Câu chuyện chứng chỉ thăng hạng, giữ hạng trong giáo dục đang là mối bận tâm rất lớn của nhiều giáo viên hiện nay.
Bận tâm vì nó liên quan đến túi tiền eo hẹp của nhà giáo.
Giáo viên vật lộn với quy định thi thăng hạng giáo viên. Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại. |
Bận tâm vì không biết sẽ lấy đâu ra khoản tiền lớn thế để nộp sau khi đã phải chi một số tiền không nhỏ cho chứng chỉ ngoại ngữ và tin học.
Bận tâm vì những câu hỏi chẳng được trả lời thỏa đáng: “Học để làm gì khi những nội dung ấy đã từng học và không liên quan gì đến việc giảng dạy?”
Và “Vì sao chỉ học một vài ngày mà số tiền phải bỏ ra lại nhiều đến thế?”
Một số đồng nghiệp của chúng tôi ở nhiều nơi cho biết, giá một chứng chỉ thăng hạng, giữ hạng ít nhất là 2.5 triệu đồng, bậc trung là hơn 3 triệu và nhiều nhất cũng chạm mốc 5 triệu đồng.
Điều đáng nói nhiều nơi học chỉ một ngày, nơi kéo ra vài ngày nhưng cũng chỉ là kiểu học cho có, đến cho đủ mặt, thậm chí chỉ cần nộp tiền chẳng cần có mặt ngoài lúc làm bài kiểm tra là xong.
Tổ chức kiểu này có gọi là “Học?” hay chỉ là một hình thức mua, bán chứng chỉ hợp pháp hay không?
Chứng chỉ thật sự cần sao không thể tổ chức học tập trung miễn phí?
Học một ngày hay vài ba ngày, nội dung học chỉ gồm những kiến thức về chính trị, quản lý nhà nước, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp.
Bộ Giáo dục không bắt thi thăng hạng, nhưng buộc giáo viên vẫn phải giữ hạng |
Những bội dung này thực chất giáo viên đã được học, được nghe không biết bao nhiêu lần.
Nào là khi học trung cấp sư phạm (giáo viên tiểu học, mẫu giáo), học lên cao đẳng rồi đại học...
Những thầy cô học thẳng đại học cũng đã học tới 240 tiết ở trường đại học. Còn học về đạo đức nghề nghiệp?
Ngày nào, tháng nào, năm nào chúng tôi chẳng được nhắc nhở, được quán triệt.
Thế nên có được học lại, nghe lại cũng tốt, cũng chẳng sao. Vấn đề là tại sao chỉ cần học một ngày hay vài ba ngày như hiện nay nhiều tỉnh đang tổ chức mà vẫn phải nộp một khoản tiền lớn thế?
Tại sao các tỉnh không thể mời giảng viên về dạy đại trà cho học phí thấp hơn?
Dạy đại trà, dạy tập trung số tiền ít nên tỉnh đủ khả năng bao trọn, nhờ thế mà đồng lương còm của nhà giáo không bị cấu véo, san xẻ đi.
Nhưng, nếu không thu một khoản tiền lớn từ giáo viên, người ta có nhiệt tình, kêu gọi giáo viên đi học thăng hạng, hay giữ hạng vậy không?
Số tiền giáo viên nộp thăng hạng, giữ hạng sẽ đi đâu?
Một số giảng viên giảng dạy lớp học chứng chỉ nghề từng tiết lộ.
Lớp học nhiều hay ít học viên, chúng tôi cũng chỉ được các sở trả tiền theo tiết lên lớp.
Một ngày dạy cao lắm cũng chỉ được 8 tiết. Giá tiền một tiết phụ thuộc vào danh tiếng trường đại học được mời dạy.
Giảng viên được nhà trường cử đi giảng dạy cũng chẳng cần phải gạo cội hay tiếng tăm gì.
Thu tiền học thăng hạng, nhiều địa phương đang đi ngược với Luật Giáo dục? |
Cứ miễn là giảng viên là được, có trường còn cử giảng viên thâm niên ít để số tiền phải trả một tiết không cao.
Nếu tính mức tiền trả một tiết dạy cho giảng viên bình thường khoảng 200 ngàn, hoặc cao nhất cũng chỉ hơn ba trăm ngàn đồng thì có bao tiền xe, tiền ăn ở cho một giảng viên ấy vài ngày cũng chỉ hết khoảng mươi triệu đồng là vô cùng chu đáo.
Một địa phương mở khoảng vài lớp, số tiền bỏ ra cũng chỉ vài ba chục triệu.
Khoản tiền này so với thu nhập của một tỉnh liệu có bõ bèn gì không? Đó là chưa nói tiền đầu tư cho giáo dục chưa bao giờ là lỗ.
Vậy tại sao họ không làm theo cách này? Tại sao địa phương nào cũng bắt giáo viên phải bỏ tiền túi ra mới được “nâng cao trình độ?”.
Trong khi việc học tập và nâng cao trình độ của nhà giáo đã được quy định trong Luật Giáo dục?
Hiện nay, địa phương nào cũng có cả ngàn giáo viên cần nâng hạng và giữ hạng.
Nếu tất cả thầy cô đều đăng ký đi học thì chỉ lấy mức phí phải đóng thấp nhất là 2.5 triệu đồng/người, số tiền thu được sẽ là một con số không hề nhỏ.
Số tiền ấy sau khi trích ra một khoản quá nhỏ trả cho giảng viên thì phần còn lại sẽ đi đâu? Ai sẽ là người hưởng thụ nó?
Phải chăng không “đổ mồ hôi” cũng chẳng “sôi nước mắt” mà vẫn có được một khoản hoa hồng hấp dẫn?
Phải chăng vì thế mà nhiều địa phương không chịu mở lớp học tập trung miễn phí cứ cương quyết bắt giáo viên phải nộp tiền mới được đi học?