Giáo sư Phạm Minh Hạc: Luật Giáo dục phải có một triết lý rõ ràng

24/05/2019 06:22
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo đó, "Triết lý giáo dục phải quy định rõ ràng trong một điều Luật và tư tưởng đó phải cụ thể được xuyên suốt trong các điều luật khác nữa".

Liên quan đến triết lý giáo dục trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, ngày 21/5 nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nội dung này đang mờ nhạt.

Đơn cử như đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng cho rằng: “ Đề nghị trong các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và định hướng phát triển giáo dục Việt Nam phải làm toát lên được một triết lý của nền giáo dục Việt Nam hiện đại, làm nền tảng cho việc cụ thể hóa toàn bộ quy định của dự thảo luật.

Vấn đề này trong dự thảo luật còn thể hiện một cách mờ nhạt, hay nói cách khác còn chưa thể hiện hết được, đề nghị Ban soạn thảo và các cơ quan thẩm tra quan tâm”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng (ảnh nguồn quochoi.vn).
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng (ảnh nguồn quochoi.vn).

Cũng liên quan vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân, đoàn Bình Dương cho rằng: “Mục tiêu đã có, phương pháp cũng nhiều, sứ mệnh là vậy nhưng dường như còn thiếu một điều tạo nên hướng đi minh định và không gì khác hơn đó là triết lý giáo dục mà tôi và một số đại biểu đã có dịp thưa với Quốc hội.

Thế nhưng, nếu giải trình cho rằng triết lý giáo dục đã được thể hiện trong quan điểm mục tiêu, phương pháp giáo dục của dự luật thì thiết nghĩ vì sao các viện, trường đại học hàng đầu lại chưa thể cô đọng cho thành một triết lý giáo dục cho Việt Nam và phải chăng nó còn mờ nhạt như phần ý kiến của đại biểu Nguyễn Tạo đoàn Lâm Đồng”.

Ông Nhân nhấn mạnh: “Sự khái quát hoá triết lý giáo dục chưa thấy đâu nhưng lại có sự cụ thể hóa, nhiều người cho rằng thể hiện trong dự luật thì đây có phải là một sự gượng ép và bất cập”.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân, đoàn Bình Dương (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân, đoàn Bình Dương (ảnh quochoi.vn).

Cũng theo đại biểu Nhân: “Chưa bao giờ xã hội có dịp bàn sâu và toàn diện về sự nghiệp trồng người như vậy, nhưng đến nay triết lý thêm một lần nữa lỡ hẹn trong dòng chảy của giáo dục, xã hội và mọi người vẫn sẽ tiếp tục tất bật học hành.

Nhưng sự học đó chưa đồng nghĩa làm nên những suy tư, trăn trở về trách nhiệm của bản thân đối với thịnh vượng của quốc gia, dân tộc.

Bởi vì̀ những giá trị phổ quát nhất còn mang tính liệt kê, dàn trải không phải là sự chắt lọc nên phẩm cách và triết lý giáo dục của quốc gia”.

Tuy nhiên đại biểu Đinh Duy Vượt, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia La lại cho rằng: “Cử tri tha thiết đề nghị và mong muốn đừng đẻ ra triết lý giáo dục rồi lại luẩn quẩn, loay hoay trong thí điểm, trong thay sách, thay thiết bị, rồi lại tập huấn lãng phí tốn kém, nhân dân sẽ không đồng tình, không ủng hộ”.

Trước những ý kiến băn khoăn, trái chiều về triết lý giáo dục trong Luật Giáo dục sửa đổi phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục - người từng viết cuốn sách “Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam”.

Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục (ảnh nguồn Báo Lao Động).
Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục (ảnh nguồn Báo Lao Động).

Theo ông Phạm Minh Hạc: “Cần có triết lý giáo dục trong Luật Giáo dục.

Nước ta năm 1945 có 5% dân biết chữ nay đã phổ cập được đến lớp 9 tức hết bậc trung học cơ sở đó là nhờ triết lý giáo dục đứng đắn do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Lao động đề ra.

Cụ thể, năm 1945 Bác Hồ nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và năm 1968 Bác Hồ nói là “dạy tốt, học tốt”.

Giáo sư Phạm Minh Hạc phân tích: “Thực hiện được triết lý giáo dục “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” nên dân ta thoát nạn mù chữ. Nay phổ cập được đến lớp 9.

Nhà trường phát triển được tốt là nhờ thầy giáo dạy tốt, học sinh học tốt. Hai việc đó là quan trọng, quyết định thành bại của giáo dục”.

Cũng theo Giáo sư Phạm Minh Hạc: “Bây giờ, thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21 tôi có đề xuất triết lý giáo dục là "Giá trị bản thân".

Mỗi một người phải tạo ra giá trị cho chính mình đồng thời cho xã hội. Chúng tôi gọi triết lý đó là giá trị bản thân và được in thành sách "Triết lý giáo dục, thế giới và Việt Nam" - xuất bản 2 lần năm 2010 và năm 2014”.

Giải thích thêm, Thầy Hạc cho rằng, triết lý giáo dục “giá trị bản thân”, tức là dạy và học phải giúp người học hình thành hệ giá trị của từng người, có hiểu biết, có thái độ đúng, có năng lực.

Mỗi người học phải làm cho mình thực sự có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu của xã hội, bảo đảm cuộc sống cũng như trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Cuối cùng nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục nhấn mạnh: “Luật Giáo dục phải có triết lý giáo dục rõ ràng.

Triết lý đó phải quy định rõ ràng trong một điều khoản và tư tưởng đó phải cụ thể được xuyên suốt trong các điều luật”.

Trinh Phúc