Hiện nay, có tình trạng phản ánh giáo viên đi học thăng hạng phải đóng khoản học phí từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng/1 khóa học. Điều này đã khiến nhiều thầy cô thắc mắc.
Một trong những căn cứ mà giáo viên đưa ra đó là quy định tại Điều 80, Luật Giáo dục 2005 quy định việc Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ như sau:
“Nhà nước có chính sách bồi dưỡng nhà giáo về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ và chuẩn hóa nhà giáo.
Nhà giáo được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ”.
Dựa vào điều luật này, nhiều thầy cô cho rằng với những quy định như vậy thì việc học thăng hạng phải do nhà nước chu cấp kinh phí chứ không phải giáo viên tự bỏ tiền túi.
Ông Vũ Đăng Minh cho rằng, nếu được cử đi học thì giáo viên không phải đóng tiền học phí (ảnh: moha.gov.vn). |
Để làm rõ hơn về những thắc mắc trên của đông đảo giáo viên, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ.
Theo ông Minh, việc đào tạo nâng cao nghiệp vụ của giáo viên hay công chức, viên chức đã được quy định trong Nghị định 110 của Chính phủ. Luật Cán bộ, Công chức cũng quy định cán bộ, công chức được quyền học tập.
Ông Vũ Đăng Minh cho rằng: “Khi được cơ quan nhà nước cử đi học thì được nhà nước bỏ chi phí đào tạo rồi nên không cần phải đóng tiền gì cả.
Còn nếu trường hợp cơ quan không cử đi nhưng giáo viên tự nguyện tham gia hoặc muốn tham gia mà cơ quan chỉ tạo điều kiện cho đi (tức là có công văn đề nghị) thì cơ quan không chịu kinh phí.
Trong trường hợp này, kinh phí học tập cá nhân phải đóng để chi trả chi phí đào tạo”.
Như vậy có thể hiểu, trong trường hợp giáo viên được cử đi học thì không phải đóng tiền trả chi phí học tập, còn tự nguyện đi học thì phải đóng kinh phí học tập.