Nguy hiểm nhất là kiểu nâng điểm có...chỉ đạo

25/04/2019 06:59
Mai Hoa
(GDVN) - Đáng báo động là kiểu nâng điểm đại trà, nâng điểm theo sự “chỉ đạo” để làm đẹp học bạ nhằm hưởng lợi việc xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học.

Chuyện nâng điểm, sửa điểm cho học sinh ở nhiều trường học hiện nay đã không còn là cá biệt.

Người ta có muôn vàn lý do để xin nâng sửa điểm như không phải thi lại, muốn được lên lớp thẳng, muốn đạt học sinh giỏi, học sinh tiên tiến…

Đặc biệt vài năm trở lại đây, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điểm trung bình môn lớp 12 tham gia vào xét tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và nhiều trường cao đẳng, đại học xét tuyển bằng phương thức xét học bạ thì việc nâng sửa điểm càng nở rộ hơn.

Một số giải pháp hạn chế việc giáo viên sửa điểm

Nhiều trường học hiện nay, ở một số môn như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, các bài kiểm tra một tiết, học kỳ thường được tổ chức theo hình thức tập trung.

Như thi chung đề, ngồi theo số báo danh xáo trộn toàn khối, giáo viên đổi và chấm chéo bài kiểm tra, bài thi để thầy cô không được chấm điểm học sinh lớp mình dạy sẽ không có cơ hội du di, nâng điểm.

Mỗi giáo viên có một cuốn sổ ghi điểm (cuốn sổ giấy) mỗi khi sửa điểm phải ký và đóng dấu, nêu rõ lý do sửa điểm của mình.

Nếu dùng sổ điểm điện tử, khi điểm đã nhập trên hệ thống thì thầy cô không thể tự mình đăng nhập vào hệ thống để sửa điểm.

"Tôi cũng băn khoăn ai nhờ hay chạy chọt nâng điểm, xử lý họ thế nào?"

Tưởng thế là an toàn nhưng giáo viên một khi đã muốn sửa điểm cho học sinh nào cũng chẳng khó gì.

Giáo viên có muôn ngàn cách để lách

Một số giáo viên bậc trung học cho biết “Thường thì thầy cô chỉ nâng điểm miệng và điểm 15 phút, điểm thi học kỳ không ai dám sửa vì có bài kiểm tra lưu ở trường”.

Riêng điểm kiểm tra 1 tiết có thể nâng bằng cách cho cả lớp kiểm tra lại với lý do lớp làm bài yếu.

Ngoài cuốn sổ điểm hay được nhà trường duyệt và kiểm tra, thầy cô nào cũng có cuốn sổ tay ghi điểm hằng ngày.

Thầy cô không cập nhật điểm vào sổ giấy hoặc sổ điện tử thường xuyên như quy định mà thường vào điểm trong cuốn sổ tay.

Giáo viên muốn nâng điểm, sửa điểm bao nhiêu chỉ việc điều chỉnh điểm trong sổ tay của mình thì “có trời mới biết được”.

Khi sửa điểm, nâng điểm xong đâu đấy, giáo viên mới cập nhật vào sổ giấy hoặc sổ điện tử.

Xin điểm, chạy điểm thói quen từ dưới

Nhưng với kiểu sửa điểm, nâng điểm ấy, được xếp vào kiểu nâng điểm “cò con”.

Bởi, đối tượng được nâng điểm, sửa điểm chủ yếu là học sinh yếu không muốn ở lại lớp (một số ít là học sinh khá xin nâng để đạt học sinh giỏi) nên số lượng được nâng điểm không nhiều.

Nguy hiểm nhất là việc nâng điểm theo “chỉ đạo”

Đáng báo động nhất là kiểu nâng điểm đại trà, nâng điểm theo sự “chỉ đạo” để làm đẹp học bạ nhằm hưởng lợi trong việc xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học.

Nâng điểm này bằng cách cho đề cương ngắn, ôn thi, kiểm tra trúng đề tủ, xem thi dễ để học sinh có điều kiện quay bài, hỏi bài…vì thế, nâng điểm theo “chỉ đạo” kiểu này khá an toàn.

Việc này mang đến cho nhà trường nhiều điều lợi như nâng cao chất lượng học tập (chất lượng ảo) thể hiện ở những con số báo cáo và tỉ lệ đỗ tốt nghiệp, đỗ vào các trường đại học, cao đẳng cao góp phần nâng vị thế, uy tín của nhà trường.

Vì cái lợi nhỏ (phạm vi một trường) họ tạm quên đi những hậu quả lớn hơn là cung cấp cho các trường đại học, cao đẳng nhiều sinh viên kém chất lượng.

Thế nên, Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh (giảng viên khoa toán - tin Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh) đã cho rằng:

“Nên bỏ kỳ thi trung học phổ thông quốc gia với mục tiêu 2 trong 1 mà nên giao cho các địa phương tự tổ chức thi và xét tốt nghiệp trung học phổ thông.

Phần còn lại giao cho các trường đại học, cao đẳng tự lên phương án và tổ chức tuyển sinh vào trường mình theo đặc thù và nhu cầu đào tạo của mỗi trường”.

Tài liệu tham khảo:

https://tuoitre.vn/lam-gi-de-ngan-nan-nang-diem-sua-diem-20190423224304756.htm

Mai Hoa