LTS: Suy nghĩ về vấn đề đạo đức nhà giáo hiện nay, thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ một số chuẩn mực đạo đức mà giáo viên cần thực hiện.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trường Cán bộ Quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay”, với sự tham dự của hơn 100 nhà nghiên cứu, nhà giáo, cán bộ quản lý, học sinh các tỉnh, thành trong cả nước.
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng đạo đức nghề nghiệp, của một bộ phận nhà giáo đang xuống cấp trầm trọng.
Nhiều đại biểu cho rằng, cần có quy chuẩn đạo đức nhà giáo đáp ứng được thời đại 4.0. Từ quy chuẩn đó, giúp nhà giáo phấn đấu thành giáo viên tốt; nhà quản lý có căn cứ đánh giá, quản lý đạo đức nhà giáo.
Từ thực tế, quy chuẩn nào cho đạo đức nhà giáo?
Người thầy tốt không bạo hành học sinh. (Ảnh minh họa: VTV) |
Người thầy tốt không bạo hành học sinh. Không dùng bạo lực trong dạy học là biểu hiện “sơ đẳng” nhất của đạo đức nhà giáo.
Quyền tự do thân thể của mỗi người đã được hiến pháp và pháp luật bảo trợ. Giáo viên chưa thực hiện được, nên bỏ nghề, đổi nghề trước khi quá muộn.
Người thầy tốt, trước tiên là công dân tốt. Thầy cô giáo phải nêu gương trước học sinh, trước nhân dân; chấp hành đúng hiến pháp, pháp luật.
Người thầy có trách nhiệm truyền lại cho học sinh tri thức, khoa học, kỹ năng được quy định trong chương trình; chính thống, không xuyên tạc vì mục đích khác.
Người thầy tốt, tấm gương tự học, cập nhật kiến thức, đáp ứng được nhu cầu đổi mới của thời đại 4.0. Thầy tự học, giáo dục học sinh tự học, tự lĩnh hội kiến thức từ bất cứ nơi nào, khi nào, nguồn nào; trở thành công dân toàn cầu.
Người thầy tốt, truyền động lực sống đẹp đến học sinh; giúp học sinh phát hiện năng lực bản thân, phát huy năng lực đó tốt nhất.
Người thầy là tấm gương hy sinh, sẻ chia, yêu thương học trò; truyền tải, ươm mầm tình yêu thương con người, lòng biết ơn cho học trò.
Nêu gương sống có trách nhiệm với cộng đồng; định hướng học sinh sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội.
Làm sao giúp nhà giáo thực hiện, phát huy được chuẩn mực đạo đức?
Đo phẩm chất, đạo đức nhà giáo bằng sáng kiến kinh nghiệm |
Thực hiện đúng khẩu hiệu “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”; đảm bảo nhà giáo sống được bằng lương.
Tuyển chọn cán bộ quản lý thông qua thi tuyển, bầu chọn khách quan.
Cải tiến quy trình đánh giá cán bộ, giáo viên khách quan, khoa học. Cán bộ làm sai luật, kiên quyết loại bỏ, không tái bổ nhiệm.
Tuyên truyền, giáo dục các cán bộ quản lý trách nhiệm nêu gương; phê bình và tự phê bình; làm gương từ chức có văn hóa.
Xử lý các vụ, việc tiêu cực trong giáo dục, đúng pháp luật; đặc biệt là các cá nhân, tập thể trong vi phạm tiêu cực thi cử. Xử lý công bằng, thống nhất trên cả nước; không phân biệt chức danh, vị trí công tác.
Đơn giản hóa hồ sơ, sổ sách; áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục; cái gì trùng lặp, kiên quyết bỏ; giảm áp lực “khổ sách” cho giáo viên.
Bỏ các quy định về bằng cấp, chứng chỉ vô bổ, không có tác dụng nâng cao năng lực nhà giáo; giáo viên không trở thành “cái mỏ vàng” cho các tổ chức “bán bằng” hợp pháp.
Không thực hiện đăng ký thành tích, chỉ tiêu đầu năm; đảm bảo dạy thật, học thật, thi thật, tổng kết thật. Tiến tới xây dựng một nền giáo dục khai phóng, không giả dối.
Đạo đức của nhà giáo góp phần quyết định chất lượng, kết quả hoạt động của cơ sở giáo dục; tác động lâu dài đến giáo dục toàn diện đối với các thế hệ học sinh. Đạo đức nhà giáo góp phần không nhỏ trong việc giáo dục, kiến tạo đạo đức xã hội.
Nền giáo dục không giả dối, ước mơ của mọi người, của mỗi thầy cô giáo; để nhà giáo phát huy đạo đức nghề nghiệp tốt nhất, ngoài nỗ lực phấn đấu của bản thân; cần sự chung tay của cả thể chế, cộng đồng.