Bộ Giáo dục không bắt thi thăng hạng, nhưng buộc giáo viên vẫn phải giữ hạng

13/06/2019 06:30
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Không bắt thi thăng hạng, nhưng buộc giáo viên phải thi thăng hạng … để giữ hạng. Đúng là “Không bắt mà chẳng khác gì buộc”!

LTS: Trong bài viết này, thầy giáo Sơn Quang Huyến đưa ra những phân tích để lý giải vì sao nhiều giáo viên vẫn cố gắng thi thăng hạng dù Bộ Giáo dục và Đào tạo không yêu cầu bắt buộc.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bộ Giáo dục khẳng định, thi thăng hạng không phải yêu cầu bắt buộc. Việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên được thực hiện khi giáo viên có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và có nhu cầu.

Nếu một giáo viên từ lúc vào nghề cho đến khi nhận quyết định nghỉ chế độ không tham gia thăng hạng và vẫn chỉ ở hạng thấp nhất cũng không sao.

Còn trong trường hợp, giáo viên có nhu cầu thăng lên hạng cao hơn, bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng mong muốn được xếp, trong đó có chứng chỉ “Thăng hạng”. 

Giáo viên cần tìm hiểu thông tin, hiểu đúng và đủ về chủ trương “xếp hạng” giáo viên của nhà nước (Ảnh minh hoạ: binhlieu.quangninh.gov.vn)
Giáo viên cần tìm hiểu thông tin, hiểu đúng và đủ về chủ trương “xếp hạng” giáo viên của nhà nước (Ảnh minh hoạ: binhlieu.quangninh.gov.vn)

Không bắt mà chẳng khác gì buộc!

Khi giáo viên hưởng lương theo công việc, cùng một bậc học, khởi đầu lương đều như nhau, tạo nên sự bất bình đẳng giữa người tốt nghiệp Đại học có thể cùng bậc lương với người tốt nghiệp Trung cấp.  

Sau khi lương được trả theo bằng cấp, giáo viên được hưởng theo bằng mình đào tạo; giáo viên có bằng cấp nào, được hưởng lương theo bằng cấp ấy. 

Sau khi chuyển sang xếp hạng giáo viên, những giáo viên Trung học cơ sở đang hưởng lương theo bằng đại học, được xếp giáo viên hạng II. 

Các giáo viên được thông báo phải học chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, mới đủ điều kiện giữ hạng.

Thế là giáo viên phải học, thi; nếu muốn giữ hạng, để tính hưởng lương mới từ năm 2021, theo vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp.

Vì vậy mà tất cả giáo viên đã được xếp hạng II, dù muốn hay không cũng đều phải có “đơn đăng kí đăng ký học” Chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp; tức là do nhu cầu cá nhân. 

Như vậy không bắt thi thăng hạng, nhưng buộc họ phải thi thăng hạng … để giữ hạng. Đúng là “Không bắt mà chẳng khác gì buộc”! 

Bộ Giáo dục khẳng định, thi thăng hạng không phải yêu cầu bắt buộc
Bộ Giáo dục khẳng định, thi thăng hạng không phải yêu cầu bắt buộc

Để được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp; giáo viên phải học 10 chuyên đề (240 tiết) gồm những kiến thức về chính trị, quản lý nhà nước, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp. Cuối cùng là tìm hiểu thực tế và thi chứng chỉ (thu hoạch). 

Đạt từ 5 điểm trở lên (theo thang điểm 10) được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Phần lớn nội dung các chuyên đề đã được học trong trường Sư phạm, bồi dưỡng thường xuyên; người dạy “cưỡi ngựa xem hoa”, người học “có mặt cho đủ tụ”; bài làm đã có “chống trượt” trong lệ phí hoặc “quỹ lớp”; chỉ ai “không có mặt thi” mới trượt. 

Cô giáo H. đi học về tâm sự: “Thầy cô dạy, họ cũng biết nội dung trùng lặp, vô bổ, nhưng buộc họ phải dạy cho đảm bảo thời gian quy định.

Không nói ra, nhưng ai cũng hiểu là không cần thiết; không nâng cao chất lượng giáo viên, chất lượng giáo dục”. 

Luật Giáo dục hiện hành đã quy định “bồi dưỡng nhà giáo về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ và chuẩn hóa nhà giáo” là trách nhiệm của ngành Giáo dục; giáo viên không phải đóng phí.

Việc triển khai học, thi Chứng chỉ bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp, mỗi nơi làm một kiểu, có nơi không thu lệ phí, có nơi thu 2,5 triệu đồng, có nơi cao hơn. 

Giáo viên cần tìm hiểu thông tin, hiểu đúng và đủ về chủ trương “xếp hạng” giáo viên của nhà nước; cân nhắc nhu cầu của bản thân để xem xét việc bỏ “lệ phí vô lý” có cần thiết. 

Nâng hạng không phải tự khẳng định mình, càng không phải chứng minh năng lực của giáo viên. Năng lực giáo viên được đánh giá tốt nhất trong niềm tin của học sinh, phụ huynh.                                                              

Tài liệu tham khảo: 

//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-khang-dinh-thi-thang-hang-khong-phai-yeu-cau-bat-buoc-post199180.gd

//giaoduc.net.vn/tieu-diem/thu-tien-hoc-thang-hang-nhieu-dia-phuong-dang-di-nguoc-voi-luat-giao-duc-post199282.gd

Sơn Quang Huyến