Sư cô Thích Nữ Quảng Phát kết nối, lan tỏa tình yêu sách

30/10/2018 06:59
LÃ TIẾN
(GDVN) - Để niềm đam mê đọc sách lan tỏa tới nhiều người, sư cô Thích Nữ Quảng Phát, trụ trì chùa Thiên Phúc (Thái Bình) đã kết nối, gieo mầm tình yêu sách.

Sư cô Thích Nữ Quảng Phát, trụ trì chùa Thiên Phúc (thôn Tân Hóa, xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) sinh ra ở tỉnh Quảng Trị, khi mới 1 tuổi đã theo cha mẹ vào vùng kinh tế mới ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tuổi thơ của sư cô không được đi học mầm non vì gia đình ở trong nông trường, mà trường học thì xa.

Hễ có dịp được qua trường sư cô lại ghé qua những khe vách để nhìn chúng bạn đang học và chơi trong lớp.

Ngay từ khi học lớp 1, niềm đam mê đọc sách đã hình thành khi sư cô biết chữ và biết đọc.

Sư cô Thích Nữ Quảng Phát, trụ trì chua Thiên Phúc (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. (Ảnh: CTV)
Sư cô Thích Nữ Quảng Phát, trụ trì chua Thiên Phúc (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. (Ảnh: CTV)

Vì không có tiền để mua sách, hàng ngày, ngoài giờ đến trường sư cô thường ghé vào tiệm sách để được tận mắt nhìn những cuốn sách mình yêu thích và xin được đọc nhờ.

Từ những nhân vật, những mảnh đời kém may mắn sư cô được biết qua những trang sách đã nhen nhói lòng yêu thương, sự đồng cảm và muốn chia sẻ với những hoàn cảnh ấy ngoài đời.

Lúc ấy sư cô ao ước sau nay lớn lên sẽ trở thành cô giáo và được dạy tại các lớp tình thương ở những nơi khó khăn, thiếu thốn.

Nhưng duyên cớ đã sắp đặt sư cô đến với cửa Phật. Đến năm học lớp 7 sư cô đã ăn chay và lên lớp 9 sư cô xin phép gia đình quy y nơi cửa Phật.

Sư cô đảm nhận dạy lớp học tình thương của nhà chùa và được theo học các lớp nghiệp vụ sư phạm rồi trở thành Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Kiều Đàm (phường Phước Long A, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh).

Năm 2009, sư cô được mời về trụ trì chùa Thiên Phúc. Khi ấy chùa nhỏ bé, chật chội, tường nứt, ngói xô, nguy cơ đổ sụp, tượng cổ bong tróc, dân làng chưa có điều kiện tu sửa.

Sư cô đã nguyện tâm xây dựng lại ngôi chùa (khởi công năm 2010, khánh thành năm 2012).

Thư viện sách trong khuôn viên chùa Thiên Phúc (Ảnh: CTV)
Thư viện sách trong khuôn viên chùa Thiên Phúc (Ảnh: CTV)

Trong thiết kế xây dựng lại ngôi chùa, sư cô dành một không gian rộng rãi làm thư viện, nguyện tâm mang lại đời sống tinh thần phong phú cho dân cư không chỉ của xã mà còn cho các em học sinh của huyện, các sinh viên trong tỉnh.

Sư cô chia sẻ: “Tôi chỉ muốn giáo viên, phụ huynh nào cũng yêu thích và ham đọc sách để lan tỏa tình yêu ấy, trước hết là với con em mình.

Bởi vậy, lúc tôi ra Bắc đã mang theo sách và lập thư viện tại chùa Thiên Phúc với mong muốn gieo tình yêu sách cho các bạn nhỏ.

Sư cô cho rằng nếu chúng ta trao cho các bạn trẻ một cuốn sách thì dĩ nhiên các bạn ấy sẽ đi theo một con đường thẳng duy nhất, nếu chúng ta trao cho họ chiếc điện thoại thì sẽ có nhiều ngã rẽ và các bạn trẻ không biết đi đường nào, dễ bị lạc lối.

Nhờ được đọc sách, làm quen với sách chúng ta có nhiều cơ hội gặp gỡ những người mình yêu thích, sách làm nên thành công những ước mơ của mình”.

Sư cô Thích Nữ Quảng Phát đã kết nối văn hóa đọc đến với người dân, nhất là các em học sinh địa phương (Ảnh: CTV)
Sư cô Thích Nữ Quảng Phát đã kết nối văn hóa đọc đến với người dân, nhất là các em học sinh địa phương (Ảnh: CTV)

Sách tại thư viện chùa Thiên Phúc phong phú về thể loại, phần lớn là sách Phật giáo, sách dành cho lứa tuổi mầm non, sách văn học, giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên...

Sách thường được quyên góp từ nhiều nhà hảo tâm ở khắp nơi chuyển về và sư cô chắt lọc từng cuốn cho phù hợp.

Đến nay thư viện có trên 5.000 đầu sách, được bày trong khoảng 200 m2, có bàn ghế phục vụ việc đọc.

Không gian xanh mát với vườn hoa tuyệt đẹp trong khuôn viên chùa là nơi sư cô trò chuyện với những người yêu sách, các em nhỏ.

Sư cô cho biết: Ai đến chùa cũng được tặng một cuốn sách về tình cảm của cha mẹ với con cái, sách đọc để thay đổi bản thân.

Có người ban đầu ngại đọc sách, tôi khuyến khích đọc sách mỏng, mỗi ngày đọc vài trang, thậm chí vài dòng.

Nhiều em nhỏ ban đầu chỉ thích truyện tranh, tôi dần hướng các em tới truyện chữ, trò chuyện và chọn sách phù hợp với các em.

Mọi người hàng ngày tự do vào ra không gian đọc sách, tự chọn và viết ngày mượn, trả sách.

Sư cô Thích Nữ Quảng Phát kết nối, lan tỏa tình yêu sách ảnh 4

Tưng bừng ngày hội đọc sách, kiểu làm “ăn xổi” có bền không?

Ai cũng có thể đến chùa, đọc sách, ngắm hoa và cùng gieo mầm thiện, cùng nhau đàm đạo để tự học, tiến đến thực học và tự khai phóng bản thân.

Với tâm nguyện gieo niềm vui cho mọi người, sư cô đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc như tuyên truyền, giới thiệu sách được nhóm thiện nguyện Hương Mặt Trời duy trì vào chủ nhật hàng tuần tại thư viện của chùa;

Tổ chức ngày hội sách hàng năm có sự tham gia của các không gian đọc, các tủ sách tư nhân, tủ sách gia đình, dòng họ nhằm tạo sự giao lưu, kết nối và chia sẻ niềm đam mê với sách;

Tổ chức giao lưu, tọa đàm với các diễn giả trung ương và địa phương về các khía cạnh của Phật pháp, của đời sống thường nhật.

Sư cô đã tạo dựng được câu lạc bộ đọc sách của chùa với 10 thành viên ở các lứa tuổi học sinh khác nhau và từ 1 thành viên thì việc đọc sách được lan tỏa đến các bạn học sinh trong lớp.

Nhờ đọc sách mà các em ngoan hơn, học giỏi hơn. Các em đến với câu lạc bộ sẽ được đọc sách, vui chơi, được giảng giải về đạo lý làm người và được ngồi thiền để các em cảm nhận được những điều hay đọc được từ những trang sách.

Để thu hút giới trẻ đến với thư viện của chùa, sư cô đã tạo ra được một không gian thoải mái, cảm giác thân thiện, phù hợp với lứa tuổi, sở thích của các em.

Mặc dù, việc thành lập một thư viện trong chùa để phục vụ người dân địa phương cũng sẽ là hơi ồn ào so với cảnh yên tĩnh chốn cửa Phật nhưng đổi lại nó có tác dụng rất lớn đối với nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân.

Chính vì vậy, sư cô mong ước trong thời gian tới nếu có điều kiện sẽ xây dựng một không gian thư viện riêng ngay bên trong khu vườn trước sân chùa để mọi người, nhất là các bạn trẻ đến với thư viện được thỏa sức đọc sách, nói chuyện và vui chơi trong không khí thoải mái, thân thiện.

LÃ TIẾN