Sáng 3/6, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.
Tiếp đó, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.
Kết quả lấy ý kiến đại biểu. Ảnh: Đỗ Thơm |
Sau khi cân nhắc nhiều mặt, để tập trung cho các nội dung nêu trên và bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội giám sát 1 chuyên đề tại kỳ họp thứ 9.
Việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề được dựa trên các tiêu chí cơ bản sau đây: Là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật;
Không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất; Bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực;
Phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.
Tính đến ngày 23/3/2019, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 77 cơ quan với 183 nội dung kiến nghị, đề xuất .
Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 1 trong 2 chuyên đề nội dung cụ thể sau đây :
Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì về nội dung).
Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên (dự kiến giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì về nội dung).
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương. Ảnh: Quochoi.vn |
Phát biểu thảo luận về nội dung trên tại hội trường, đại biểu Triệu Thị Thu Phương - đoàn Bắc Kạn cho biết, theo số liệu báo cáo thống kê của Thư viện Quốc hội cung cấp về tình hình trẻ em bị xâm hại trong 2 năm 2017 – 2018 và quý I năm 2019, cho thấy: Toàn quốc đã xảy ra 3.499 vụ, với 3.546 trường hợp trẻ em bị xâm hại được phát hiện. Trong đó, trẻ em bị xâm hại tình dục trên 60%.
Tuy nhiên theo đại biểu Phương, đây chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" khi mà trên thực tế con số này còn rất lớn vì gia đình và nạn nhân không tố giác, vì e ngại thông tin sẽ ảnh hưởng đến trẻ em trong gia đình.
Đáng báo động, theo đại biểu Phương, trẻ em bị xâm hại bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao với hơn 21,3%, gần 60% bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm.
"Ước tính khoảng 68,4% trẻ em từ 1 – 14 tuổi phải chịu ít nhất 1 hình phạt về thể chất và tâm lý bởi người thân trong gia đình, tính chất vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội", đại biểu Phương nhấn mạnh.
Đại biểu nhấn mạnh thêm, hành vi bạo lực trẻ em vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em báo động sự suy đồi về đạo đức như: Hiếp dâm tập thể, hiếp dâm rồi giết trẻ em, người cao tuổi hiếp dâm trẻ nhỏ tuổi, thầy giáo xâm hại tình dục nhiều học sinh... gây bức xúc cho dư luận.
Bị tấn công tình dục, trẻ phải gánh chịu hậu quả nặng nề suốt cuộc đời |
Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Tô Văn Tám - đoàn Kon Tum nhấn mạnh, trẻ em không chỉ bị bạo lực xâm hại tình dục mà còn bị bóc lột, dù Luật Trẻ em quy định rõ trẻ em được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị lao động trước tuổi, không bị bóc lột sức lao động, lao động quá thời gian...
"Một khảo sát cho thấy rằng, hiện có khoảng 1,75 triệu trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành phải làm việc nặng nhọc hoặc làm việc trong điều kiện có hại cho sức khỏe, với giá nhân công rẻ mạt.
Thời gian làm việc của các em bị ép từ 11- 12 tiếng, thậm chí 16 tiếng/ngày", đại biểu Tám nhấn mạnh về tình trạng bóc lột trẻ em.
Cùng với đó, trẻ em không chỉ bị bóc lột mà còn là nạn nhân của nạn buôn bán người diễn ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng.
Với sự cấp thiết trên, trong phần lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội năm 2020, chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" đã được 383 đại biểu đồng ý chọn chiếm tỷ lệ 79,13%.