Vai trò của Bộ Giáo dục – Lãnh đạo hay quản lý?

01/07/2019 07:12
Giáo sư Nguyễn Xuân Thu
(GDVN) - Nói chung, cả Bộ Giáo dục và Đào tạo trung ương và Uỷ ban Nhân dân tại các địa phương chưa có đơn vị nào làm đúng như quy định của pháp luật.

LTS: Bàn về vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo sư Nguyễn Xuân Thu chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề này, đồng thời cung cấp thêm thông tin về kinh nghiệm của nước Úc trong việc quản lý giáo dục.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong thời gian gần đây, dư luận của xã hội đặc biệt quan tâm đến sự khác biệt rất lớn giữa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục [1] của Quốc hội và Quy định của Thủ tướng Chính phủ [2] về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Nhân dân các cấp trong việc quản lý giáo dục.

Theo đó, Luật Giáo dục trao cho các bộ có hoạt động cốt lõi liên quan đến giáo dục và đào tạo chức năng xây dựng các chính sách và có vai trò cố vấn Chính phủ.

Còn Quy định của Chính phủ thì trách nhiệm quản lý giáo dục đào tạo là thuộc về Ủy ban Nhân dân các cấp thực hiện quản lý giáo dục. 

Người viết bài này xin chia sẻ một số ý như sau.

1. Chưa thi hành Luật giáo dục

Từ trước đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý về giáo dục đào tạo, và chưa bao giờ đảm nhiệm chức năng do Luật giáo dục số 44/2009/QH12 quy định là cố vấn cho Chính phủ về các hoạt động giáo dục đào tạo. 

Tương tự, các Ủy ban Nhân dân các cấp có tập quán nhận lệnh và thi hành, và chưa bao giờ thực sự đảm nhận chức năng quản lý giáo dục đào tạo trong địa phương của mình đúng như Luật Giáo dục đã quy định từ năm 2009. 

Nói chung, cả Bộ Giáo dục và Đào tạo trung ương và Uỷ ban Nhân dân tại các địa phương chưa có đơn vị nào làm đúng như quy định của pháp luật. 

2. Kinh nghiệm của nước Úc về quản lý giáo dục

Trên báo chí và mạng xã hội, có người đặt câu hỏi[3], nếu giao trách nhiệm quản lý giáo dục cho Ủy ban Nhân dân các cấp thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ còn việc gì để làm?

Nhân cơ hội này, người viết xin nêu lên kinh nghiệm của nước Úc, một quốc gia có nhiều yếu tố chính trị và xã hội khá gần gũi với Việt Nam.

Dựa trên hiến pháp của nước Úc, Chính phủ liên bang có sáu nhiệm vụ chính, đó là: (1) quốc phòng và ngoại giao; (2) thương mại và tiền tệ; (3) di trú; (4) bưu chính, viễn thông và phát thanh truyền hình; (5) không lưu; và (6) phần lớn các dịch vụ xã hội và hưu bổng.

Như vậy, giáo dục và đào tạo không phải là trách nhiệm của Chính phủ liên bang. 

Giáo dục: “Quyền rơm, vạ đá”
Giáo dục: “Quyền rơm, vạ đá”

Ngoài sáu nhiệm vụ trên, Chính phủ liên bang Úc còn tham gia chính vào việc tài trợ nhiều hoạt động phần lớn do chính quyền các Tiểu bang phụ trách, như giáo dục, môi trường, quan hệ công nghiệp… 

Do đó, trong vai trò tài trợ này, bộ Giáo dục đào tạo liên bang là cơ quan cố vấn cho Chính phủ liên bang về các hoạt động liên quan đến giáo dục và đào tạo.

Còn bộ Giáo dục đào tạo tại mỗi Tiểu bang hay Vùng lãnh thổ [4] (tương đương với Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam) mới là các cơ quan có trách nhiệm trong giáo dục đào tạo tại Tiểu bang và địa phương của mình [5].

Nhằm giúp Chính phủ liên bang tài trợ các hoạt động giáo dục đào tạo tại các Tiểu bang, bộ Giáo dục đào tạo liên bang có sứ mạng đề ra các chính sách quốc gia và thiết kế các chương trình giáo dục nhằm giúp các công dân Úc có điều kiện tham gia vào các lãnh vực giáo dục như:

(1) Chương trình giáo dục mẫu giáo có chất lượng, (2) chương trình giáo dục phổ thông, (3) chương trình giáo dục đại học, (4) chương trình giáo dục nghề nghiệp, (5) chương trình giáo dục quốc tế và (6) các hoạt động nghiên cứu khoa học. 

Để thực hiện các chương trình trên, ở bậc giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục liên bang có các chương trình tài trợ và mỗi chương trình có kèm theo các tiêu chí và lộ trình báo cáo và giải trình mà các cơ quan nhận tài trợ tại các tiểu bang hay vùng lãnh thổ phải có nhiệm vụ hoàn thành trách nhiệm giải trình của mình. 

Ảnh minh hoạ: https://news.scas.nsw.edu.au
Ảnh minh hoạ: https://news.scas.nsw.edu.au

Bộ Giáo dục liên bang có các chương trình tài trợ chính cho các chương trình như: (1) tài trợ cho các trường phổ thông;

(2) Tài trợ thường xuyên cho các trường phổ thông có tham gia các dự án do Chính phủ liên bang chủ xướng;

(3) Tài trợ thường xuyên cho các trường phổ thông không tham gia vào dự án do chính phủ liên bang đề ra;

(4) Tài trợ thường xuyên cho các trường phổ thông theo một mục tiêu đặc biệt nào đó;

Và (5) tài trợ các dự án lớn như xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị hiện đại cho các dự án phát triển khoa học, công nghệ. 

Đối với bậc giáo dục đại học Úc, mục đích chính trong việc tài trợ của Bộ Giáo dục liên bang là:

(1) Tạo điều kiện cho các công dân Úc phát triển năng lực của mình để (a) có thể tham gia một cách có hiệu quả vào lực lượng lao động và (b) đóng góp tích cực vào xã hội và vào sự hình thành nhân cách của mỗi cá nhân;

(2) Nâng cao kiến thức và sự hiểu biết; và (3) giúp ứng dụng kiến thức và kỹ năng vào các hoạt động của xã hội[6].

Vai trò của Bộ Giáo dục – Lãnh đạo hay quản lý? ảnh 3
Giáo dục, tiếp tục...nói cho ra nhẽ!

Để có thể đạt được các mục tiêu trên, Bộ Giáo dục liên bang xây dựng nhiều loại chương trình và mỗi loại chương trình đi kèm với một ngân sách riêng.

Trong năm 2018, Quốc hội Úc đã chi cho Bộ Giáo dục liên bang tổng cộng là 243,5 tỷ đô la Úc cho các hoạt động giáo dục và đào tạo.

Một số lớn các chương trình được tài trợ bao gồm: (1) Chương trình tài trợ học tiếng Anh cho di dân mới đến Úc (mỗi năm có từ 150 ngàn đến 170 ngàn người di dân đến Úc, khoảng 2/3 trong số này thuộc nhóm tráng niên), mỗi người được tài trợ học 500 giờ tiếng Anh;

(2) Chương trình tài trợ cho các trường phổ thông liên quan đến hoạt động học tập và giám sát học sinh (report and academic monitoring);

(3) Chương trình phát triển các nghề; (4) Chương trình tiếp cận săn sóc trẻ em; (5) Chương trình săn sóc trẻ em và tiếp cận học sớm;

(6) Xây dựng khung pháp lý cho dịch vụ giáo dục sinh viên học sinh quốc tế; (7) Tài trợ ngân sách cho giáo dục phổ thông (năm 2018 cả nước Úc có gần 3,9 triệu học sinh phổ thông);

(8) Học bổng Endeavor cho sinh viên quốc tế từ châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông, Châu Âu, Châu Mỹ đến Úc học tập, nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp tại Úc;

(9) Chương trình tài trợ các nhóm học tập; (10) Chương trình tài trợ hệ thống giáo dục đại học (40 trường đại học công lập và 3 trường đại học tư thục, năm 2016 nước Úc có gần 1.1 triệu sinh viên trong đó có gần 400.000 sinh viên quốc tế.

Chính phủ Úc tài trợ cho 616.196 sinh viên, trung bình mỗi sinh viên nhận 11.233 đô la Úc);

(11) Chương trình cấp học bổng quốc tế cho sinh viên Úc đi học ở nước ngoài trong đó có một số lớn bạn đã chọn Việt Nam là nơi đến học tập và trải nghiệm công nghiệp;

(12) Chương trình giới thiệu người tốt nghiệp cho chủ các công ty (trên 1700 địa điểm trên toàn nước Úc); (13) Khung Chất lượng quốc gia cho giáo dục và săn sóc trẻ em;

(14) Khung quốc gia về an toàn học đường; (15) Chương trình hỗ trợ cho các trường đưa học sinh đến thăm Quốc hội tại Thủ đô Canberra;

(16) Chương trình đánh giá văn bằng của nước ngoài (gần 120 quốc gia trên thế giới); (17) Chương trình thừa nhận văn bằng tương đương;

(18) Giới thiệu các chương trình học thích hợp cho học sinh; (19) Chương trình học tập nâng cao kỹ năng;

(20) Chương trình công nghệ trong các trường học; (21) Các trung tâm học nghề cho học sinh phổ thông (từ lớp 9 đến lớp 12); (22) Chương trình cho học sinh học nghề vay tiền trả học phí…

Giáo sư Nguyễn Xuân Thu hỏi giáo dục phổ thông Úc có khác với Việt Nam?
Giáo sư Nguyễn Xuân Thu hỏi giáo dục phổ thông Úc có khác với Việt Nam?

Ngoài năm chương trình tài trợ chính trên, Bộ Giáo dục Liên bang còn có trách nhiệm đặc biệt trong bảy chương trình tài trợ như:

(1) Chương trình giáo dục người bản xứ, (2) chương trình giúp người di dân, (3) chương trình giáo dục quốc tế, (4) chương trình trợ cấp tài chính cho học sinh, (5) chương trình tài trợ cho các trường phổ thông ngoài công lập, (6) chương trình tài trợ các trường đại học, và (7) chương trình tài trợ bổ sung cho các trường phổ thông của chính phủ và các trường dạy nghề.

Nhìn các mục tiêu giáo dục, các chính sách và chương trình tài trợ trên, chúng ta thấy Bộ Giáo dục liên bang Úc có tổng cộng 12 chương trình tài trợ và không hề có chức năng nào trong việc quản lý các cơ sở giáo dục thuộc mọi bậc học của các Tiểu bang hay vùng lãnh thổ. 

Ghi ra các chương trình tài trợ của Bộ Giáo dục liên bang Úc trên đây, người viết chỉ nhằm đến một mục đích duy nhất là giúp cho các cơ quan hữu trách của Việt Nam có thêm một số mô hình giáo dục để tham chiếu. 

Hy vọng với những trải nghiệm này, các nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục Việt Nam sẽ có một cái nhìn bao quát hơn, cụ thể hơn, sát thực với hiện tình kinh tế xã hội của Việt Nam hơn và có những chuyển biến tích cực trong công tác lãnh đạo và quản lý các hoạt động giáo dục đào tạo của nước nhà.

Phân quyền về các địa phương đang là khuynh hướng quản lý giáo dục rất phổ biến hiện nay trong các nước phát triển.

3. Nguyên nhân của gian dối trong giáo dục 

Có một thực tế bất công đáng buồn mà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đã biết và đang tìm cách đẩy lùi, tiến tới loại bỏ.

Sự phát triển kinh tế nhanh chóng suốt mấy chục năm qua đã làm phân hóa xã hội thành ba nhóm lớn.

Nhóm thứ nhất gồm đại đa số người lao động bình thường có thu nhập thấp, là những người “ráo mồ hôi là hết tiền”.

Nhóm thứ hai khá đông đảo, là những người được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi do vị trí của họ trong bộ máy công quyền đem lại.

Trong số đó, không ít người đang lạm dụng khi thì tinh vi, khi thì trắng trợn những quyền đó để trục lợi. Họ thường có thu nhập từ trung bình trở lên.

Nhóm thứ ba là các nhà kinh doanh, bươn chải bằng mọi cách để làm giàu cho bản thân và xã hội.

Đổi mới hay chấn hưng giáo dục?
Đổi mới hay chấn hưng giáo dục?

Điều đáng báo động là đã có sự câu kết ngày càng rõ giữa một số cũng không nhỏ nhà kinh doanh và giới quan chức biến chất để cùng nhau làm giàu bất chính và đục khoét ngân sách và tài nguyên quốc gia. 

Trước bức tranh xã hội ấy, nhiều người dân nghĩ, muốn tiến thân, muốn thay đổi số phận thì phải tìm đủ mọi cách để được làm quan.

Đó chính là mầm mống và nguyên nhân của mọi thứ gian dối trong xã hội hiện nay.

Các gian dối ấy đã trở thành những khuôn mẫu, mạng lưới có tổ chức, tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Sự gian dối ấy không phải mới xảy ra trong năm 2018, mà nó đã hình thành từ lâu rồi.

Có thể có nhiều người trưởng thành trong cách gian dối ấy nay đang là những vị quan tại chức, đang nằm trong bộ máy chính quyền tại Việt Nam. 

Muốn có một hệ thống giáo dục đào tạo ra được những con người chính trực không phải dễ dàng.

Chúng ta phải mất ít nhất đến cả một chu kỳ giáo dục, từ 18 đến 20 năm hay đến cả một thế hệ của đời người.

4. Cải tổ giáo dục phải dựa trên những giá trị nào?

Nhưng cải tổ giáo dục như thế nào đây, bắt đầu từ cấp nào, học những cái gì, học như thế nào và học để làm gì, trong hệ thống giáo dục của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay?

Giáo dục trước tiên là dạy con người từ lúc còn nhỏ, ở lứa tuổi mà thế giới gọi là giai đoạn phổ cập giáo dục, lúc chúng đang tìm cái đúng, cái sai, cái hay, cái đẹp.

Thầy giáo và xã hội tuyệt đối không được bắt ép chúng tin vào một niềm tin nào, dù là niềm tin chính trị hay tôn giáo, đừng khuyến khích chúng ngưỡng mộ những tấm gương sa đọa của người lớn trong xã hội.

Tuổi của chúng là tuổi vàng tuổi ngọc. Hãy để cho chúng sống hồn nhiên để chúng trưởng thành.

Một khi tâm hồn không có vết thương, suốt đời còn lại, đi đâu ở đâu chúng cũng sẽ sống cuộc sống đẹp, cuộc sống với những tấm gương hiền lành, đức độ, những mầm mống của một xã hội đã có truyền thống đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam. 

Những nguồn tri thức nào cần mở ra cho chúng? Giá trị lớn lao nhất của nhân loại là gì?

Giáo dục, đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ (1)
Giáo dục, đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ (1)

Các trường phái tư tưởng cho rằng những giá trị của thế giới vĩnh viễn được cất chứa trong các tác phẩm lớn của nhân loại không phân biệt vùng miền[7]? Việt Nam sẽ chọn những giá trị cao cả ấy là gì? ở đâu?[8]

Nếu Việt Nam muốn cho các thế hệ con cháu của chúng ta trở thành những con người có nhân cách, coi trọng các giá trị nhân văn, có trách nhiệm với cá nhân và các cộng đồng xã hội thì phải chọn lựa các nguồn tri thức nào để cho con cháu chúng ta nương tựa?

Bắt ép thế hệ trẻ sống với một ý thức hệ không được xã hội đồng thuận cao sẽ mang lại những hậu quả vô cùng nguy hại cho con người và xã hội.

5. Phương pháp dạy và học hay triết lý giáo dục

Chọn được những nội dung cần dạy trong học đường chỉ mới đạt được một vế “cần”.

Muốn chuyển những nội dung ấy vào cho học sinh, các cơ quan có trách nhiệm giáo dục còn phải quyết định chọn cách dạy hay phương pháp dạy và học thích hợp nhất, bởi vì cùng một nội dung giáo dục nhưng có các phương pháp dạy và học khác nhau sẽ đưa đến các sản phẩm giáo dục khác nhau[9].

Mỗi phương pháp “thầy giáo là trung tâm”, “học sinh là trung tâm” hay “xã hội là trung tâm” của triết lý giáo dục liên quan chằng chịt đến nhiều tập thể (học sinh, giáo viên, phụ huynh, công nghiệp, xã hội…) và nhiều loại nội dung học tập: nhân cách và năng lực sư phạm của giáo viên, quan hệ giữa giáo viên và học sinh, qua phương pháp học thuộc lòng hay thu nhận tri thức bằng một cách nào đó rất uyển chuyển đối với mỗi học sinh, thi cử đi đôi với trung thực, kiểm tra học tập, chất lượng học tập, và môi trường giáo dục… nghĩa là tất cả những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của dạy và học và sự tiến bộ của học sinh, những yếu tố được cấu thành từ những đồng thuận lớn, những nguyên tắc bất dịch và phổ quát, thứ mà người phương Tây thường gọi là triết lý giáo dục.

Đối với Việt Nam, chọn các phương pháp dạy và học, ngoài việc phải dựa trên một số trường phái tư tưởng chủ đạo (các nguồn triết lý giáo dục đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới), còn phải dựa trên lịch sử, văn hóa, địa lý, và truyền thống đạo lý của dân tộc.

Các chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam vừa cải tổ gần đây rất tương đồng với các chương trình giáo dục phổ thông tại các nước tiên tiến[10].

Thế nhưng nếu Việt Nam không chọn được nội dung học tập có giá trị phổ quát và phương pháp dạy và học thích hợp thì kết quả vẫn không đạt được như mong muốn.

Giáo dục phổ thông của Việt Nam hiện nay vẫn chưa khởi sắc mặc dù đã cải tổ nhiều lần.

Không những giáo dục không chịu lớn mạnh mà còn tệ hơn, đang là nguyên nhân tạo ra khoảng cách giai cấp trong xã hội.

Khoảng cách từ giữa các trường quốc tế với nhau[11], trường quốc tế với các trường công lập Việt Nam, các trường công lập Việt Nam với các trường tư thục trong nước, các trường ở thành phố với các trường ở tại các tỉnh, các quận huyện, với các trường ở các vùng sâu vùng xa. 

Tóm lại, hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam đã từ lâu để cho quá nhiều loại trường có chất lượng quá khác nhau ra đời.

Hậu quả, giáo dục đã tạo ra khoảng cách trong chất lượng, trong thu nhập, rồi khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Đó là mầm mống của sự bất ổn trong xã hội. 

6. Bộ máy của một Bộ giáo dục đào tạo làm tư vấn cho Chính phủ

Đúng như ý kiến chia sẻ của Xuân Dương, tác giả bài “Giáo dục, lại phải nói cho ra nhẽ”, nếu như Luật Giáo dục trao trách nhiệm quản lý giáo dục cho các cơ quan địa phương thì quả thực Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam không có việc gì để làm. 

Nhưng nếu Luật giáo dục đòi hỏi Bộ Giáo dục và đào tạo đóng vai trò lãnh đạo trong giáo dục và là cơ quan đưa ra các chính sách quốc gia về giáo dục và đào tạo thì Bộ Giáo dục phải đưa ra các chương trình, kế hoạch hành động mang tính sáng tạo, xây dựng một khung cơ cấu tổ chức gồm các vụ, cục, phòng, ban có chức năng hoàn toàn khác với sơ đồ tổ chức hiện nay và chắc chắn là không làm những công việc quản lý hành chính, tổ chức thi cử, những việc đáng ra là thuộc trách nhiệm của các cơ sở giáo dục địa phương.

Với tầm nhìn của Bộ Giáo dục như hiện nay, nói như Xuân Dương[12], đến năm “2030 giáo dục Việt Nam làm sao có thể xây dựng cho được một nền giáo dục không gian dối, nhà giáo đủ tâm và tầm?”, đó là chưa nói đến “các nhóm lợi ích đã vươn vòi bạch tuộc vào các lĩnh vực tham mưu về chủ trương, chính sách và trong điều hành”.

Tài liệu tham khảo:

[1]Luật số 44/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 25/11/2009.

[2]Nghị định của Chính phủ số 69/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành ngày 25/05/2017.  

[3]Xuân Dương, “Giáo dục, lại phải nói cho ra nhẽ”, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 05/06/2019.

[4]Nước Úc có 6 Tiểu bang (gồm New South Wales thủ phủ là Sydney, Victoria thủ phủ là Melbourne, Queensland thủ phủ là Brisbane, South Australia thủ phủ là Adelaide, Western Australia thủ phủ là Perth và Tasmania thủ phủ là Hobart) và 2 vùng lãnh thổ (Northern Territory thủ phủ là Darwin và Australian Capital Territory thủ phủ là Canberra) và 602 Hội đồng chính quyền địa phương từ năm 2008. Xem: https://www.regional.gov.au/local/publications/pdf/LGNR_2007-08.pdf

[5]Giáo dục ở Úc bao gồm các lĩnh vực giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học, tiếp theo là giáo dục trung học phổ thông, giáo dục đại học (gồm đại học, cao đẳng TAFE, và giáo dục nghề nghiệp) và giáo dục tráng niên (gọi tắt là Giáo dục người lớn và cộng đồnghoặc ACE). 

Quy định và tài trợ cho giáo dục chủ yếu là trách nhiệm của các Tiểu bang và Vùng lãnh thổ, nhưng Chính phủ liên bang cũng đóng vai trò tài trợ.

[6]Vai trò của Bộ Giáo dục liên bang Úc: https://www.education.gov.au/about-department

[7]Những công trình vĩ đại của nền văn minh phương Tây từ khởi thủy cho đến ngày nay, với bộ sách Great Books of the Western World (Những quyển sách vĩ đại của thế giới phương Tây), do nhà xuất bản Encyclopaedia ở New York in lần đầu tiên năm 1952 gồm 54 quyển, in lần thứ 2 năm 1990 có 60 quyển. 

[8]Các tác phẩm vĩ đại và thiêng liêng nhất của nhân loại: Bộ Tam Tạng kinh điển của Phật giáo gồm Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng, quyển Đạo Đức kinh của Lão Tử, bộ Kinh Vệ Đà của Ấn Độ, quyển Sách của người chết của Ai Cập, kinh Koran của Hồi giáo và Thánh kinh của đạo Thiên Chúa với khoảng trên 4,5 tỷ người đọc. 

[9]Phương pháp dạy và học là phần cột trụ của triết lý giáo dục. Có ba phương pháp giáo dục:

(1) “Thầy giáo là trung tâm” (đại biểu bởi Richards, thầy giáo dạy toán ở trường học;

(2) “Học sinh là trung tâm” (có Jean Piaget, 1896-1980, người Thụy Sỹ, đưa ra Lý thuyết Phát triển Nhận thức, và John Dewey, một nhà triết học giáo dục, theo chủ nghĩa thực dụng, và là nhà cải tổ giáo dục hàng đầu của Mỹ trong thế kỷ 20);

Và (3) “xã hội là trung tâm” (George Counts, nhà triết lý Tái cấu trúc xã hội của Mỹ, 1889-1974, xem trường học như là một công cụ để giải quyết các vấn đề của xã hội như kỳ thị chủng tộc, nạn vô gia cư, ô nhiễm môi trường, nạn bạo hành, nghèo đói…).

Mỗi phương pháp giáo dục đẻ ra một loại sản phẩm giáo dục, hay những học sinh với nguồn tri thức và kinh nghiệm về xã hội khác nhau.  

[10]Chương trình cải cách giáo dục phổ thông Việt Nam, xin xem http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=5755

[11]Các trường quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, xin xem đường link. 'http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=5755

[12]Xem Chú thích 3 ở trên.

Giáo sư Nguyễn Xuân Thu