Triết lý giáo dục trong dự thảo Luật Giáo dục mờ nhạt, thiếu đường hướng

30/05/2019 06:50
Trinh Phúc
(GDVN) - Thầy Trần Ngọc Thêm cho rằng, do xuất phát điểm của mỗi nước khác nhau nên mỗi nước phải xác định cho mình những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.

Vấn đề triết lý giáo dục trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi trình Quốc hội xin ý kiến được một số đại biểu đánh giá là còn mờ nhạt.

Đơn cử như đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng cho rằng: “Đề nghị trong các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và định hướng phát triển giáo dục Việt Nam phải làm toát lên được một triết lý của nền giáo dục Việt Nam hiện đại, làm nền tảng cho việc cụ thể hóa toàn bộ quy định của dự thảo luật.

Vấn đề này trong dự thảo luật còn thể hiện một cách mờ nhạt, hay nói cách khác còn chưa thể hiện hết được, đề nghị Ban soạn thảo và các cơ quan thẩm tra quan tâm”.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân đoàn Bình Dương còn cho rằng: “Chưa bao giờ xã hội có dịp bàn sâu và toàn diện về sự nghiệp trồng người như vậy, nhưng đến nay triết lý thêm một lần nữa lỡ hẹn trong dòng chảy của giáo dục, xã hội và mọi người vẫn sẽ tiếp tục tất bật học hành.

Nhưng sự học đó chưa đồng nghĩa làm nên những suy tư, trăn trở về trách nhiệm của bản thân đối với thịnh vượng của quốc gia, dân tộc.

Bởi vì những giá trị phổ quát nhất còn mang tính liệt kê, dàn trải không phải là sự chắt lọc nên phẩm cách và triết lý giáo dục của quốc gia”.

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm (ảnh nguồn giaoduc.net.vn).
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm (ảnh nguồn giaoduc.net.vn).

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm chủ nhiệm đề tài “Triết lý giáo dục Việt Nam – từ truyền thống đến hiện đại” đồng tình rằng: “triết lý giáo dục trong dự thảo Luật Giáo dục trình lên Quốc hội đúng là còn mờ nhạt như các đại biểu nhận xét.

Dù rằng thể hiện qua sứ mệnh, mục tiêu, phương pháp thì nó cũng phải đủ rõ cho thấy đường hướng cụ thể”.

Để làm rõ vấn đề triết lý giáo dục trong Luật Giáo dục sửa đổi, giáo sư Trần Ngọc Thêm cho biết rằng khái niệm triết lý giáo dục có nhiều cách hiểu khác nhau.

Giáo sư Phạm Minh Hạc: Luật Giáo dục phải có một triết lý rõ ràng

Người Việt Nam thường hiểu rằng triết lý giáo dục phải đúc kết thành dăm ba chữ hay một câu khẩu hiệu.

Cách trình bày triết lý giáo dục dưới dạng dăm ba chữ hay một câu khẩu hiệu dễ nhớ, dễ thuộc là rất hữu ích trong đời sống nhưng không thể đưa vào văn bản luật vì không chặt chẽ và không thể hiện hết ý.

Giáo sư Thêm minh chứng: “Trên thế giới không một nước nào tuyên bố trong luật giáo dục một triết lý giáo dục cụ thể bằng một điều luật.

Duy nhất trong Luật giáo dục Malaysia có nêu đích danh “triết lý giáo dục quốc gia”, nhưng là trong “Lời nói đầu” chứ không phải dưới dạng một điều luật, và cũng phải diễn đạt bằng một đoạn văn dài.

Một vài quốc gia khác (như Mỹ, Singapore) cũng có nêu ra những khẩu hiệu về giáo dục nhưng đều mang tính hỗ trợ chứ không phải là các điều luật”.

Do đó, theo giáo sư Thêm, “Quan điểm của nhóm thực hiện đề tài mà tôi đã trình bày tại tọa đàm khoa học "Triết lý giáo dục và Triết lý giáo dục trong Luật Giáo dục sửa đổi" do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì tổ chức tại Hà Nội ngày 5/1/2019 là chúng ta không nên và không thể làm khác các nước, tức là không nên tuyên bố triết lý giáo dục thành một điều luật nhưng hoàn toàn có thể tập trung các nội dung gắn với triết lý giáo dục vào một chương (hoặc một mục) như Luật giáo dục cơ bản của Nhật Bản đã làm.

Chương (hoặc mục)  này có thể bao gồm 5 điều tương ứng với 5 thành phần cơ bản trong cấu trúc của triết lý giáo dục mà nhóm đề tài chúng tôi đã xác lập là mục đính, mục tiêu, nội dung, phương pháp, và nguyên lý giáo dục.

Ý kiến của Giáo sư Nguyễn Xuân Thu về Văn hóa và Triết lý giáo dục

Trong đó, quan trọng nhất là mục đích hay còn gọi là sứ mệnh của giáo dục. Sứ mệnh này thực chất đã được nêu ra trong điều 61 của Hiến pháp 2013, đó là: “nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.

Từ mục đích (sứ mệnh) mới cụ thể hóa thành các mục tiêu; rồi từ mục đích và các mục tiêu mới xác định tiếp các nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, và nguyên lý giáo dục.

Chương (mục)  này có thể đặt tên là “Mục đích, mục tiêu, nguyên lý giáo dục”, nó sẽ phản ánh các tư tưởng triết lý của nền giáo dục Việt Nam hiện đại, làm nền tảng cho việc cụ thể hóa toàn bộ quy định của dự thảo luật”.

Do không tổ chức lại thành hệ thống chặt chẽ nên trong dự thảo hiện nay, những tư tưởng liên quan đến triết lý giáo dục vẫn nằm rải rác, không thay đổi bao nhiêu so với Luật Giáo dục trước đây.

Có lẽ vì vậy mà đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) mới nhận xét rằng “những giá trị phổ quát nhất còn mang tính liệt kê, dàn trải không phải là sự chắt lọc nên phẩm cách và triết lý giáo dục của quốc gia”.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho biết: “Có triết lý giáo dục lâu dài và triết lý giáo dục cho từng giai đoạn. Triết lý giáo dục lâu dài thì thế giới là như nhau.

Nhưng do xuất phát điểm (hiện trạng) của mỗi nước khác nhau nên mỗi nước phải xác định cho mình những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.

Nếu mục tiêu giáo dục trong Luật Giáo dục sau lần sửa đổi nào cũng vẫn chung chung là đào tạo con người toàn diện thì không sai nhưng cũng sẽ không có hiệu quả”.

Ông nhấn mạnh: “Mình phải xác định xem hiện nay mình đang yếu nhất khâu nào để tập trung vào sửa.

Các luật của ta thường sẽ sửa đổi sau khoảng 10 năm, nên Luật Giáo dục sửa đổi lần này ít nhất là phải trở thành cơ sở cho những biện pháp cụ thể giúp cho trong 10 năm tới khắc phục tận gốc những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng “sự cố giáo dục” diễn ra triền miên trong hơn chục năm nay, và đưa nền giáo dục Việt Nam đi lên”.

Trinh Phúc