Tại tỉnh Thái Bình có nhiều không gian sách được thành lập và xây dựng bởi những người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn. Kinh phí duy trì không gian đọc phần lớn đến từ sự ủng hộ của gia đình, bạn bè, nhà hảo tâm.
Không gian đọc của anh Đỗ Hà Cừ (sinh năm 1984, phường Trần Lãm, Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) mang đến hy vọng và niềm vui cho những người không may bị khuyết tật như anh.
Không gian đọc sách của những mầm sống “hy vọng”
Cần mẫn đóng gáy từng cuốn sách, cô Nguyễn Thị Kim Sơn - mẹ anh Cừ đã quen với công việc này từ nhiều năm nay.
Mặc dù bận công việc nhà và chăm sóc một người con bị di chứng chất độc màu da cam từ nhỏ nhưng cô Sơn vẫn luôn chân luôn tay và dành một góc tâm hồn mình nuôi dưỡng ước mơ của con.
Sư cô Thích Nữ Quảng Phát kết nối, lan tỏa tình yêu sách |
Từ khi mở không gian đọc sách “Hy vọng” con trai cô đã tìm thấy niềm tin, hy vọng trong cuộc sống.
Nhìn con vui vẻ cười nấc lên, cô Sơn tâm sự: "Cừ là con trai cả của cô nhưng bị chất độc màu da cam và tê liệt hệ thần kinh vận động. Nhưng may sao trí tuệ cháu vẫn phát triển bình thường.
Cháu được học chữ, học viết và đọc sách là niềm vui lớn nhất của cháu. Mấy năm trước được sự động viên của mọi người Cừ mới nảy ý định thành lập không gian đọc sách hy vọng. Hiện cũng đã có khoảng 3000 đầu sách các thể loại.
Từ khi có không gian đọc sách này cháu vui vẻ và khỏe mạnh hơn nhiều. Trước kia cháu bi quan lắm và không ít lần định tự tử. Nhìn cháu vui cô cũng nguôi ngoai phần nào nỗi buồn".
Dù không may bị tật nguyền nhưng anh Đỗ Hà Cừ vẫn nỗ lực học tập và đọc sách mỗi ngày. Không gian sách của anh giúp nhiều người khuyết tật có thêm hy vọng và niềm tin vào cuộc sống (Ảnh: Vũ Ninh) |
Không gian "Hy vọng" chỉ rộng chừng 20m2, hai tủ sách lớn với hàng nghìn đầu sách nhiều thể loại.
Anh Cừ say sưa kể chuyện đời, chia sẻ về những trang sách hay. Anh giao tiếp với thế giới bên ngoài thông qua mạng xã hội facebook với một bộ máy tính được thiết kế đặc biệt giúp anh có thể sử dụng được bàn phím ảo.
Khó nhọc phát âm từng chữ, mỗi lần như thế chân tay anh Cừ co quắp lại. Nhiều khi sảng khoái anh muốn cười, cười thật to thì cái thân thể quắt queo co rúm lại.
Trải qua từng ấy năm gây dựng, không gian đọc "Hy vọng" hiện nay là một địa chỉ thường xuyên với các bạn trẻ.
Nhiều người biết tiếng anh Cừ đã tình nguyện đến giúp đỡ anh phân loại sách, sắp xếp và quản lý không gian đọc.
Thậm chí nhiều nhà hảo tâm còn quyên góp tiền, tặng quà… những thứ ấy anh đều từ chối nhưng tặng sách là anh cảm ơn vô cùng.
Không gian sách "Hy vọng" của anh Cừ là địa chỉ của nhiều bạn trẻ ham mê đọc sách (Ảnh: Vũ Ninh) |
Anh Cừa chia sẻ rằng bản thân cũng đã từng rất bi quan nhưng từ khi đọc sách, từ khi mẹ dạy anh cách sử dụng vi tính và nhất là từ khi có "Hy vọng" cuộc sống của anh đã vui vẻ hơn và cảm thấy mình sống có ích hơn.
Trước kia đã có lúc anh nghĩ đến cái chết tự tử vì nghĩ rằng mình là gánh nặng của gia đình, là người bỏ đi. Nhưng từ khi mở không gian đọc “Hy vọng” anh đã tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình.
Anh nói từng câu khó nhọc: "Anh lựa chọn sách vì anh nghĩ rằng sách là những gì rất quý giá và bổ ích. Anh mở không gian đọc hy vọng vì mong muốn mình sẽ giúp ích được gì đó cho xã hội.
Anh rất thích đọc sách, hồi nhỏ là Hecman, Tứ Quái, lớn lên anh thích đọc Không gia đình, Tuổi thơ dữ dội…và những cuốn sách truyền cảm hứng, nghị lực sống cho mọi người. Anh mong muốn góp phần nhỏ bé giúp các bạn trẻ yêu sách hơn".
Trong thâm tâm của cô Sơn và anh Cừ điều đáng sợ nhất không phải là sự tật nguyền mà điều đáng sợ nhất là bản thân không tồn tại và sự cô đơn. “Hy vọng” đã thắp sáng một tâm hồn cô đơn như anh Cừ.
Nghị lực của anh Cừ là tấm gương cho nhiều bạn trẻ (Ảnh: Vũ Ninh) |
Cô gái gieo "Niềm tin" nơi xóm nghèo
Qua những lời giới thiệu của anh Cừ, phóng viên biết thêm một không gian đọc sách nữa của Thái Bình được thành lập bởi một cô gái có hoàn cảnh như anh - chị Nguyễn Lan Hương với tên gọi: "Niềm tin".
Có "Hy vọng" thì sẽ có "Niềm tin". Cái tên "Hy vọng" và "Niềm tin" như bù đắp cho nhau trong phần đời bất hạnh.
Trong cơn bĩ cực của cuộc đời những người như anh Cừ và chị Hương tìm đến nhau, san sẻ cho nhau từng tia hy vọng, từng giọt niềm tin.
"8X đời chót" lập thư viện sách trong chùa |
Khi tôi ghé thăm chị Hương, người con gái đó đang dùng miệng để lật từng trang sách.
Dù bị bại liệt nhưng trí tuệ của chị Hương bình thường thậm chí là đọc nhanh, hiểu nhanh. Từ một cô gái nhút nhát, tự ti về bản thân và mặc cảm với số phận, đến nay chị Hương cũng đã sở hữu cho mình một không gian đọc với hơn 500 đầu sách.
Trong xóm nhỏ này, không gian đọc của chị chính là thứ ánh sáng trí tuệ nhất mà những đứa trẻ nơi đây có thể tiếp nhận.
Chốc chốc vài em nhỏ vào đây mượn sách, thi thoảng một cô học sinh cấp 3 đến hỏi mượn sách ôn luyện thi đại học.
Chị Hương dù đi lại khó khăn và phát âm không chuẩn nhưng vẫn cố gắng truyền đạt những kiến thức, hiểu biết của mình cho các em.
Cô Lan, mẹ chị Hương rơm rớm nước mắt: "Cháu bị bại liệt từ nhỏ nhưng gia đình vẫn cho cháu được ăn học. Ngày trước cháu rất bi quan về cuộc sống và mặc cảm với số phận nhưng từ khi có không gian đọc này cho vui vẻ hơn nhiều.
Gia đình cũng vì thế mà rất ủng hộ việc làm của cháu. Chỉ mong sao không gian đọc ngày càng có nhiều sách để cháu có thể giúp ích được nhiều cho xã hội như cháu mong muốn".
Không gian đọc sách "Niềm tin" của chị Nguyễn Lan Hương (Ảnh: Vũ Ninh) |
Giống như lời giới thiệu của anh Cừ, chị Hương cũng đã tìm thấy niềm tin từ những hy vọng của anh.
Quen biết anh Cừ qua mạng xã hội, được sự động viên của anh chị quyết định làm đẹp cho đời qua những trang sách, vần thơ.
Giờ đây chị được nhiều người biết đến và là tấm gương cho những người có hoàn cảnh như chị. Chị tự tin đăng ảnh cá nhân, tự tin dùng facebook.
Lướt nhanh trang cá nhân bằng một chiếc bút điện tử được điều khiển bằng miệng, chị kể về những hoài bão, dự định của mình.
Tuy làm được nhiều điều lớn lao nhưng chị vẫn luôn khiêm tốn: "Chị vẫn chưa làm gì được nhiều đâu, so với anh Cừ thì chỉ bằng một phần rất nhỏ của anh ấy thôi. Chị mong muốn những cuốn sách của mình có thể giúp ích được cho trẻ em vùng quê của chị".
Những người như anh Cừ, chị Hương không chỉ tìm thấy "Niềm tin" và "Hy vọng" của cuộc đời mình mà còn thắp lên niềm tin, hy vọng cho nhiều bạn trẻ, nhiều người khuyết tật.