Sau bài viết “Trường học bán sách vì học sinh hay vì hoa hồng” của tác giả Đỗ Quyên đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 2/6 đã nhận được sự quan tâm của khá nhiều bạn đọc khắp nơi.
Sách giáo khoa nên để phụ quyên tự quyền chọn mua (Ảnh minh họa tintucvietnam.vn) |
Không ít bạn đọc là thầy cô giáo ở nhiều địa phương trong cả nước đã gọi điện, nhắn tin bày tỏ sự đồng tình với tác giả bài báo.
Đồng thời tỏ ra bức xúc khi chuyện bán sách trong trường của họ diễn ra áp lực hơn nhiều.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cho độc giả biết thêm những góc khuất khi trường học biến thành cửa hàng bán sách.
Bán vậy khác gì kiểu ép buộc?
Nghĩa của từ “bán” là đổi hàng hóa để lấy tiền.
Người bán sẽ bán thứ mình có, gặp được người mua đang muốn mua thứ mình cần.
Thế là đôi bên sẽ có cuộc trao đổi “thuận mua vừa bán”.
Ấy thế mà việc bán-mua xảy ra trong trường học lại hoàn toàn khác.
Người bán phát thứ mình có (cụ thể là sách giáo khoa) buộc người mua cầm về và đưa tiền mà không cần biết họ có nhu cầu hay không.
Một phụ huynh ở tỉnh Bình Phước cho biết, gia đình đã mua cho con bộ sách ở tiệm sách rồi nhưng cũng đành bỏ tiền cho cháu mua lại ở trường vì sợ cháu bị đì”.
Trường học biến thành cửa hàng bán sách, hoa hồng bao nhiêu? |
Nói rồi, vị phụ huynh kết luận nghe đến xót xa: "Muốn sang thì bắt cầu kiều, muốn cháu được học phải vâng lời thầy".
Một số phụ huynh ở tỉnh Bình Thuận cho biết, nhà trường nói sách này ngoài thị trường không có nếu không đăng ký mua vào năm học các em không có sách học nhà trường sẽ không chịu trách nhiệm. Thế nhưng chúng tôi ra hiệu sách thị trấnmua vẫn có.
Giáo viên ở tỉnh Cà Mau phản ánh, gia đình tôi đã mua sách cho con vậy mà thấy cháu cầm về một bộ bảo cô phát rồi xin tiền ba mẹ nộp.
Trả lại thì ngại nên để con dùng 2 bộ (một bộ học trên trường rồi để lại, một bộ để ở nhà tối về xem bài).
Một đồng nghiệp của chúng tôi bức xúc về việc bị mất tiền khi bán sách và sự vất vả khi phải đòi tiền phụ huynh.
Đó chỉ là một trong những ví dụ, còn nhiều, nhiều địa phương thực hiện việc bán sách trong nhà trường đã gây thêm áp lực lên giáo viên khá nhiều.
Bán sách theo sĩ số không bắt buộc gọi là gì?
Với lý do “Mua sách bên ngoài sợ sách giả” hay “Sách trong trường là độc quyền vì bên ngoài chưa có”…không ít trường học ở nhiều địa phương trong cả nước áp dụng chiêu “Bán sách theo sĩ số lớp”.
Thế là lớp bao nhiêu học sinh giáo viên phải nhận bấy nhiêu bộ sách về bán.
Nhà trường áp xuống đầu thầy cô, thầy cô lại đổ gánh nặng ấy lên đầu những đứa trẻ con bằng cách phát sách cho các em cầm về nhà “Ngày mai nói ba mẹ nộp tiền cho thầy (cô) nha!”.
Thế là có phụ huynh mang tiền đến trả, có người lại không hoặc rề rà chậm chễ.
Hết cả tuần học mà vẫn chưa thu xong tiền để nộp về trường.
Thầy cô bắt đầu sốt ruột gọi điện, nhắn tin, nhắc nhở học sinh thường xuyên trên lớp.
Vậy mà vẫn có vài ba phụ huynh cứ nhây nha nhây nhưa. Giáo viên phải ứng tiền của mình bù vào rồi thu dần dần hoặc có thể mất luôn.
Có phụ huynh mang sách lên trả lại: “Vì nhà em mua sách rồi”.
Trường hợp phụ huynh trả lại ít còn đỡ chứ một lớp mà dăm bảy em trả lại thì giáo viên cũng khốn đốn.
Bởi, nhà trường đã đăng ký số lượng sách theo sĩ số học sinh, giờ trả lại rất là phiền phức.
Giáo viên không bán được không?
Bình Thuận tiếp tục yêu cầu các trường học bán vở “Em luyện viết" |
Đương nhiên là không được vì nhà trường mà trực tiếp là hiệu trưởng đã triển khai thì phần lớn giáo viên vẫn phải chấp hành.
Giáo viên chúng tôi cũng hiểu, hiệu trưởng cũng có cái khó của mình khi họ phải chịu sự chỉ đạo từ cấp Phòng, mà Phòng nhận công văn của Sở cũng không thể làm lơ.
Bạn Bùi Xuân Hương ở Bình Thuận cho biết, phụ huynh cũng từng đối thoại với giáo viên về vấn đề sách.
Nhưng cũng vì thương thầy cô cũng chỉ là người thi hành nên chẳng ai nỡ làm khó. Và dù không muốn mua sách ở trường nhưng vẫn phải đăng kí hết.
Từ những phản ánh trên có thể thấy, chuyện bán sách trong trường học không phải cứ muốn dẹp là dẹp được đâu?
Trừ phi người đứng đầu ngành giáo dục từng địa phương phải thật liêm khiết và cứng rắn.
Chúng tôi vẫn hy vọng rằng ngành giáo dục vẫn còn nhiều thầy cô như thế!