Tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh hệ đại học chính quy đang mang lại khoản lợi nhuận kếch xù khiến không ít trường đại học bất chấp quy định pháp luật làm liều.
Chưa bao giờ người có nhu cầu học để lấy bằng cử nhân tiếng Anh dễ dàng như hiện nay khi việc kiểm soát hệ này tại nhiều trường đại học còn đang bị bỏ ngỏ, thậm chí có nghi vấn còn có sự giúp sức của cấp quản lý.
Lắt léo dạy ngôn ngữ Anh ở Đại học Hòa Bình |
Để hút thí sinh học văn bằng 2 tiếng Anh, nhiều trường đưa ra những cách tiếp thị tuyển sinh rất khác nhau, nhưng đều đánh vào tâm lý của người học muốn lấy bằng hơn học kiến thức. Trường hứa hẹn sẽ tạo điều kiện cho thí sinh hết mức "100% đỗ" và học trong thời gian chóng vánh để ra trường lấy bằng.
Trong khi đó, nhu cầu người học rất cao bởi lợi ích của tấm bằng cử nhân tiếng Anh mang lại rất lớn.
Người sở hữu văn bằng 2 tiếng Anh chính quy sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ trong việc thi tuyển công chức, viên chức.
Hơn nữa, được miễn thi đầu vào, đầu ra Thạc sĩ, Tiến sĩ, Nghiên cứu sinh, Giảng viên, Giảng viên chính, nâng ngạch bậc lương, Chuyên viên, Chuyên viên chính theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bởi vậy, cả người có nhu cầu học và trường đào tạo cùng bắt tay nhau để hai bên cùng đạt được mục đích.
Trường có thí sinh đóng tiền học và người học có bằng nhanh chóng, còn chất lượng như thế nào cả hai cùng im lặng, không quan tâm.
Tài liệu mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có được cho thấy không ít trường chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo văn bằng 2 chính quy ngành ngôn ngữ Anh nhưng đã tiến hành tuyển sinh công khai, đào tạo và cấp bằng.
Văn bằng 2 ngôn ngữ Anh có giá trị rất quan trọng. |
Điều đáng chú ý, tất cả các bằng cấp này đều được các trường khẳng định là phôi xịn, chữ ký xịn, con dấu chuẩn. Tóm lại là bằng chuẩn mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Như thế, các trường này lấy đâu ra phôi bằng để cấp cho sinh viên? Họ không được phép đào tạo văn bằng 2 cơ mà?
Quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy một số bất thường từ chính việc tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ tiêu đào tạo (bao gồm cả chỉ tiêu văn bằng 2) lại được duyệt bởi Vụ Kế hoạch - Tài chính.
Điều này khá lạ vì thông thường, việc này phải được thực hiện bởi Vụ chuyên môn.
Vậy nhưng, một số tài liệu mà chúng tôi có được cho thấy hai ông Nguyễn Văn Áng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính đã từng ký, phê duyệt hàng trăm chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 cho trường đại học không được phép đào tạo hệ này.
Dư luận cũng đặt nghi vấn, tại sao lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính ký giao chỉ tiêu cho những trường không được Bộ cho phép đào tạo văn bằng 2 hệ đại học chính quy ngành ngôn ngữ Anh?
Bộ Giáo dục và Đào tạo có biết điều này không?
Ngày 20/6, trả lời câu hỏi của Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về việc này, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Việc này Thanh tra Bộ và cơ quan công an đang làm. Có gì thanh tra Bộ sẽ trả lời”.
Trường Đại học Kiên Giang bị buộc dừng 3 lớp đào tạo chui |
Về việc ký các quyết định chỉ tiêu cụ thể, ông Trần Tú Khánh cho biết: “Tôi không nhớ. Đề nghị phóng viên làm việc với Thanh tra Bộ”.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Có thời điểm việc đó có thể được giao cho Vụ Kế hoạch – Tài chính.
Có thể đó là do phân công của lãnh đạo Bộ cho mỗi đơn vị. Cái này là phân công hành chính, còn quy phạm pháp luật vẫn là của Bộ.
Nhưng bây giờ không còn việc cho chỉ tiêu như trước mà phải theo Thông tư 06 năm 2018 và vừa được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 01 năm 2019”.
Ngày 1/7, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng liên hệ với ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc nhiều trường không được Bộ cho phép đào tạo văn bằng 2 đại học chính quy ngành ngôn ngữ Anh vẫn được giao chỉ tiêu và có phôi bằng xịn.
Tuy nhiên, Thanh tra Bộ đề nghị phóng viên gửi nội dung câu hỏi sẽ phản hồi sau.