Đo phẩm chất, đạo đức nhà giáo bằng sáng kiến kinh nghiệm

27/05/2019 07:06
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Vô tình, phẩm chất của những nhà giáo đang dạy phổ thông “tốt” hay “không tốt” đều phải lệ thuộc vào sáng kiến kinh nghiệm!

Bắt đầy từ năm học này, các trường phổ thông đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên theo Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong bộ chuẩn này có 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí.

Nếu căn cứ vào hướng dẫn của Bộ thì trong hàng triệu nhà giáo hiện nay chẳng có mấy người được xếp loại tốt.

Điều trớ trêu nhất là trong tiêu chuẩn 1 “Phẩm chất nhà giáo” có những gợi ý minh chứng là muốn được xếp loại “tốt” bắt buộc người giáo viên đó được đánh giá viên chức ở mức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Nhưng muốn được xếp loại “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” thì bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm theo Nghị định 56 và Nghị định 88 sửa đổi của Chính phủ.

Phẩm chất nhà giáo đang được Bộ hướng dẫn đánh giá tréo ngoe (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Phẩm chất nhà giáo đang được  Bộ hướng dẫn đánh giá tréo ngoe

(Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Đi kèm với Thông tư 20/2018-BGDĐT là Công văn số 4530/BGDĐT-NGCBQLGD về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư 20/2018- BGDĐT ban hành quy định chuẩn giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.

Kèm theo Công văn này là Phụ lục 1 hướng dẫn về nguồn minh chứng.

Trong tiêu chuẩn 1: Phẩm chất nhà giáo có 2 tiêu chí. Tiêu chí 1: Đạo đức nhà giáo; Tiêu chí 2: Phong cách nhà giáo.

Nhưng, hướng dẫn gợi ý nguồn minh chứng rất buồn cười khiến cho việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp dưới cơ sở chẳng biết đâu mà lần.

Muốn đạt được mức “tốt” ở tiêu chí 1 thì Bộ hướng dẫn có những nguồn minh chứng như sau: “Bảng phân loại giáo viên (Phiếu đánh giá và phân loại viên chức) ghi nhận giáo viên Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua (nếu có)”.

Đối với tiêu chí 2 thì cũng yêu cầu na ná như vậy: “Bảng phân loại giáo viên (Phiếu đánh giá và phân loại viên chức) ghi nhận giáo viên Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua”.

Ngoài ra, Công văn số 4530/BGDĐT-NGCBQLGD còn gợi ý các nguồn minh chứng khác nữa như thư cảm ơn của cha mẹ học sinh, thư cảm ơn của đồng nghiệp, tổ chuyên môn, ban giám hiệu…để làm minh chứng cho việc xếp loại tốt cho tiêu chuẩn 1: Phẩm chất nhà giáo.

Muốn được đánh giá “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” phải có…sáng kiến kinh nghiệm

Đơn vị chúng tôi có gần 60 cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường, trong đó có 50 nhà giáo đang trực tiếp đứng lớp.

Đo phẩm chất, đạo đức nhà giáo bằng sáng kiến kinh nghiệm ảnh 2Việc xếp chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông theo Thông tư 20 quá phức tạp

Nhưng, cuối năm học này, khi xét chuẩn nghề nghiệp giáo viên thì chỉ có 2 nhà giáo được xếp ở mức “tốt” ở tiêu chí 1 vì 2 của tiêu chuẩn 1 vì 2 người này có…sáng kiến kinh nghiệm.

Thật nực cười khi Bộ hướng dẫn “phẩm chất nhà giáo” lại tréo ngoe như vậy.

Không hiểu những người xây dựng và ký văn bản này hiểu như thế nào về “phẩm chất nhà giáo”?

Đã là con người nói chung và giáo viên nói riêng thì phẩm chất đạo đức của mỗi con người luôn luôn được coi trọng. Một người mà phẩm chất không tốt đã là điều đáng hổ thẹn.

Ở đây, lại là hàng triệu nhà giáo đang công tác tại các trường học phổ thông. Vẫn biết, trong số hàng triệu giáo viên hiện này cũng có những người chưa tốt, nhưng đa phần họ đều tốt về đạo đức.

Nếu không tốt làm sao giáo dục được học trò? Vậy nhưng, theo hướng dẫn về nguồn minh chứng của Bộ thì tìm được một người xếp ở mức “tốt” về phẩm chất lại vô cùng khó khăn!

Bởi vì nếu xếp mức “tốt” thì yêu cầu phải có phiếu đánh giá xếp loại ở mức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Tuy nhiên, muốn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm.

Điều này đã được quy định rõ trong Nghị định của Chính phủ.

Trả lời Báo Giáo dục và Thời đại, sau khi có những bài viết phản ánh về sự rắc rối tìm nguồn minh chứng của giáo viên thì ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ:

Ai cũng nói giáo viên đó không để lại điều tiếng gì xấu với đồng nghiệp, với nhà trường, được mọi người trân trọng, yêu mến đương nhiên phải xếp loại tốt.

Và chắc chắn phẩm chất đáng quý đáng trân trọng của cô giáo ấy sẽ được đánh giá xếp loại vào cuối năm học theo Nghị định 56 và Nghị định 88 của Chính phủ. 

Đo phẩm chất, đạo đức nhà giáo bằng sáng kiến kinh nghiệm ảnh 3Bộ Giáo dục nên bãi bỏ xếp loại giáo viên bằng các giấy tờ vô bổ

Và bản đánh giá xếp loại đó cũng chính là một minh chứng xác thực cho mức độ đạt được của chuẩn nghề nghiệp.

Hay đơn giản trong cuộc họp bình bầu đánh giá cuối năm, đồng nghiệp ghi nhận và minh chứng chính là biên bản cuộc họp này”!

Nghị định 56 và Nghị định 88 của Chính phủ cũng…bất cập.

Ngày 09/6/2015, Nghị định số 56/2015/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành.

Trong Nghị định này hướng dẫn đánh giá viên chức hàng năm phải: “Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận” thì mới được xếp từ mức “hoàn thành nhiệm vụ trở lên”.

Sau một thời gian thực hiện, có nhiều ý kiến phản đối của dư luận thì ngày  27 tháng 7 năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định 88 sửa đổi một số điều trong Nghị định 56.

Điều đặc biệt là Nghị định 88 chỉ yêu cầu những viên chức xếp loại cuối năm ở mức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” mới cần:

Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận”.

Tuy nhiên, dù đã được sửa đổi nhưng việc đánh giá viên chức cuối năm vẫn không nhận được sự đồng tình của dư luận. Nhất là đội ngũ giáo viên- nơi chiếm phần lớn số lượng viên chức hiện nay.

Chính từ quy định của Chính phủ như vậy, nên khi Thông tư 20 của Bộ Giáo dục ra đời lại tiếp tục lấy cái chưa hợp lý của việc đánh giá viên chức hàng năm để làm minh chứng cho việc xếp “phẩm chất giáo giáo”.

Vô tình, những nhà giáo có “phẩm chất tốt” thì bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm, có sáng kiến kinh nghiệm mới được xếp loại “xuất sắc”, có sáng kiến kinh nghiệm mới được xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.

Và khi có được những cái này thì mới được xếp “phẩm chất nhà giáo” ở mức “tốt”. Vô tình, phẩm chất nhà giáo đang dạy phổ thông “tốt” hay “không tốt” đều phải lệ thuộc vào sáng kiến kinh nghiệm!

NGUYỄN NGUYÊN