Giải pháp nào nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông?

30/06/2019 07:30
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Nếu mỗi chúng ta không thay đổi, nếu ngành giáo dục không thay đổi thì chất lượng đào tạo không lên mà còn có thể đi xuống.

Khi các tỉnh công bố điểm kỳ thi tuyển sinh 10 đã phơi bày về chất lượng giảng dạy hiện nay của các nhà trường ở các địa phương trong cả nước.

Hạn chế ấy được bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau kể cả trong quản lý, trong giảng dạy ở nhà trường và kể cả bản thân học sinh, phụ huynh. 

Điểm ảo, điểm thật đang rất lẫn lộn trong ngành giáo dục hiện nay (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Điểm ảo, điểm thật đang rất lẫn lộn trong ngành giáo dục hiện nay (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh luôn rằng đề thi tuyển sinh 10 của đa phần các địa phương đều ở ngưỡng trung bình, chủ yếu là tái hiện kiến thức, chỉ có một số ít câu trong mỗi đề thi là có tính phân loại.

Những đề khó không nhiều bởi có những địa phương đã chủ động ra đề dễ để học sinh ít bị điểm dưới trung bình để không bị Ủy ban Nhân dân tỉnh lưu ý và các trường trung học phổ thông khỏi than vãn về chất lượng đầu vào.

Nhưng, như chúng ta đã thấy, chỉ có một số ít địa phương có số trường tuyển được thí sinh có điểm các môn thi trên trung bình. Số còn lại đa phần là lấy điểm dưới trung bình. Có những trường chỉ lấy điểm đầu vào bình quân mỗi môn là 0,8-1,0 điểm.

Nhưng, nếu không tuyển thì lấy đâu ra học sinh để đào tạo? Dù biết là thấp  nhưng địa bàn mình, địa phương mình có chất lượng chung như vậy thì bắt buộc lãnh đạo Sở, lãnh đạo nhà trường phải lấy từ trên xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu thì thôi.

Thành ra cao thấp gì cũng phải lấy cho đủ chỉ tiêu, miễn sao thí sinh không bị điểm 0 là có thể tuyển theo đúng quy định.

Chất lượng giáo dục phổ thông đang thực sự đáng báo động ở tất cả mọi phương diện. Nếu chúng ta không nhìn nhận đúng bản chất vấn đề, nếu chúng ta cứ muốn có những thành tích đẹp, muốn học sinh mình được khen thưởng nhiều mà quên đi thực trạng vấn đề thì tương lai giáo dục sẽ có rất nhiều sản phẩm lỗi.

Nhưng, chúng ta bắt đầu từ đâu để thay đổi được chất lượng?

Thứ nhất: Lãnh đạo ngành giáo dục mà đặc biệt là lãnh đạo Sở, Phòng và nhà trường cần nhìn nhận vào thực tế để có giải pháp cụ thể, căn cơ nhất để giải đáp nguyên nhân cơ bản nhất bắt đầu từ đâu.

Giải pháp nào nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông? ảnh 2Nguyên nhân nào khiến nhiều thí sinh đạt 4-5 điểm vẫn đậu vào lớp 10?

Tại sao kỳ thi tuyển sinh 10 thì đa phần các tỉnh đều chọn 3 môn là Văn, Toán và tiếng Anh?

Trong khi 3 môn này đã được chú trọng từ thời tiểu học. Cấp tiểu học thì 2 môn Tiếng Việt và Toán chiếm phần lớn số tiết trong tuần. Tiếng Anh thì học  sinh học từ lớp 1, có địa phương học từ lớp 3 với số tiết là 3-4 tiết/ tuần.

Lên cấp trung học cơ sở thì 3 môn này vẫn là những môn trọng điểm. Số tiết nhiều nhất bởi 3 môn học này chiếm gần một nửa số tiết hiện hành của mỗi tuần học. Khi Phòng, Sở ra đề kiểm tra học kỳ, trong kiểm tra khảo sát, phân lớp cũng chỉ kiểm tra 3 môn học này.

Học sinh học thêm cũng chủ yếu học 3 môn này. Nhưng, rốt cuộc khi thi tuyển sinh 10 thì 3 môn này điểm vẫn thấp! Những môn khác nếu được thi có thể sẽ còn thê thảm hơn nữa.

Vậy, giáo viên kém hay học sinh kém? Lãnh đạo từ cơ sở trở lên phải tìm được đáp số này để đưa ra giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Thứ hai: Công tác bồi dưỡng, tập huấn hàng năm cho giáo viên cần trọng tâm và hiệu quả. Tránh tập huấn tràn lan và đổi mới không có chọn lọc. Chính vì việc thay đổi triền miên nhưng tất cả đều mơ hồ, võ đoán dẫn đến việc giáo viên chỉ lo đối phó với những đổi mới của ngành.

Thứ ba: Cần thiết cho học sinh được lưu ban nếu thấy chất lượng học sinh chưa đảm bảo. Muốn vậy, một số văn bản hiện hành cần được thay đổi như Điều lệ trường học, các hướng dẫn về trường chuẩn quốc gia…không khống chế tỉ lệ học sinh yếu kém, học sinh lưu ban.

Thứ tư: Trong quá trình giảng dạy, giáo viên đừng đẩy thành tích ảo lên nữa. Học sinh thế nào hãy đánh giá đúng như vậy. Trong trường cần lên án hành vi gian dối, việc nâng điểm ảo. Đánh giá đúng để học trò, phụ huynh nhìn nhận đúng thực lực mà thay đổi cách học, cánh quản lý con mình

Giải pháp nào nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông? ảnh 3Điểm chuẩn, điểm thi lớp 10, báo động đỏ chất lượng giáo dục?

Nghiêm cấm tình trạng dạy thêm, học thêm để tạo sự công bằng trong đánh giá học sinh, trong kiểm tra thường xuyên, định kỳ và tránh được việc giáo viên nâng khống điểm cho học trò.

Trong nhà trường, nên tổ chức kiểm tra đề chung, chấm chéo đối với các giáo viên dạy chung khối lớp với nhau.

Thứ năm: Trong nhà trường cần có những câu lạc bộ cho mỗi môn học, ít nhất là phải có câu lạc bộ khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Từ các câu lạc bộ này, các thầy cô có thể khuyến khích học trò tìm tòi, sáng tạo.

Nhất là tạo cho các em chia sẻ kinh nghiệm học tập với nhau sau mỗi chuyên đề sinh hoạt. Làm được điều này sẽ giúp các em giỏi giỏi hơn, các em còn yếu kém sẽ dần thích môn học của mình để đầu tư hơn cho học tập.

Thứ sáu: Nhà trường, phụ huynh cần kết hợp chặt chẽ với nhau trong quản lý và giáo dục học trò. Điều quan trọng nhất là giúp các em nhìn nhận được những giá trị của việc học, của cuộc sống. Bớt sa đà vào những trò chơi vô bổ để đầu tư cho việc học.

Thầy cô dạy cho học trò lòng trung thực, khích lệ, động viên các em trong học tập. Thầy cô không hà khắc, không thiên vị, có yêu thương, có cương quyết trong từng trường hợp cụ thể.

Khi lãnh đạo quan tâm, có những giải pháp phù hợp, khi giáo viên yêu nghề, ham tìm tòi, đổi mới, trung thực trong giảng dạy thì chất lượng sẽ thay đổi.

Khi phụ huynh biết trân trọng việc học, luôn gần gũi chia sẻ cùng con để hướng con có những định hướng phù hợp thì chất lượng giáo dục sẽ được cải thiện dần.

Tương lai giáo dục là tương lai của đất nước, tương lai của mọi gia đình. Vì thế, mỗi người dù ở các địa vị khác nhau nhưng cùng thực tâm vì giáo dục để chung tay thì mới hy vọng sự có thay đổi.

Nếu những học sinh giỏi, học sinh khá trên lớp nhưng khi tuyển sinh vào trung học phổ thông lại được điểm dưới trung bình thì đó là một thất bại. Đó là thất bại chung của toàn xã hội.

NGUYỄN NGUYÊN