Trường học bán sách vì học sinh hay vì hoa hồng?

02/06/2019 07:12
Đỗ Quyên
(GDVN) - Đừng vì một lý do gì khác để trút gánh nặng lên đầu giáo viên buộc họ trở thành người bán hàng không công cho một nhóm lợi ích nào đó.

Trước buổi họp phụ huynh cuối năm gần như tất cả giáo viên chủ nhiệm của trường tiểu học ở tỉnh Bình Thuận đều nhận yêu cầu của nhà trường thông báo và lấy danh sách phụ huynh đăng ký mua sách giáo khoa năm học mới.

Có ý kiến thắc mắc, sách giáo khoa để phụ huynh tự ra ngoài hiệu sách mua, cớ sao nhà trường cứ phải bán?

Công văn về việc phòng, chống sách lậu vào nhà trường của tỉnh Bình Thuận (Ảnh tác giả)
Công văn về việc phòng, chống sách lậu vào nhà trường của tỉnh Bình Thuận (Ảnh tác giả)

Bất bình mà nói thế chứ ai chẳng biết không có trường học nào dám làm chuyện đó nếu không có sự chỉ đạo của cấp trên.

Sở Giáo dục tỉnh Bình Thuận ra Công văn chẳng khác nào yêu cầu nhà trường bán sách và phụ huynh phải buộc mua sách

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận ra Công văn số: 884/SGD&ĐT-MN&TH về việc phòng, chống sách lậu vào nhà trường, do bà Nguyễn Thị Toàn Thắng - Phó Giám đốc Sở ký ngày 2/5/2019.

Công văn nêu rõ:

“Thời gian vừa qua, theo phản ánh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trên thị trường hiện nay có xuất hiện sách Tiếng Anh Đề Án, Family and Friends – Special Edition giả, sách kém chất lượng.

Nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh (không phải học những quyển tài liệu sai lệch về nội dung, kém chất lượng về hình thức và chất liệu đồng thời mất quyền lợi sử dụng kho dữ liệu online miễn phí đi kèm),

Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các đơn vị, cơ sở giáo dục kiểm tra lại việc đăng ký và sử dụng các loại sách trên để hạn chế tối đa tình trạng sách lậu xâm nhập vào nhà trường. Cụ thể:

1. Khi có nhu cầu đăng ký sách để phát hành trong nhà trường theo nguyện vọng của phụ huynh, các đơn vị liên hệ trực tiếp Công ty Sách Thiết bị trường học hay đăng ký theo hệ thống của ngành (bộ phận thư viện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố).

Trường Hoàng Văn Thụ bán sách kiểu "bia kèm lạc", giá cao ngất

Các nhà trường không nên đăng ký với các đơn vị không thuộc hệ thống có bản quyền để không tiếp tay, tạo điều kiện cho những quyển sách in lậu tràn vào nhà trường, tránh vi phạm luật pháp do tiêu thụ hàng gian, hàng giả.

2. Tuyên truyền, định hướng phụ huynh đăng ký mua tại trường hoặc tại các đơn vị thuộc hệ thống có bản quyền, không mua sách trôi nổi ngoài thị trường để tránh tình trạng mua phải sách giả, sách in lậu làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo đến các Phòng Giáo dục và Đào tạo thường xuyên nhắc nhở các Hiệu trưởng trên địa bàn quản lý để kịp thời xử lý khi có hiện tượng nêu trên xảy ra./

Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ra Công văn

Sau Công văn nhắc nhở phòng sách lậu vào trường học của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận thì Phòng Giáo dục các huyện thị (trong đó có Phòng Giáo dục thị xã La Gi do Phó Trưởng phòng Đinh Mỹ Hằng ký) cũng tiếp tục ra Công văn số: 144/PGDĐT v/v hướng dẫn sử dụng tài liệu dạy-học trong trường tiểu học với nội dung:

Hiệu trường các trường triển khai đến phụ huynh học sinh về sách giáo khoa theo quy định.

Sách giáo khoa sử dụng trong giảng dạy học tập theo chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

…hướng dẫn học sinh mua đúng giáo trình theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo. Tiếp tục kế hoạch sử dụng các tài liệu bổ trợ theo công văn 896/SGD&ĐT-GDTH ngày 27/4/2017 của Sở Sở Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai thực hiện các tài liệu bổ trợ công tác dạy-học ở cấp tiểu học năm học 2017-2018.

Trên đe, dưới búa hỏi sao không thể triển khai?

Làm thế nào để ngăn "hoa hồng" ở trường học?

Trước những lý do sợ mua sách giáo khoa bên ngoài kém chất lượng, sai lệch về nội dung, hình thức nên hiệu trưởng nhà trường yêu cầu giáo viên cũng triển khai trước phụ huynh và lấy danh sách đăng ký.

Trước những lời tuyên truyền, định hướng của giáo viên (theo đúng tinh thần công văn của Sở và Phòng), phụ huynh vì sợ bên ngoài sách giả, sợ không có sách cho con học cùng với nể giáo viên nên dù không muốn mua sách trong trường học thì đa phần phụ huynh cũng phải đăng ký mua.

Thế là một bộ sách mua bên ngoài và mua trong trường, phụ huynh mất khoảng vài chục ngàn đồng.

Bởi, theo lời một số phụ huynh cho biết: “Mua ở nhà sách sẽ được giảm giá 10%, có loại sách tham khảo, sách bài tập còn được giảm từ 15-20%.

Nhưng mua sách trong nhà trường trả đúng giá bìa nghiễm nhiên chúng tôi phải mất khoảng vài chục ngàn một bộ”.

Sách bên ngoài không đảm bảo chất lượng, sợ mua phải sách giả chỉ là một cách nói để nhà trường bán sách?

Chúng tôi đã bỏ công đi tìm hiểu một số nhà sách lớn ở địa phương và ngay trong siêu thị Coopmart những bộ sách giáo khoa đều do Nhà xuất bản Giáo dục và Nhà xuất bản Trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh phát hành.

Để xem thật giả, đề phòng sách in lậu lấy nhãn mác, chúng tôi xem luôn phiếu xuất có đóng dấu đỏ hẳn hoi.

Điều đó khẳng định nhiều trường học vì muốn bán được sách giáo khoa nên nói rằng sách độc quyền chỉ trong trường mới có, mua bên ngoài không đảm bảo chất lượng là không chính xác.

Một số chủ nhà sách cho biết “Từ khi nhà trường thông báo bán sách, chúng tôi bán được sách khá ít dù đã khuyến mãi cao”.

Được biết hiện sách giáo khoa cho năm học mới 2019-2010 đã về các trường học trên địa bàn thị xã La Gi.

Nếu thật lòng muốn bảo vệ học sinh khỏi sách lậu, chỉ cần thông báo cách phân biệt sách thật - sách giả và các quyền lợi đi kèm tại trường đến cha mẹ học sinh.

Hơn nữa, khi cha mẹ học sinh mua lẻ sách vở tại các nhà sách đã được chiết khấu từ 10% đến 20% thì nếu các trường đăng ký mua sách với số lượng nhiều, số lượng chiết khấu là không hề nhỏ. Bán cho học sinh đúng giá bìa, số tiền chiết khấu ấy đi đâu?

Vì vậy không ít giáo viên thắc mắc trong lòng, bán sách độc quyền kiểu này Sở Giáo dục tỉnh Bình Thuận đang vì sợ học sinh mua sách lậu hay vì hoa hồng?

Hãy để trường học làm đúng vai trò chức năng nhiệm vụ của mình là dạy và giáo dục học sinh, còn chuyện bán sách nên để cho các nhà sách trên địa bàn.

Đừng vì một lý do gì khác để trút gánh nặng lên đầu giáo viên buộc họ trở thành người bán hàng không công cho một nhóm lợi ích nào đó.

Đỗ Quyên