Tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), cô giáo Nguyễn Thị Thơm đại diện cho 256 giáo viên hợp đồng huyện phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri.
Cô Thơm cho biết:“Chúng tôi là những người đại diện cho giáo viên hợp đồng khối tiểu học, mầm non, trung học cơ sở có thời gian công tác ít nhất là 5 năm, nhiều nhất là 28 năm. Chúng tôi xin được trình 4 nội dung sau”.
Từ bục giảng tôi bị đá thẳng xuống...chuồng lợn |
Bốn nội dung mà các giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn kiến nghị:
Thứ nhất: Yêu cầu trả lời đơn thư của các giáo viên hợp đồng đúng thời hạn.
Cụ thể ngày 16/4/2019 thành ủy Hà Nội đã ký công văn 3413-CV/VPTU chuyển đến Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị xem xét và chỉ đạo giải quyết theo quy định, trả lời người có đơn và báo cáo thành ủy trước ngày 15/5/2019. Nhưng sau ngày 15/5/2019 đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Thứ hai: Đề nghị trả lời về việc tiến hành thanh tra và đưa ra kết luận đối với 256 giáo viên hợp đồng nhưng vẫn chưa có câu trả lời. Các vấn đề cần thanh tra trong đó có vấn đề giáo viên không được hưởng thâm niên.
Thứ ba: Căn cứ theo văn bản số 932/UBND-NV trả lời đơn thư khiếu nại có thừa nhận hợp đồng của giáo viên Sóc Sơn là hợp đồng trong biên chế. Bên cạnh đó căn cứ theo nghị định 29/NĐ-CP các giáo viên cho rằng họ hoàn toàn có đủ điều kiện để xét đặc cách.
Thứ tư: Giáo viên hợp đồng đề nghị có 1 cơ chế đặc biệt: Xét tuyển đặc cách vào viên chức giáo dục không qua thi tuyển.
Trả lời về những kiến nghị này, ông Phạm Xuân Phương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn cho biết: Huyện đã làm hết trách nhiệm bằng các văn bản báo cáo với thành phố cũng như đề xuất các phương án.
Hai phương án mà huyện Sóc Sơn đề xuất:
Phương án 1: Xét tuyển đặc cách cho các giáo viên hợp đồng thâm niên và có đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật
Phương án 2: Xét đặc cách 1 phần trong kỳ thi tuyển viên chức, công chức.
Đại diện 256 giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn tại buổi tiếp xúc cử tri (Ảnh: V.N) |
Bên cạnh đó ông Phạm Xuân Phương cũng cho rằng: Trong thời điểm hiện nay lãnh đạo huyện và các giáo viên đều phải chờ đợi các quyết định cuối cùng.
Ông Phương nói:“Thành phố cũng sẽ đề nghị đến các cơ quan trung ương một phương án tốt nhất nhưng không được phạm luật.
Việc giáo viên hợp đồng không chỉ xảy ra ở riêng huyện Sóc Sơn mà còn đang xảy ra với hơn 2100 giáo viên hợp đồng tại thành phố và trên cả nước.
Do vậy chúng tôi đề nghị trong thời điểm này các thầy cô cần phải bình tĩnh. Kiến nghị của mọi người cũng đã đến được với các đại biểu Quốc Hội và thành phố cũng sẽ lên phương án tốt nhất giải quyết vấn đề cho các giáo viên hợp đồng”.
Nhiều bài học lớn từ chuyện kêu cứu của giáo viên hợp đồng tại Hà Nội |
Tại thị xã Sơn Tây, bà Nguyễn Thị Thanh Thùy (cử tri ở Đường Lâm, Sơn Tây) đề xuất vấn đề thi tuyển viên chức cho các giáo viên hợp đồng.
Theo bà: Nghề Sư phạm chưa được chú trọng đúng mức thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ.
Các giáo viên hợp đồng ở thị xã Sơn Tây phải được công nhận, được hưởng những chế độ đãi ngộ nhất định.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu trả lời:
“Về vấn đề giáo viên hợp đồng thì không chỉ xảy ra tại thị xã Sơn Tây mà ở hầu hết các tỉnh thành phố trên cả nước.
Thậm chí ở huyện Sóc Sơn con số còn lên đến 256 giáo viên.
Trước nhu cầu thiếu giáo viên và chưa tổ chức thi viên chức thì hầu hết các thầy cô là giáo viên hợp đồng. Các cơ quan sử dụng hợp đồng họ có quyền xem xét đặc cách để cho các thầy cô chuyển viên chức.
Riêng vấn đề này, tôi cũng đã gửi Ủy ban các tỉnh thành phố để xin số liệu về giáo viên hợp đồng.
Tôi cũng gửi chất vấn Thủ tướng bằng văn bản. Chúng tôi rất chia sẻ với các thầy cô.
Ngay bản thân các Quận, huyện, thị xã cũng rất mong muốn các thầy cô có một nghề nghiệp gắn bó . Và chúng tôi cũng đang bàn cách và có các giải pháp tháo gỡ được vấn đề trên”.
Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ngọ Duy Hiểu trả lời về việc giáo viên hợp đồng (Ảnh:P.Đ) |
Theo công văn số 1040/ SNV-BCD của Ban chỉ đạo tuyển dụng công chức viên chức thành phố Hà Nội: Về việc xin ý kiến hình thức tổ chức tuyển dụng viên chức giáo dục của thành phố Hà Nội năm 2019.
Công văn này gửi Bộ Nội vụ và ngày 16 tháng 5 năm 2019, có đề cập đến việc xét đặc cách cho một số trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức.
Cụ thể việc xét đặc cách được quy định tại khoản 7 Điều 2 của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính Phủ quy định điều kiện xem xét tiếp nhận vào viên chức đối với các trường hợp đặc biệt.
Công văn của ban chỉ đạo tuyển dụng công chức, viên chức thành phố Hà Nội gửi Bộ Nội vụ có nói đến việc xét đặc cách cho một sô trường hợp đặc biệt (Ảnh: V.N) |
Theo đó điều kiện để xem xét tiếp nhận viên chức đối với các trường hợp sau:
“Các trường hợp có ít nhất 5 năm công tác ở các vị trí làm việc theo yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội cộng dồn) gồm:
Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập".
Tuy nhiên trong công văn cũng nói rõ: Hiện chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện nội dung này.
Về hình thức tuyển dụng viên chức: Căn cứ theo hình thức xét tuyển quy định tại Khoản 5, Khoản 6, Điều 2 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018.
Như vậy theo những thông tin hiện có, nhiều khả năng sẽ có phương án đề xuất để giải quyết vấn đề của các giáo viên hợp đồng tại thành phố Hà Nội theo hai hướng: Phương án xét đặc cách theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính Phủ và phương án xét đặc cách 1 phần (vẫn thực hiện thi tuyển viên chức).