Một bộ sách Anh văn tiểu học hiện nay có giá gần 200.000 đồng. Dù giá tiền cao như thế nhưng bộ sách ấy học sinh cũng chỉ học được một vài năm là bỏ.
Một phần nguyên nhân là vì sách giáo khoa nhưng được thiết kế chẳng khác gì những cuốn vở bài tập.
Bộ sách tiếng Anh xuất bản năm 2015 đã trở thành phế liệu (Ảnh tác giả) |
Học sinh có thể tô, vẽ trực tiếp trong ấy.
Mặt khác, nội dung chương trình sách liên tục được thay đổi. Thế nên dù muốn cũng không thể “anh học rồi để dành lại cho em” như xưa nay chúng ta vẫn hay làm.
Điều này, đã tạo ra gánh nặng khá lớn về kinh tế cho gia đình nhiều phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh nghèo.
Sách tiếng Anh năm 2013 đã được thay thế (Ảnh tác giả) |
6 năm thay 3 lần sách
Có mặt tại hiệu sách vào một buổi sáng đầu tháng 6, người phụ nữ dáng người gầy gò, tất tả bước vào, rầu rĩ phân trần với cô bán sách:
“Ngày xưa, mình học một bộ sách xong thì cho người khác, chuyền qua chuyền lại dùng hàng chục năm.
Nay, em không thể học sách cũ của anh vì sách sao cứ thay đổi xoành xoạch.
Đã thế, bộ sách bây giờ đắt gấp hàng mấy lần bộ sách ngày trước.
Nhưng không mua thì con không có sách để học. Còn mua lại chẳng biết lấy tiền đâu?"
Cô bán sách đã mang cho chúng tôi xem những bộ sách Anh văn cũ và mới chỉ vài năm trở lại đây.
Đó là những bộ sách sản xuất năm 2013, bộ sách sản xuất năm 2015 và mới nhất là bộ sách sản xuất năm 2018.
|
Nhìn những bộ sách còn mới tinh nhưng đã bị bỏ đi vì chương trình đã thay đổi trông lãng phí và xót lòng.
Lý do để phụ huynh không thể từ chối mua sách tại trường
Tôi đã từng nhìn thấy không chỉ một mà khá nhiều phụ huynh buồn bã, bức xúc vì mất oan một lúc mấy trăm ngàn đồng tiền mua nhầm sách học Anh văn cho con.
Không ít hiệu sách có quy định, không đổi lại hàng đã mua.
Vì thế, có người mua nhầm "sách cũ" đã không còn được nhà trường sử dụng nữa, người mua sách mới nhưng trường con mình vẫn học sách cũ hay cũng là sách mới nhưng mua nhầm sách của trường bên cạnh.
Xảy ra chuyện này là vì cùng trong một địa bàn nhiều trường lại học chương trình ngoại ngữ khác nhau.
Thế là, bộ sách giáo khoa đến vài trăm ngàn đồng bỗng chốc trở thành đống đồng nát.
Xót của nhưng phải đành vứt đi để mua một bộ sách khác.
Thương nhất là gia đình phụ huynh có 2 thậm chí 3 con đang học tiểu học.
Thay vì anh để sách cho em, họ cũng đỡ tốn một khoản tiền mua sách.
Nhưng, anh học xong ném sách đi và lại phải mua sách mới cho em học tiếp.
Chỉ tính riêng tiền mua sách Anh văn cũng tốn đến cả nửa triệu bạc.
Sợ mất tiền oan vì mua nhầm sách, thế là chẳng ai bảo ai, phụ huynh đều tìm đến nhà trường mua sách giáo khoa cho an toàn, dù rằng giá có cao hơn bên ngoài một chút (mua sách giáo khoa bên ngoài % chiết khấu phụ huynh được nhận lại).
Vì sao một số địa phương cứ liên tục thay đổi sách?
|
Khi thay đổi sách học tiếng Anh, lãnh đạo ngành giáo dục địa phương thường nói rằng, sách tiếng Anh mới nhiều ưu điểm hơn sách cũ...
Còn nhiều thầy cô giáo dạy Anh văn lại cho biết: về cơ bản, sách tiếng Anh mới và cũ đều giống nhau.
Điểm khác là bộ sách mới có "đổi mới" hơn một chút.
Theo nhiều thầy cô giáo cũng cần thay đổi nội dung sách giáo khoa tiếng Anh nhưng không nên thay đổi liên tục như thế.
Chính vì sự thay đổi liên tục nên không ít người đã nghi ngờ việc thay đổi này không liên quan nhiều đến chất lượng bộ sách mà liên quan đến hoa hồng.
Đó là món lợi bán sách giáo khoa mà không ít cán bộ chủ chốt ngành giáo dục ở một số phương cố tình lãng quên sự khốn khó của nhiều gia đình học sinh hiện nay.