Tiếp tục lời biện minh gian dối của hiệu trưởng trường Na Loi

23/06/2019 06:37
Phan Tuyết
(GDVN) - Phải chăng ông hiệu trưởng đang trông chờ một “phép màu” từ ai đó như nghi án vụ thiếu hụt hàng chục tấn gạo của học sinh từng xảy ra với ông mấy năm về trước.

Tập thể giáo viên trường Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Na Loi huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An đã phản ánh lên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về việc nhà trường phân giáo viên trực hè tháng 6 và tháng 7.

Bản tự kiểm điểm khá thành khẩn của Hiệu trưởng trường Na loi nhưng sự thật lại không phải thế (Ảnh tác giả)
Bản tự kiểm điểm khá thành khẩn của Hiệu trưởng trường Na loi nhưng sự thật lại không phải thế (Ảnh tác giả)

Giáo viên nào không muốn trực hè sẽ phải nộp 100.000 đồng.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có những bài viết phản ánh những việc làm sai trái này.

Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn đã tiến hành xác minh, điều tra sự việc và yêu cầu Hiệu trưởng nhà trường ông Nguyễn Thế Hiền làm bản kiểm điểm giải trình.

Lời giải trình của ông hiệu trưởng

Thế nhưng khác với những gì mọi người mong chờ một thái độ nhận lỗi thành khẩn như lời ông hiệu trưởng sau sự việc trên.

Ông Nguyễn Thế Hiền tiếp tục nghĩ ra nhiều “chiêu” để lách, hòng biện minh cho việc làm sai trái của mình.

Nói về việc thu tiền trực hè của giáo viên, ông hiệu trưởng nói rằng, mỗi giáo viên góp 100.000 đồng, số tiền này chi cho trực bảo vệ là 50 ngàn đồng.

Còn 50 ngàn đồng để trước ngày 31/7/2019 khi cán bộ giáo viên trả phép nhà trường thuê dân bản mang máy đến cắt cỏ, dọn vệ sinh để giáo viên không phải cuốc cỏ.

Hiệu trưởng trường Na Loi đã “gian còn dối?”

Sau khi bài báo đăng, hiệu trưởng cho biết mình đã nhận rõ khuyết điểm và trách nhiệm của mình nên đã thông báo cho 25 cán bộ giáo viên đến thủ quỹ nhận lại tiền.

Lời phản biện của giáo viên

Ngay sau khi bài viết “Giáo viên Na Loi, huyện Kỳ Sơn đã được trả lại tiền trực hè thu trái quy định” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 19/6, chúng tôi lập tức nhận được phản ánh của nhiều giáo viên của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Na Loi về việc những giải trình của hiệu trưởng thiếu đi một phần sự thật.

Cụ thể, theo nhiều thầy cô giáo trường này, tiền trực hè, trực Tết hằng năm mỗi lần thu 100.000 đồng tổng cộng là 200.000 đồng/giáo viên.

Còn tiền thuê cắt cỏ 100.000 đồng/người, tháng 8 này (khi giáo viên hết hè lên trường) mới thu.

Một số thầy cô giáo cho biết, vấn đề nộp tiền thuê người vào cắt cỏ trong trường là giáo viên nhất trí hoàn toàn.

Vì sau kỳ nghỉ hè, quanh khu vực trường cỏ mọc um tùm, rậm rạp nên thầy cô đồng ý nộp tiền thuê người làm để mình khỏi phải vất vả.

Thế nhưng, nhiều người bị lừa ở chỗ bỏ tiền thuê rồi nhưng sau đó vẫn cứ phải đi làm. Một giáo viên bức xúc cho biết.

Việc trả lại tiền lệ phí xét tốt nghiệp cho phụ huynh vẫn còn nhiều khuất tất

Sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có bài phản ánh việc nhà trường bắt học sinh nộp tiền lệ phí xét tốt nghiệp giá cao, nhà trường đã làm đơn giải trình và tiến hành trả lại tiền cho phụ huynh.

Theo quy định chung của Sở Giáo dục tỉnh Nghệ An lệ phí thi vào lớp 10 là 100.000 đồng.

Giáo viên Na Loi, huyện Kỳ Sơn đã được trả lại tiền trực hè thu trái quy định

Khoản này bao gồm trích cho trường trung học cơ sở 6.000 đồng công làm hồ sơ.

13.000 đồng Phòng Giáo dục giữ phần còn lại nộp vào trường trung học phổ thông mà học sinh đăng ký dự thi.

Như vậy, 27/53 học sinh đăng ký thi vào lớp 10 phí phải đóng cho trường cấp 3 là 2,7 triệu đồng thì phụ huynh sẽ được nhận lại 300.000 đồng/ em.

Riêng số học sinh còn lại không thi lớp 10 thì phải được nhận lại đầy đủ 400.000 đồng mới đúng.

Thế nhưng khi liên lạc với một số phụ huynh được biết, người có con thi vào lớp 10 được nhà trường trả lại 280.000 đồng thay vì phải trả 300.000 ngàn đồng.

27 học sinh mỗi em mất 20.000 đồng (tổng số tiền bị mất là 27x20.000=540.000 đồng).

26 em không dự thi vào lớp 10 lẽ ra phải được nhà trường trả lại 400.000 đồng nhưng hiện tại các em vẫn chỉ nhận được 280.000 đồng như những học sinh dự thi vào lớp 10.

Vậy 26 em mỗi em mất 120.000 đồng (tổng số tiền bị mất là 26x120.000=3.120.000 đồng).

Cả 2 khoản sẽ là 540.000 đồng + 3.120.000=3.660.000 đồng.

Xác nhận thông tin này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Thắng, thủ quỹ của nhà trường.

Sau một hồi từ chối trả lời, ông Thắng xác nhận ngoài 5 em học sinh thi vào Trường phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh được trả lại 336.000 đồng (vì những em này đã nộp tới 500.000 đồng).

Tất cả những học sinh còn lại (48 em) đều nhận được một mức tiền trả lại là 280.000 đồng.

Bên cạnh đó, số tiền trích mỗi em 6.000 đồng mua phôi bằng tổng cộng 384.000 đồng theo lời hiệu trưởng cũng được nhiều thầy cô giáo chỉ ra là không hợp lý.

Bởi, phôi bằng do Bộ Giáo dục cấp về cho Sở Giáo dục và từ đó được phân bổ về các phòng, đến các trường. Không có chuyện nhà trường phải bỏ tiền ra mua.

Đến lúc này thì chúng tôi vẫn không tài nào hiểu nỗi vì sao ông hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Na Loi vẫn không chịu thành khẩn để khắc phục những việc làm sai trái của mình một cách trung thực.

Mà cứ mất công phải vòng vo, loanh quanh tìm cách khắc phục hậu quả nửa vời gây nên bất bình cho dư luận?

Phải chăng ông hiệu trưởng đang trông chờ một “phép màu” từ ai đó như nghi án về vụ thiếu hụt hàng chục tấn gạo của học sinh đã từng xảy ra với ông mấy năm về trước?

Phan Tuyết