của nhà trường để biến những đứa trẻ đôi khi kém cỏi trở thành "nhân tài" trong phút chốc.
Học sinh được đề cập trong câu chuyện trên hiện học lớp 6.
Bậc học có nhiều môn học do nhiều thầy cô giáo đứng lớp giảng dạy (khác với tiểu học, giáo viên chủ nhiệm giữ vai trò chủ đạo vì dạy khá nhiều môn).
Bởi thế, để xếp một học sinh bậc trung học đạt loại giỏi về nguyên tắc cũng không phải dễ.
Đó là sự đánh giá cùng lúc của khá nhiều thầy cô giáo. Nhưng vì sao vẫn xảy ra tình trạng “mưa” học sinh giỏi ở không ít trường học hiện nay?
Dạy và thi như thế cả lớp không giỏi hết mới lạ
Theo chia sẻ của anh Hùng: "Cháu học chính buổi chiều, buổi sáng phụ đạo ở trường. Học cả ngày trên trường, tối về nhà, tôi không thấy nó đụng vào sách vở bao giờ.
Một đứa trẻ như vậy nhưng vẫn được xếp loại giỏi, hạnh kiểm tốt, khiến tôi thực sự hoài nghi cách đánh giá của thầy cô".
Buổi chiều học chính khóa, buổi sáng, học phụ đạo ở trường (đây chính là cách gọi tránh của việc học thêm, dạy thêm hợp pháp).
Tiền học buổi sáng đương nhiên phụ huynh phải đóng. Giáo viên nhận tiền phụ huynh phải lo dạy dỗ cho các em tiến bộ.
Sự tiến bộ không đo bằng nhận thức, sự hiểu biết của học sinh thế nào mà thường được đo bằng điểm số.
Thế là cuộc “chạy đua” điểm số của thầy cô đã trở nên quyết liệt.
Học thêm suốt năm nhưng điểm của các em thì lẹt đẹt phụ huynh sẽ nghĩ gì?
Phần nữa, vì muốn lấy danh tiếng nên nhiều trường giao chỉ tiêu khá cao cho từng giáo viên.
Trước “sức ép” từ nhiều phía, giáo viên phải bằng mọi giá đáp ứng được.
Thế là học trò lên lớp học phụ đạo, thầy cô dạy và luyện những kiến thức sẽ có trong đề kiểm tra, đề thi.
Thậm chí đề kiểm tra 15 phút, kiểm tra miệng cũng được bật mí trước.
Học sao kiểm tra thế, những môn có bài tập chỉ cần thay số là xong.
Đến khi kiểm tra học kỳ, giáo viên là người soạn đề cương, giải đề cương và phát cho từng em ôn lại.
Học sinh có em học, em làm phao vào phòng thi là chép. Giáo viên coi thi dù đã được đổi chéo nhưng một số thầy cô thường quy ước “có qua có lại” cho nhau.
Đề cương ra sao, kiểm tra, thi ra y như thế. Có thầy cô chua chát nói rằng học sinh nào làm bài không tốt chỉ là nhận thức có vấn đề trầm trọng.
Bởi thế, có giáo viên chấm bài đã từng thốt lên, mười bài như một kiểu này nhắm mắt cho điểm 10 cũng không sai.
Giỏi ảo
Học và thi như thế nên hầu hết học sinh đạt loại giỏi. Thế nhưng kiến thức trong đầu những học sinh này hết thi cũng chẳng còn đọng lại gì cả.
Có em học lớp 6 nhận danh hiệu học sinh giỏi nhưng bày cho em lớp 3 một bài toán còn sai. Viết một đoạn văn thì hàng chục lỗi chính tả…
Mà như thế, cũng chẳng hề gì nếu không muốn nói nhiều người lại hưởng lợi.
Nhà trường được tỷ lệ học sinh giỏi cao. Giáo viên hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu đề ra.
Phụ huynh lại được dịp khoe khoang, ca ngợi con và nhận thưởng khuyến học.
Còn học sinh cũng được sống trong cảm giác sung sướng vì sự tung hô của nhiều người.
Năm học này qua đi, năm học khác lại bắt đầu và mọi chuyện cứ thế và cứ thế…
Thành tích ảo, cũng đừng nên đổ hết tộ cho chỉ tiêu bên trên cột xuống. Chính nhà trường, thầy cô đang "hưởng lợi" từ học buổi 2 và một bộ phận cha mẹ học sinh thích khoe thành tích của con em nên đã đẩy học trò mình vào vòng quay danh lợi.
Tài liệu tham khảo:
https://news.zing.vn/truong-day-kieu-gi-ma-42-43-em-mot-lop-co-giay-khen-hoc-sinh-gioi-post948144.html