Nhiều tỉnh thành né quy định trong Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT

21/06/2019 06:46
Phan Tuyết
(GDVN) - Nếu không được ăn, không được “chấm mút” gì đó thì có địa phương nào lại phớt lờ nguyên tắc đã ghi rất rõ trong Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT?

Sau một loạt bài viết về thăng hạng, giữ hạng được đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam mà phần nhiều là tiếng lòng của “người trong cuộc” (những thầy cô giáo bức xúc nên lên tiếng).

Ủy ban tỉnh Thái Bình nghe kế hoạch xét thăng hạng viên chức (Ảnh thaibinhtv.vn)
Ủy ban tỉnh Thái Bình nghe kế hoạch xét thăng hạng viên chức (Ảnh thaibinhtv.vn)

Ngày 19/6, ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ đã chính thức lên tiếng với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thể hiện trong bài:

“Chánh văn phòng Bộ Nội vụ nói rõ trường hợp học thăng hạng đóng, không đóng tiền” của tác giả Trinh Phúc đăng ngày 19/6.

Theo ông Minh, việc đào tạo nâng cao nghiệp vụ của giáo viên hay công chức, viên chức đã được quy định trong Nghị định 110 của Chính phủ.

Luật Cán bộ, Công chức cũng quy định cán bộ, công chức được quyền học tập.

“Khi được cơ quan nhà nước cử đi học thì được nhà nước bỏ chi phí đào tạo rồi nên không cần phải đóng tiền gì cả.

Còn nếu trường hợp cơ quan không cử đi nhưng giáo viên tự nguyện tham gia hoặc muốn tham gia mà cơ quan chỉ tạo điều kiện cho đi (tức là có công văn đề nghị) thì cơ quan không chịu kinh phí.

Trong trường hợp này, kinh phí học tập cá nhân phải đóng để chi trả chi phí đào tạo”.  

Chánh văn phòng Bộ Nội vụ nói rõ trường hợp học thăng hạng đóng, không đóng tiền

Như vậy có thể hiểu, trong trường hợp giáo viên được cử đi học thì không phải đóng tiền trả chi phí học tập, còn tự nguyện đi học thì phải đóng kinh phí học tập.{1}

Nhiều tỉnh thành “né” quy định trong Thông tư  số: 28/2017/TT-BGDĐT

Thông tư số: 28/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Thế nhưng, nhiều địa phương gần như không thực hiện theo đúng quy định của Thông tư.

Cụ thể, Điều 2. Nguyên tắc xét thăng hạng Thông tư số: 28/2017/TT-BGDĐT quy định:

-Việc cử giáo viên dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, nhu cầu của các cơ sở giáo dục công lập và tình hình thực tế của địa phương.

Thông tư nhấn mạnh “Việc cử giáo viên…”. Vậy nhưng trong thực tế, thông tin này chưa bao giờ được thông báo trong hội đồng nhà trường.

Nhiều địa phương không thực hiện việc cử giáo viên đi học mà để giáo viên tự đi học gần như đại trà trong tư thế bắt buộc.  

Quy trình tổ chức lớp học của nhiều địa phương hiện nay là, sở đưa công văn học thăng hạng về phòng, phòng đưa công văn về trường và trường thông báo cho giáo viên biết thời gian, địa điểm và lệ phí nộp.

Công văn cũng “chơi chiêu bài” không nói bắt buộc giáo viên phải đi học.

Nhưng hiệu trưởng nhiều trường lại nói nếu ai không đi học giữ hạng, năm 2021 xếp lương theo vị trí việc làm sẽ phải tụt hạng.

Nghe thế, giáo viên nào mà chẳng thấy lo? Lo thì phải ráng mà đi học.

Vì vậy, việc nhà giáo đi học giữ hạng hiện nay nhiều hơn việc đi học thăng hạng là thế.

Những thầy cô giáo học đại học mà ăn lương trung cấp khi nghe, “ …Do đây là đợt cuối Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức mở lớp cho các đối tượng chưa được bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp…”.

Học vài ba ngày nhận chứng chỉ nghề nghiệp để làm gì?

Giáo viên nào lại không cuống cả lên? (Công văn của huyện Vĩnh Thuận).

Không đăng ký thì sợ nay mai cần đến chứng chỉ sẽ biết học nơi đâu?

Bởi vậy, ai cũng đi là vì lẽ đó. Đi trong thế bắt buộc chứ hoàn toàn không có chuyện giáo viên tự nguyện tham gia hoặc muốn tham gia đi học thăng (giữ) hạng.

“Xập xí xập ngầu” để hưởng lợi?

Với cách làm nhập nhằng hiện nay, nhiều địa phương không cử giáo viên đi học và ra công văn không bắt buộc nhưng thòng vài câu như “đợt cuối…”, hoặc có sự trợ giúp của lãnh đạo nhà trường (tất nhiên chỉ bằng ngôn ngữ lời nói nên vô tang), nhà giáo ở khắp nơi đã ùn ùn, lũ lượt ghi tên đăng kí.

Mỗi người vài triệu đồng, con số thu về của một tỉnh quả là không hề nhỏ.

Tiền này, chi trả công giảng dạy của giảng viên ra sao? Những ai hưởng lợi sau đó? vẫn mãi nằm trong vòng bí mật.

Có điều, nếu không được ăn, không được “chấm mút” gì đó thì có địa phương nào lại phớt lờ nguyên tắc đã ghi rất rõ trong Thông tư số: 28/2017/TT-BGDĐT?

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chanh-van-phong-bo-noi-vu-noi-ro-truong-hop-hoc-thang-hang-dong-khong-dong-tien-post199492.gd{1}

Phan Tuyết