Khi thông minh được dùng nhiều quá ở Việt Nam, trừ giáo dục!

04/06/2019 06:00
Đất Việt
(GDVN) - Không có giáo dục phù hợp, không có nhân sự phù hợp, không rõ chúng ta sẽ thông minh theo cách gì?

LTS: "Khi “thông minh” được dùng nhiều quá ở Việt Nam, trừ giáo dục!" là bài viết tiếp theo của tác giả Nguyễn Thị Lan Hương gửi đến quý độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Trong tác phẩm “Tắt đèn” có đoạn mô tả ông bà Nghị ăn cơm tại phòng khách và đồng hồ “Tây” điểm tiếng, với lời phán “Đồng hồ Tây có bao giờ sai”!

Tiếp bước với những thành tựu khoa học kỹ thuật thế giới thời nay, Việt Nam cái gì cũng có mác “thông minh”, điện thoại thông minh, chương trình học tiếng Anh, Toán thông minh kiểu ABC, hay XYZ, thành phố thông minh, ngôi nhà thông minh…chỉ có điều, chưa thấy ai nói đến làm thế nào để giáo dục con người thông minh?

Năm 2001, lần đầu bước chân sang Singapore học về quản trị, tôi đã thấy người Singapore ứng dụng ERP, một hình thức quản trị hệ thống đảm bảo chất lượng và đo lường hiệu quả theo thời gian.

Đến 2008 ở Việt Nam, có vài tập đoàn lớn ứng dụng chương trình này.

Giáo dục, đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ (2)

Những hệ thống quản trị chất lượng sản xuất và dịch vụ ở các quốc gia khác nhau, ví như Nhật Bản, hệ thống TQM cũng được đánh giá cao, rồi LEAN, rồi hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm…

Ôi thôi rồi, biết bao nhiêu hệ thống quản trị trên thế giới này, nhưng chúng ta đứng ở đâu để nhìn và học những hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống thông minh đó?

Cũng quay lại Singapore, hệ thống giáo dục của Singapore được đánh giá cao.

Nhưng không ai không biết đến hệ thống dạy học thêm từ trước khi đến trường cho đến suốt đại học của Singapore nhằm đảm bảo tính cạnh tranh cao độ để vào được những trường tốt, có cơ hội mở mặt với đời. 

Theo cựu Bộ trưởng bộ giáo dục Singapore chia sẻ: “Giáo dục Singapore là giáo dục dạy học sinh thi, chứ chưa dạy nghĩ” [1] và họ đang phải thay đổi cách tiếp cận với giáo dục, thông qua những hợp tác với các trường và chương trình dạy về liberal art của Mỹ (giáo dục khai phóng cấp đại học) [2].   

Gần đây, ai cũng ca ngợi Singapore trong việc phấn đấu lên đất nước thông minh.

Khi vào tra cứu trên trang website [3], tôi hiểu được, chữ “thông minh” ở đây là sự tích hợp.

Ví dụ, tuyến xe điện chạy và lịch biểu nó nằm ở 1 website riêng biệt, thì nay vào cấp độ thông minh, nó tích hợp vào tất cả các dịch vụ công được chính phủ cung cấp trên cùng một website, bao gồm từ tuyến xe điện, xe lửa, hàng không, chỗ đậu xe, rồi đi cùng với những mảng tích hợp thông tin và ứng dụng khác…mà bản chất chỉ là thông tin đầy đủ hơn, nhiều dữ liệu hơn, trên cùng một hệ thống thông tin dịch vụ công do chính phủ cung cấp. 

Điều này nó thú vị, bởi nó giúp cho người dân tìm kiếm thông tin và những ứng dụng đa dạng hơn theo kiểu “All in One”, mọi thứ trong một thứ. 

Nhưng, nếu gọi đấy là thông minh thì tôi không có phục!

Bởi bản chất của chữ “thông minh” là để giải quyết vấn đề gì cụ thể, theo phương thức hay hơn, kết quả tốt hơn, nâng cao hài lòng và thỏa mãn người dân hơn và cụ thể là làm cho người dân có được nhiều ích lợi hơn trong cuộc sống.

Việc tích hợp đa dạng dịch vụ công vào một cổng website do chính phủ cung ứng thực sự hữu ích cho người dân hay không?

Nếu phải đổi lại với những thách thức không hề nhỏ, khi ở Singapore toàn bộ thông tin cá nhân của người dân từ học tập, cuộc sống và sức khỏe đều nằm trên hệ thống đó.

Giả như ai đó hack toàn bộ thông tin của Singapore thì sẽ như thế nào nhỉ?

Vả lại, nói gì thì nói, dân số Singapore còn chưa bằng Hà Nội, đa phần lại là dân nước ngoài và thế giới đang sử dụng hình ảnh Singapore “thông minh” để quảng bá cho các dịch vụ phát triển mô hình thông minh của mình, trong khi không tính đếm đến rất nhiều sự đa dạng và phức tạp trong cấu trúc xã hội, mà nếu chỉ nhìn đến Hà Nội hay Sài Gòn của Việt Nam cũng là đủ đau đầu để suy nghĩ, nên thông minh như thế nào?

Bí mật ở trường đại học hàng đầu châu Á

Lấy đơn cử về việc ngập lụt ở cả 2 thành phố lớn nhất Việt Nam [4]. Chúng ta đã có sai lầm lớn trong 3 việc cơ bản:

(i) Quy hoạch phát triển thành phố, đặc biệt là cấp phép xây dựng nhà cao tầng không tính đến hạ tầng và hệ thống cống ngầm.

Điển hình của “thông minh” Việt Nam là đường Nguyễn Hữu Cảnh, Sài Gòn bên cạnh một loạt khu cao tầng xây dựng và giải quyết ngập lụt mỗi khi mưa xuống là thuê máy bơm hút chống ngập! [5] 

Để giải quyết những hệ lụy của những công trình xây dựng như thế này, ngay đến trong khu Phú Mỹ Hưng – Nam Sài gòn nổi tiếng với Đô Thị Nhân Văn – Cộng Đồng Kiến Tạo, có vẻ cũng không có giải pháp gì khá hơn.

Thành phố Thông minh sẽ thế nào, nếu ngập lụt như thế này?

(ii) Những chính sách phát triển đô thị không đồng bộ, không có tầm nhìn chiều dài và hầu hết, đều dựa vào tâm lý “ăn đong”.

Với Việt nam, do chúng ta nghèo trong thời gian dài, hạn chế về năng lực kiến tạo và không coi trọng ý kiến của khoa học kỹ thuật, chúng ta hầu hết đều đi “ăn theo” những gì được các bên đối tác đề xuất, mà theo đó, hệ lụy lâu dài sẽ đè nặng lên những dự án tưởng như giải quyết được một việc nhưng lại phát sinh ra vô vàn việc khác, làm chúng ta luôn sống trong “luẩn quẩn”.   

Ví dụ, vay vốn ODA thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, mà sau gần 30 năm, kinh nghiệm rút ra là chúng ta dùng lãng phí quá, vay tưởng rẻ hóa đắt! [6]

(iii) Hai sai lầm lớn trên đây hầu hết đều do năng lực cán bộ, năng lực quản trị và thái độ không coi trọng ý kiến khoa học.

Nếu nói đến cùng, sai lầm chồng sai lầm đều do vấn đề của con người và giáo dục, đào tạo.

Câu hỏi mà chúng ta cần hỏi, khi muốn làm bất kỳ điều gì “thông minh”, là con người nào? giáo dục nào? để xây dựng thành phố thông minh đó?

(Ảnh minh họa: vov.vn).
(Ảnh minh họa: vov.vn).

Để minh họa một ví dụ cuối cho Việt Nam về thế nào là thông minh. Chỉ xin lấy ví dụ nhỏ về Samsung đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Theo như báo cáo về giá trị xuất nhập khẩu, Samsung chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị xuất nhập khẩu từ Việt Nam, nhưng cũng như tất cả hệ thống đầu tư FDI ở Việt Nam, >70% giá trị đó không ở Việt Nam, công nhân Việt Nam và kỹ sư Việt Nam chưa tham gia vào tầng giá trị R&D của họ [7], chúng ta vẫn đang làm thuê, lắp ráp gia công dưới một hình thức “bao bì” và tên gọi đẹp hơn, nhưng đó có là thông minh?

Với những nỗ lực hợp tác, Samsung đang nỗ lực chia sẻ và đào tạo cho những doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng của họ [8], nhưng đó cũng còn là một bài toán lâu dài, trong khi họ vừa rồi quyết định đầu tư vào Ấn Độ với nhà máy phục vụ cho hơn 1,4 tỷ dân số, cùng với Trung Tâm Nghiên cứu và Ứng dụng lớn của Intel [9].

Chúng ta cần hiểu rõ, các nhà sản xuất, kinh doanh trong hệ thống đầu tư thông minh toàn cầu sẽ cần đến những nhân sự thông minh, có năng lực thích ứng cao độ với môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, và để chuẩn bị cho tương lai hoàn toàn không thể tiên lượng. 

Chúng ta mong đợi những nhà đầu tư nào có mong muốn đầu tư và phát triển năng lực nhân sự Việt Nam mà trước hết, đó chính là công việc mà Chính phủ và Bộ Giáo dục đào tạo, Bộ Lao động Thương Binh Xã hội phải đặt ưu tiên hàng đầu.

Không có giáo dục phù hợp, không có nhân sự phù hợp, không rõ chúng ta sẽ thông minh theo cách gì?  

Và cũng xin đừng khuếch trương “thành phố thông minh”, chống ngập lụt, bởi ai cũng có điện thoại thông minh! [10]

Tài liệu tham khảo:

[1] The Myth of Accountability: What Don't We Know? Eric Glover, https://books.google.com.vn/books/about/The_Myth_of_Accountability.html?id=59WAp_hRrU8C&source=kp_book_description&redir_esc=y (p. 107)

[2] http://features.yaledailynews.com/blog/2017/10/09/up-close-yale-nus-a-partner-in-name-only/; https://www.universityworldnews.com/post.php?story=20120421171416355

[3] https://www.smartnation.sg/

[4] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/moi-truong/lu-lut-o-ha-noi-nang-to-van-menh-mong-nuoc-dan-ha-thanh-chi-con-cach-cheo-thuyen-464766.html; http://danviet.vn/tin-tuc/tphcm-moi-con-mua-dau-mua-nhieu-tuyen-duong-da-ngap-968097.html; https://vnexpress.net/thoi-su/tp-hcm-chi-8-000-ty-dong-chong-ngap-nam-nay-3903463.html

[5] https://vnexpress.net/thoi-su/tp-hcm-thue-may-bom-chong-ngap-duong-nguyen-huu-canh-hon-14-ty-moi-nam-3922213.html

[6] https://www.thesaigontimes.vn/277432/Tranh-tinh-trang-vay-re-hoa-dat.html;

[7] http://www.bvsc.com.vn/News/201897/612147/chuyen-gia-pham-chi-lan-viet-nam-can-tu-luc-chu-khong-nen-qua-phu-thuoc-fdi.aspx; http://cafef.vn/viet-nam-xuat-khau-54-ty-usd-trong-quy-1-rieng-samsung-dong-gop-1-4-20180630100117767.chn; https://news.samsung.com/vn/samsung-phoi-hop-voi-bo-cong-thuong-tiep-tuc-dao-tao-105-chuyen-gia-viet-nam-ve-cong-nghiep-phu-tro-nam-2019; https://vietnambiz.vn/samsung-sap-xay-dung-trung-tam-rd-300-trieu-usd-o-ha-noi-20190423151630311.htm;

[8] https://www.msn.com/vi-vn/money/topstories/n%C4%83m-2018-xu%E1%BA%A5t-kh%E1%BA%A9u-c%E1%BB%A7a-samsung-vi%E1%BB%87t-nam-%C4%91%E1%BA%A1t-h%C6%A1n-60-t%E1%BB%B7-usd/ar-BBRhG5f; https://www.thesaigontimes.vn/154781/Kinhte-Viet-Nam-va-duong-cong-nu-cuoi.html

[9] https://money.cnn.com/2018/07/09/technology/samsung-india-biggest-factory-noida-smartphone/index.html; https://www.intel.com/content/www/us/en/jobs/locations/india/sites/bangalore.html

[10] https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/dung-canh-tranh-lam-chien-luoc-quyet-cai-thien-thu-hang-nganh-vien-thong-519660.html

Đất Việt