Tại Hội thảo về phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em do Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an tổ chức, tháng 7/2017, theo báo cáo thì trong 5 năm từ 2012 đến 2016, cả nước ghi nhận gần 6,7 ngàn vụ xâm hại trẻ em.
Hơn 8.100 trẻ đã trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại. Đau lòng hơn là hàng trăm trẻ dưới 6 tuổi cũng trở thành nạn nhân.
Cũng theo thống kê này cho thấy có hơn 4.100 vụ xâm hại tình dục trẻ em thì hơn 80% trẻ bị xâm hại là nữ, trong đó trẻ dưới 6 tuổi 278 em, từ 6-13 tuổi có 1.333 nạn nhân và hơn 2.500 em từ 13-16 tuổi. (1)
Hình ảnh Camera được quay tại thanh máy tòa nhà Galaxy 9 ở Quận 4- Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Cắt từ clip. |
Nạn nhân của lạm dụng tình dục sẽ bị tổn thương tâm lý và để lại hậu quả tinh thần rất nặng nề trong suốt cuộc đời. Các em luôn mặc cảm bản thân không còn trong sáng và hồn nhiên như các bạn cùng trang lứa. Đó cũng là hệ lụy lâu dài cho xã hội.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng - Trưởng bộ môn Tâm lý học lâm sàng- khoa Tâm lý học (Trường Đại học Khoa học và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), chia sẻ: “Các nghiên cứu cho thấy, trẻ em bị những hành vi dâm ô, xâm hại tình dục có thể phải chịu những hậu quả lâu dài về sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần.
Về thể chất, trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi, có thể bị đau dạ dày, đau đầu. Một số trẻ khác có thể mắc chứng đau mãn tính (đau không rõ nguyên nhân).
Về sức khỏe tâm thần, việc trẻ bị tấn công tình dục gây ra hậu quả tiêu cực, biểu hiện ở nhiều mặt, bao gồm cảm xúc, nhận thức và hành vi. Về cảm xúc, trẻ có thể cảm thấy bất an, lo sợ, xấu hổ, giận dữ, muốn trả thù”.
Với những trẻ bị dâm ô, xâm hại tình dục luôn cảm thấy không được an toàn, giảm lòng tin vào mọi người xung quanh, lo sợ sẽ lại rơi vào tình huống tương tự, lo bị tấn công lần nữa, và đặc biệt là rất xấu hổ, lúc nào cũng có tâm trạng bất an, lo sợ mọi người biết chuyện của mình, dẫn đến việc bị căng thẳng kéo dài (stress)”.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng - Trưởng bộ môn Tâm lý học lâm sàng - Khoa Tâm lý học (Trường Đại học Khoa học và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: ussh.vnu.edu.vn |
Với những trẻ nhạy cảm, các em thường gặp các vấn đề liên quan đến giấc ngủ như mơ thấy ác mộng, khó đi vào giấc ngủ, thường xuyên mất ngủ, điều đó làm giảm sức khỏe lâu dài.
“Về nhận thức, trẻ có thể trách móc người thân đã để trẻ rơi vào tình huống đó, tự trách mình, mặc cảm rằng mình có tội. Lòng tự trọng của trẻ giảm xuống, trẻ có thể cho rằng bản thân mình không tốt, mình đáng bị như vậy.
Việc đó còn có thể để lại hậu quả trẻ có những ký ức ám ảnh dai dẳng bao gồm những ký về ức hình ảnh, âm thanh, mùi vị…
Về hành vi, trẻ sẽ khó tập trung vào việc học, hoặc bất cứ việc gì, khó thích ứng với các tình huống trong cuộc sống. Ví dụ, trẻ bị tấn công trong thang máy rất có thể sợ hãi và sẽ không đi thang máy nữa. Nếu bắt buộc phải đi thì run rẩy, sợ hãi, cảm thấy khó thở”, Phó giáo sư Hằng cho biết.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ em là nạn nhân của các hành vi tấn công tình dục dễ mất cân bằng tâm lý, dẫn tới lạm dụng thuốc hoặc các chất hỗ trợ ổn định tinh thần cao hơn 4 lần so với trẻ bình thường (đặc biệt là khi bước vào tuổi vị thành niên).
Phó giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng chia sẻ thêm: “Với một số trường hợp, trẻ bị tấn công tình dục dễ có những hành vi nguy cơ, bất cần. Trẻ cũng có thể khó thiết lập các mối quan hệ thân tình khi đến tuổi trưởng thành.
Ngoài ra, trẻ sẽ có kết quả học tập sút kém, dễ rơi vào tình trạng cô đơn, nhiều khi bị phân biệt, kỳ thị, bị phán xét bởi định kiến của người khác.
Thậm chí, nhiều trẻ là nạn nhân của các vụ tấn công tình dục bị mắc trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (Post-traumatic stress disorder).
Khi trưởng thành, họ cũng dễ bị trầm cảm cao hơn 3 lần với người bình thường và dễ bị rối loạn căng thẳng cao hơn 4 lần so với người bình thường”.
Toà nhà Galaxy 9 ở Quận 4- Thành phố Hồ Chí Minh, nơi xảy ra sự việc. Ảnh: PV. |
Câu hỏi đặt ra là gia đình và xã hội cần phải làm những gì để giảm bớt tác động tiêu cực của hành vi xâm hại tình dục, giúp các cháu trở lại với cuộc sống bình thường?
Phó giáo sư Hằng nêu gợi ý: “Khi con em mình bị dâm ô và xâm hại tình dục, cha mẹ và những người thân có thể thực hiện những việc sau đây:
Thiết lập ngay biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ và nói với trẻ là con đã được an toàn, nhẹ nhàng hỏi chuyện con để con chia sẻ cảm xúc của mình.
Nói cho con biết rằng, sự việc vừa rồi có thể xảy ra với bất kỳ ai, giải thích để trẻ hiểu không phải vì con “đặc biệt” hay con có tội lỗi gì. Chính kẻ tấn công con là người có tội, là kẻ vi phạm pháp luật, người đó sẽ bị xử lý”.
Không để trẻ phải nghe dư luận xì xào về bản thân. Trên thực tế, dư luận có ảnh hưởng rất tiêu cực đến trẻ, do sự không hiểu biết và sự tò mò của những người xung quanh vô tình làm trẻ bị tái sang chấn.
Việc bị tái sang chấn nhiều khi còn nguy hiểm hơn nhiều lần sự việc trẻ bị tấn công, thậm chí sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng hơn.
Nếu con phải tiếp tục đi học, cha mẹ cần thông báo trước với thày, cô giáo và đề nghị thày, cô giáo đảm bảo để các thông tin về trẻ cũng như vụ việc không lan truyền trong lớp, trong trường, nghĩa là không để các bạn và thày, cô khác biết về chuyện của trẻ. Điều này nhằm ngăn chặn dư luận không hay làm tổn thương trẻ lần nữa.
“Tránh cho trẻ tiếp xúc với báo chí và những người không liên quan. Trên thực tế, báo chí có mặt tích cực, nhưng có thể làm cho trẻ và gia đình bị tổn thương thêm bằng việc đưa thông tin, hình ảnh không phù hợp và dày đặc lên báo, đặc biệt là mạng truyền thông.
Mặc dù thông tin về danh tính của trẻ đã được viết tắt và mặt của nạn nhân bị làm mờ trên báo nhưng điều đó chưa đủ để đảm bảo là người khác không nhận ra trẻ. Vì hình ảnh, và tên xã, phường, huyện... làm cho bạn bè, thầy, cô rồi hàng xóm dễ dàng nhận ra trẻ.
Nếu cần làm việc với công an, hoặc cơ quan điều tra, cha mẹ phải có kiến thức và kỹ năng để đảm bảo cho con không bị tái sang chấn vì cơ quan điều tra sẽ yêu cầu trẻ kể rành rẽ, chi tiết về những gì mà trẻ vừa trải qua.
Lý tưởng nhất là cha mẹ cần tham vấn với các nhà tâm lý, trước khi cho trẻ làm việc với công an và các cơ quan điều tra. Nhà tâm lý sẽ hướng dẫn cha mẹ những kỹ năng cần thiết để đảm bảo an toàn về mặt tâm lý cho con.
Cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến tâm lý của con, giấc ngủ và các hành vi của con, thường xuyên nói chuyện và hỏi thăm về cảm xúc của con. Nếu nhận thấy con có điều gì bất thường hoặc có các phản ứng cảm xúc tiêu cực thì cần đưa con đến gặp các nhà tâm lý có kinh nghiệm làm việc với trẻ em để được hỗ trợ”, Phó giáo sư Hằng nhấn mạnh.
Tài liệu tham khảo:
(1). https://tuoitre.vn/xam-hai-tinh-duc-tre-em-nhung-con-so-kinh-hoang-1359814.htm