Điểm chuẩn, điểm thi lớp 10, báo động đỏ chất lượng giáo dục?

24/06/2019 06:41
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Chỉ có kì thi tuyển sinh lớp 10, kì sát hạch thật sự chất lượng giáo dục của Tiểu học, Trung học cơ sở mới “lòi mặt chuột”.

Ai quan tâm giáo dục, không khỏi “ngỡ ngàng” về “thành tích” thi tuyển lớp 10 của các địa phương.

Mức điểm chuẩn vào lớp 10 năm học 2019-2020 vừa được nhiều tỉnh, thành công bố đang gây xôn xao khi ở mức thấp kỷ lục.

Tại Thái Nguyên, điểm chuẩn của Trường Trung học phổ thông Đại Từ “tụt dốc” khi từ ngưỡng 25-30 điểm những năm trước, năm nay, chỉ lấy 5,9 điểm/3 môn/5 hệ số. 

Câu chuyện tương tự diễn ra tại Thái Bình. Với 3 môn Toán, Ngữ văn (nhân hệ số 2) cùng điểm môn Địa lý (hệ số 1), chỉ cần 2,1 điểm, học sinh có thể đỗ vào lớp 10 Trường Trung học phổ thông Bắc Duyên Hà với mức điểm chuẩn 10,5.

Học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh minh hoạ: Truyền hình Thanh Hoá
Học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh minh hoạ: Truyền hình Thanh Hoá

Một số trường khác có điểm chuẩn thấp như Trung học phổ thông Phạm Quang Thẩm (11,5); Trung học phổ thông Bắc Kiến Xương (12,25); Trung học phổ thông Thái Ninh (14,75); Trung học phổ thông Đông Tiền Hải (15,5); Trung học phổ thông Bình Thanh (16,0).

Tại Hải Dương, 12 trường có điểm trúng tuyển từ 10 đến dưới 20 điểm và 3 trường có điểm trúng tuyển dưới 10 điểm.

Tương tự, ở Thanh Hóa, có điểm chuẩn đầu vào thấp như: Trung học phổ thông Bá Thước (9,4), Trung học phổ thông Quan Hóa (6,3), Trung học phổ thông Quan Sơn (4,2), Trung học phổ thông Mường Lát (4,0).

Những con số thống kê “vô hồn” nhưng “biết nói”, số điểm 0; điểm chuẩn vào lớp 10. Người ta đã phải thốt lên “không tin được, dù đó là sự thật”. 

Tại sao không cảnh báo sớm mà chờ đến hết lớp 9 mới “la to” thế, còn thời gian đâu mà cứu chữa? Ung thư giai đoạn cuối rồi. 

Điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 tại Hải Phòng, cao nhất là 50 điểm
Điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 tại Hải Phòng, cao nhất là 50 điểm

Chỉ có kì thi tuyển sinh lớp 10, kì sát hạch thật sự chất lượng giáo dục của Tiểu học, Trung học cơ sở mới “lòi mặt chuột”. 

Từ lớp 1 đến lớp 9, các cấp “say trong báo cáo đẹp”. Những con số 99.99% đã nhấn chìm “chất lượng thật” để rồi qua kì tuyển sinh lớp 10 mới ngoi lên “dạ thưa em đây ạ”.

Tại sao vậy? 

Tổng thể, đầu tiên phải nói đến triết lý giáo dục, không có “sợi chỉ đỏ” cho giáo dục; dẫn đến nhiều người ví “giáo dục như vườn hoang thử pháo”.

Hết chương trình Công nghệ giáo dục “thử nghiệm chỉ gần 40 năm”, lại đến VNEN đưa về từ xứ sở “ma túy”. Học sinh như “chuột bạch”, giáo viên như “vũ công”, còn tâm sức đâu mà dạy, mà học.

Thứ đến, nói về quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ “hai không”, không quyết định nhân sự, không quyết định kinh phí; đâu còn “vũ khí” cho tư lệnh; quản lý chồng chéo, một cổ “ba tròng” làm tốt mới lạ, làm xấu là tất yếu!

Thứ ba là “xã hội thích nghe nói dối”, trong điều kiện kinh tế xã hội như vậy nhưng muốn nghe “báo cáo thật kêu”, chỉ tiêu phải tuyệt đối; làm thật ăn cháo, báo cáo láo ăn cơm, người ta chú trọng báo cáo hơn làm.

Đó là “bệnh thành tích”, mới đầu nhẹ, sau trở nên trầm trọng, ung thư, di căn; giờ muốn chữa không phải dễ.

Từ bệnh thành tích, người ta bắt đầu dạy học sinh “nói dối”, nền giáo dục chạy theo “chỉ tiêu”, tất cả phục vụ một tiêu chí duy nhất “chỉ tiêu đăng ký đầu năm”, năm sau chỉ tiêu cao hơn năm trước.

Không làm thật được, buộc phải “diễn”, diễn từ trong ra ngoài, từ cuộc thi này đến cuộc thi khác. 

Điểm không và giáo dục không điểm
Điểm không và giáo dục không điểm

Cuộc sống nhà giáo, không sống được bằng lương, người dạy môn chính (Toán, Văn, Anh) bắt đầu tổ chức dạy thêm; ban đầu là “Nhân danh chỉ tiêu”, sau vì cuộc sống.

Học trò chỉ làm được bài thầy cô dạy ở lớp học thêm, nay đi thi tuyển sinh lớp 10, “không giống bài thầy cô” nên không làm được.

Điểm thấp là tất yếu! Từ đó phụ huynh bắt đầu biết sợ thành tích, “điểm học bạ tuyệt vời, kêu trời vì điểm con thi đem về”.

Bệnh thành tích, tước mất quyền lưu ban của học trò. Lớp một đôn đít học trò bắt lên… đến lớp 9 “ngồi nhầm lớp 9”; thật ra là đã nhầm trước đó chứ không phải chờ lên lớp 9.

Ngay từ cấp tiểu học, học sinh đã được dạy “bài mẫu”, các bài kiểm tra học kỳ, học sinh đã được học thuộc long, chỉ cần chép lại là lên lớp.

Cứ thế, chờ đến lớp 9, sau kì thi nghiêm túc, mới lòi “mặt chất lượng thật”.

Một nguyên nhân không nhỏ, chính là các thông tư, chỉ thị về quản lý nhân sự gây bất an cho giáo viên; những tiêu chí, chứng chỉ, thăng hạng, giữ hạng, chuẩn v.v..., làm giáo viên xoay vòng vòng đối phó.

Chính những quy định tít mù đó làm người thầy lo giữ than, đối phó, còn tâm sức đâu mà dạy học.

Giải pháp nào nâng cao chất lượng?

Phải trả lại vũ khí cho ngành giáo dục, được quyết định nhân sự, ngân sách. Thi tuyển các chức danh quản lý từ phó hiệu trưởng trở lên. 

Có triết lý giáo dục, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động ngắn hạn, dài hạn.

Coi giáo dục tư thục cũng như công lập, phải đối xử công bằng; phát huy nguồn lực xã hội hóa giáo dục.

Bỏ hoàn toàn tiêu chí, chỉ tiêu đầu năm, để giáo viên dạy thật, kiểm tra đánh giá thật; học sinh học thật, được quyền lưu ban. 

Đơn giản hóa; đánh giá giáo viên khoa học, tránh gây áp lực với giáo viên từ các chứng chỉ, v.v...

Đảm bảo giáo viên được sống bằng lương của mình. 

Đề thi vừa sức, đảm bảo chuẩn kiến thức kĩ năng, học sinh học lực trung bình làm được 5 điểm.  

Giảm bớt số lượng tuyển sinh lớp 10. Chỉ tuyển sinh số học sinh có điểm thi trung bình (5/môn).

Nâng cao chất lượng giáo dục, cần sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, không chỉ yêu cầu mỗi ngành giáo dục; khó nhưng quyết tâm là làm được.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã đánh thắng giặc dốt, nâng cao chất lượng giáo dục, kiên quyết chúng làm được.

Sơn Quang Huyến