"Từ bục giảng tôi bị đá thẳng xuống...chuồng lợn"
Cô Xuân, giáo viên tiểu học trường An Phú (Mỹ Đức, Hà Nội) tất bật với công việc từ sáng đến tối. Sáng cô đi lấy cua bán, đi cấy thuê. Chiều đi hái lá sen.
Nhiều giáo viên hợp đồng tại Hà Nội bị trầm cảm khi tương lai vô định |
Cô hóm hỉnh: “Hôm nay mang ra chợ 3kg cua thì nó chết mất 3 lạng.
Như vậy coi như chẳng được đồng lãi nào”.
Nhiều phụ huynh ngạc nhiên thấy cô giáo đi bán cua nói:
“Cô giáo sao tham thế? Lương giáo viên toàn chục triệu mà vẫn đi cấy thuê, đi bán cua”.
Mấy ai biết mức lương thực sự của những giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức: 1.210.000 đồng/ tháng và không được đóng bảo hiểm.
Với mức lương như vậy không đủ tiền xăng xe chứ đừng nói tích góp cho con ăn học.
Vất vả với đồng lương như vậy, các cô phải làm thuê trăm đủ thứ nghề để duy trì cuộc sống. Cô Xuân kể những chuyện “nghe thấy mà đau đớn lòng”.
“Có cô Hồng cũng dạy cùng trường với tôi. Mùa nào cũng đi xin ruộng để cấy.
Cô Hồng cấy 2 mẫu mà toàn cấy về đêm thôi. Ban ngày đi dạy kín lịch ở trường.
Đêm rảnh cô ấy đi cấy, vất vả thực sự. Nhưng nếu không làm thêm thì không sao sống được.
Chúng tôi cũng nghĩ đến chuyện dạy thêm nhưng vùng này học sinh khó khăn, lấy nhiều của các em thì không nỡ mà lấy ít thì không bõ công.
Vì thế thu nhập phải trông vào các công việc làm thêm bên ngoài”.
Cô Thúy phải làm thuê đủ nghề để duy trì cuộc sống bên cạnh đồng lương ít ỏi (Ảnh: Vũ Ninh) |
Cô Xuân, cô Hồng và rất nhiều giáo viên hợp đồng khác chuẩn bị mất việc và bị Huyện "ép" ký cam kết: Nếu không thi đỗ hoặc không đăng ký thi viên chức sẽ bị cắt hợp đồng.
Mất việc đồng nghĩa với thời gian đi làm thêm sẽ nhiều hơn nhưng ở cái tuổi 42 như cô Xuân thì biết làm gì?
Nhiều giáo viên chán nản bỏ về chăn gà, chăn lợn hoặc làm thêm mấy sào ruộng đỡ cảnh phải đi ăn đong.
Nhưng khổ nỗi có cô nuôi gà thì gà bệnh, nuôi lợn thì lợn bị dịch. Cùng đường, cô Ngô Thị Hoa đang tính đến chuyện đi xuất khẩu lao động
Vâng! Gần 50 tuổi cô Hoa đang chuẩn bị hành trang đi xuất khẩu lao động.
Cô tâm sự: “Quá khó khăn nên tôi phải đi xuất khẩu lao động. Thực sự mà nói ở tuổi này xin việc rất khó.
Hơn nữa đặc thù ngành sư phạm của chúng tôi rất khó để làm việc khác. Cho nên tôi đang học tiếng để đi xuất khẩu lao động”.
Thầy Tăng làm thêm công việc hàn xì, điện dân dụng để kiếm thêm thu nhập bên cạnh đồng lương ít ỏi (ảnh: Vũ Ninh) |
"Bỏ nghề giáo viên cô Hoa có buồn không?"
Cô nghẹn ngào: “Buồn và tủi lắm chứ. Mình tiếc công cho ăn học của bố mẹ.
Rồi cũng theo đuổi nghề đến ngày hôm nay cũng vì hy vọng có một điều gì đó khởi sắc nhưng đến nay cùng đường rồi phải đi xuất khẩu lao động.
Thu nhập thấp, đối xử không công bằng. Mỗi tháng nhận lương, lương của họ một tháng bằng mình làm cả năm. Nghĩ mà tủi thân vô cùng”.
Hình ảnh vất vả của người thầy phía sau hào quang nơi bục giảng (Ảnh: Vũ Ninh) |
Nhiều giáo viên quyết bám trụ với nghề nhưng cũng có thầy cô bỏ dạy vì đồng lương eo hẹp.
Thầy Huy (Ba Vì) có 6 năm dạy hợp đồng nhưng đã bỏ nghề từ năm 2018 vì không sống được với mức lương 1.300.000 đồng/ tháng.
Nghỉ dạy, thầy Huy lao đầu vào làm thêm trăm đủ thứ nghề. Thế nhưng thi thoảng thầy cũng buồn cũng xót xa với những nỗi niềm riêng.
Thầy yêu nghề và muốn đi dạy nhưng lại không thể bám trụ với nghề vì lương thấp.
Mối lương duyên này giống với những chuyện tình mà người ta hay gọi: “lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm”.
Thầy Huy tâm sự: “Quãng thời gian hơn 6 năm dạy hợp đồng là khoảng thời gian tuyệt nhất nhưng lương thấp thực sự không sống nổi.Tôi phải chấp nhận bỏ nghề mặc dù tiếc bao công ăn học.
Trong thời gian công tác cũng không có đợt thi viên chức nên mình không đợi được và xin bỏ nghề.
Tôi cũng hy vọng một ngày nào đó mình sẽ quay lại với nghề, tiếp tục được dạy. Vì tôi yêu công việc này, yêu nghề giáo viên”.
Công việc đan sợi mưu sinh của nhiều giáo viên (Ảnh: Vũ Ninh) |
Trước những lời gan ruột của thầy Huy, phóng viên cảm thấy xót xa cho những cảnh đời giáo viên hợp đồng bươn trải mưu sinh.
Có thể ở trên bục giảng hình ảnh của họ đại diện cho ước mơ của hàng triệu học sinh. Là thầy là cô đấy, trong bộ áo dài với kiến thức thông tuệ.
Thế nhưng đâu ai biết được rằng khi bước xuống bục giảng họ cũng phải rũ bỏ bộ cánh lộng lẫy của nghề giáo mà làm đủ thứ nghề từ giúp việc, đồng áng, chăn nuôi, bán hàng....
Điều này đúng như thầy Tăng (giáo viên Ba Vì) chua xót: “Một bước từ bục giảng xuống thẳng chuồng lợn”. Nghe mà thấm thía, đau xót!
Ngã rẽ cay đắng của những giáo viên U40
Thầy Tăng (giáo viên hợp đồng Ba Vì ) ngán ngẩm: “Nói thật chứ 40 tuổi rồi thì còn biết đi đâu để xin việc. Mình con trai có thể xin đi phụ vữa chứ các chị em thì biết làm gì?
Năm học tới em còn được gọi đi dạy hợp đồng nữa không? |
Ruộng bây giờ cũng chẳng có để mà cấy.
Chăn nuôi thì dịch bệnh. Có cô phải đi ở đợ, đi giúp việc.
Nhiều người thì bám vào bán hàng trực tuyến. Chị thì mở cửa hàng”.
Cô Nguyễn Thị Quy (Mỹ Đức) thì nói: “Đúng là giờ giáo viên phải đi làm tranh việc với người nông dân.
Đồng nghiệp của tôi mỗi người làm một nghề để kiếm thêm thu nhập. Chứ cứ bám vào đồng lương thì sống sao được”.
Tâm trạng chung của hàng trăm giáo viên hợp đồng tại Hà Nội trước nguy cơ bị cắt hợp đồng đều tỏ ra lo lắng.
Phần lớn các thầy cô đều có tuổi, giờ mất việc thì không biết làm gì, xin việc ở đâu?
Có những ngày hôm nay, thầy Tăng mới tiếc những ngày xưa bạn bè, anh em rủ ra ngoài làm công việc khác nhưng thầy đều từ chối.
Buổi tối cô Xuân tranh thủ băm lá sen kiếm thêm thu nhập (Ảnh: Vũ Ninh) |
Thầy bồi hồi nhớ lại: “Ngày trước bạn bè cũng bảo mình bỏ ra ngoài mà làm.
Nhưng mình tiếc bao công ăn học với lại trong thời gian đi dạy cũng có tình yêu nghề.
Vì thế tôi vẫn quyết tâm bám trụ đến ngày hôm nay. Từng đấy năm có những môn không tổ chức thi viên chức nên chúng tôi không có cơ hội để vào viên chức.
Tôi đi dạy năm 2001, trước đó những năm 1999 cũng có cơ chế xét đặc cách cho giáo viên công tác trên 2 năm.
Hầu như giáo viên từ năm 2000 trở lại đây đều là giáo viên hợp đồng”.
Cô Quy, cô Xuân đều không dưới 10 lần nhận được lời mời từ những công ty bên ngoài. Thế nhưng đằng đẵng từng đấy năm vẫn bám trụ với nghề.
Có lần các cô đề xuất: Nên tăng lương hay có phụ cấp cho giáo viên hợp đồng vì lương thấp như thế thì quá thấp? Nhưng ý kiến này không được chấp nhận.
Cô Xuân chia sẻ: “Năm trước chúng tôi có đề xuất tăng lương cho các giáo viên hợp đồng.
Chúng tôi cũng lên tận huyện nói rằng: Tại sao hợp đồng lương thấp thế không được tăng lương đến mức tối thiểu?
Họ nói các cô dạy được thì dạy không dạy được thì thôi. Họ nói thế chúng tôi cũng chẳng biết nói thế nào hơn nữa. Chúng tôi đi về nước mắt chứa chan”.
Trong quá trình tìm hiểu câu chuyện của hàng trăm giáo viên hợp đồng tại Hà Nội, phóng viên luôn cố gắng đặt ra câu hỏi: Tại sao với mức lương thấp như thế các thầy cô không bỏ nghề?
Phần lớn câu trả lời của các thầy cô cho rằng: Thứ nhất họ tiếc công ăn học. Thứ hai nghề giáo viên đối với họ là ước mơ là tình yêu.
Giáo viên hợp đồng phải làm thêm nhiều công việc vì đồng lương ít ỏi (Ảnh: Vũ Ninh) |
Để minh chứng cho lập luận này cô Thúy (Ba Vì nói): “Nếu không có tình yêu nghề thì ai dám làm công việc với mức lương như thế này.
Chúng tôi lương thấp nhưng không hề ý kiến nửa câu từng ấy năm.
Thứ hai chúng tôi không dựa vào mác giáo viên để đi dạy thêm kiếm tiền. Vùng khó khăn như này học sinh lấy đâu ra tiền để đi học thêm.
Thứ ba chúng tôi vẫn phải làm song song rất nhiều việc để có thu nhập, để sống và để có thể tiếp tục được nghề dạy học.
Cho nên tôi rất tự tin nói rằng nhiều thầy cô tiếp tục theo đuổi nghề là vì yêu nghề và tinh thần đóng góp cho giáo dục”.
Cô Hồng, cô Xuân thì ngày nào cũng ngồi cạnh nhau hàn huyên tâm sự:
“Hay tao với mày đi đóng bảo hiểm đi biết đâu sau này có được một khoản chi tiêu. Nhưng nhiều khi tiền đóng bảo hiểm còn chẳng có”.
Đêm nay cô Hồng, cô Xuân lại tất tả đi cấy thuê. Nửa đêm gà gáy đi cấy, hai chị em cứ đứng ngoài đồng nhìn nhau nước mắt chứa chan.
Thầy Tăng và nhiều giáo viên khác 50 tuổi về nhà nuôi lợn hoặc đi xuất khẩu lao động.
Quả thật sau khi giáo viên hợp đồng tại Hà Nội kêu cứu xã hội mới thấy được nỗi niềm đằng sau của phận giáo viên hợp đồng: Lương thấp, áp lực, công việc bấp bênh.
Khi trở về từ bục giảng, rũ bỏ bộ cánh giáo viên, có mấy ai biết được thầy cô của mình đã phải khổ sở, vất vả, leo lắt để mưu sinh?
Như thế có đáng thương quá không!