LTS: Tiếp tục mạch chủ đề Giáo dục, những điều nhất định phải nói cho rõ để biết đường mà tiến tới tương lai, lần này, tác giả Xuân Dương có hai bài viết mới.
Theo ông, hôm nay, chỉ đề cập đến hai vấn đề:
Tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục;
Để đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo, việc làm cấp bách hiện nay là gì?
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Thứ nhất, Bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục
Câu chuyện gian lận điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại ba tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình chắc chắn sẽ còn làm nóng nghị trường Quốc hội trên các diễn đàn và báo chí thời gian tới.
Và chắc chắn sẽ được ghi vào lịch sử ngành Giáo dục đào tạo Việt Nam như một thảm họa niềm tin dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có hoặc không có ý định viết “Sử ngành”.
Cần bàn thêm về việc tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục. Ảnh minh hoạ: VTV |
Những chỉ trích hoặc thông cảm với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và hơn một triệu nhà giáo thời gian gần đây thực ra chưa phác thảo đầy đủ bức tranh giáo dục bởi có những “vùng tối” không phải ai cũng biết hoặc biết cũng chưa hẳn có thể nói “toạc móng heo” với mọi người.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 31/5/2019, liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2019 sắp diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu ý kiến chỉ đạo:
“Đối với chính quyền các địa phương, phải chủ động và phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân về chất lượng và đảm bảo tổ chức kỳ thi an toàn tuyệt đối.
Các địa phương tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thông đồng sửa điểm các bài thi như ở một số địa phương trong kỳ thi năm ngoái”. [1]
Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo Thủ tướng yêu cầu “Phải có phương án tổ chức kỳ thi chi tiết, đi cùng với việc tăng cường giám sát để đảm bảo kỳ thi trong sạch, minh bạch, thành công trên cả nước”.
Quan điểm của người đứng đầu Chính phủ là rất rõ ràng, chính quyền các địa phương phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân về chất lượng và tổ chức kỳ thi, trong khi đó một số Đại biểu Quốc hội lại có suy nghĩ theo chiều hướng khác.
Giáo dục, đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ (1) |
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14 (dự kiến diễn ra từ 20/5/2019 đến 14/6/2019) cũng như trên các trang báo xuất hiện khá nhiều ý kiến tập trung vào vai trò, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cá nhân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu: “Không thể nói gian lận thi cử trách nhiệm hoàn toàn là lỗi của địa phương”; [2]
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng: “Việc khắc phục hậu quả của vụ gian lận thi cử đã xảy ra, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, của cá nhân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là phải khôi phục lại sự công bằng”; [3]
Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng Nhạ thẳng thắn trả lời câu hỏi: “Theo Bộ trưởng, bệnh thành tích của ngành có trầm trọng hơn không?”... [4]
Về phía mình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã “nhận trách nhiệm” về vụ gian lận điểm thi năm 2018 và đề nghị“Các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và đặc biệt là các vị đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, hỗ trợ ngành Giáo dục tổ chức kỳ thi 2019 diễn ra thành công, lấy lại niềm tin của xã hội”. [1]
Xin không bình luận việc “nhận trách nhiệm” của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vì người viết đã nhiều lần để cập vấn đề này.
Có một câu hỏi là vì sao với cương vị Bộ trưởng ông Nhạ chỉ có thể “đề nghị” chứ không thể “chỉ đạo” cấp ủy đảng và chính quyền địa phương những vấn đề liên quan đến giáo dục, đặc biệt là tổ chức kỳ thi năm 2019?
Trong tiếng Việt từ “đề nghị” thường được dùng giữa các đối tượng ngang hàng hoặc cấp dưới, khi người viết (hoặc nói) không có địa vị chi phối hoặc khả năng ra lệnh.
Giáo dục, đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ (2) |
Việc Bộ trưởng Nhạ phải “đề nghị chính quyền địa phương” cho thấy Luật Giáo dục tạo nên sự chồng chéo trong quản lý nhà nước và cũng phần nào cho thấy sự bất lực của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong chính lĩnh vực mà mình phụ trách.
Sự khác biệt giữa ý kiến của đại biểu Quốc hội “Trách nhiệm của Bộ, của cá nhân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là phải khôi phục lại sự công bằng” với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Chính quyền các địa phương, phải chủ động và phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân …” nói lên điều gì?
Người viết cho rằng quan điểm của Thủ tướng Chính phủ nêu trên là hoàn toàn đúng đắn xét trên phương diện tuân thủ pháp luật.
Quốc hội là cơ quan ban hành luật, đại biểu Quốc hội là người biểu quyết thông qua các đạo luật nhưng phát biểu của một số vị lại cho thấy cách thức nhìn nhận vấn đề mang tính chủ quan hơn là dựa vào chính các đạo luật mà mình nhấn nút (hoặc giơ tay) biểu quyết.
Xin nhắc lại quy định tại mục 27 Luật số 44/2009/QH12 về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (ban hành năm 2005)”, theo đó khoản 4 điều 100 được sửa như sau:
“Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ, trong đó có việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của các cơ sở giáo dục trên địa bàn; có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường công lập thuộc phạm vi quản lý; phát triển các loại hình trường, thực hiện xã hội hoá - giáo dục; bảo đảm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương".
Dự thảo Luật Giáo dục (lần thứ 9), các khoản 3, 4, 5 điều 102 quy định:
“3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trừ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm.
4. Bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo sự phân công của Chính phủ.
5. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ, trong đó có việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của các cơ sở giáo dục trên địa bàn; có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường công lập thuộc phạm vi quản lý; phát triển các loại hình trường, thực hiện xã hội hóa giáo dục; bảo đảm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương; thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước và các chính sách của địa phương để bảo đảm quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình về thực hiện nhiệm vụ và chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chiến lược, kế hoạch và quy hoạch phát triển giáo dục của địa phương”.
Theo Dự thảo Luật Giáo dục, ngành Giáo dục được chia làm ba phần, một phần do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, phần lớn nhất (khối phổ thông) dành cho chính quyền địa phương quản lý, vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo còn quản được những gì?
Giáo dục: “Quyền rơm, vạ đá” |
Nếu chủ trương “Tự chủ đại học” được thực hiện triệt để, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không còn vai trò “chủ quản” các đại học, học viện, cũng không chủ quản khối cao đẳng và phổ thông, tóm lại không khác mấy so với câu ngạn ngữ “Hữu danh vô thực”.
Phạm vi quản lý của chính quyền địa phương trong dự thảo mới nhất đã được mở rộng rất nhiều, không chỉ bao gồm “quy hoạch mạng lưới, đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học” mà còn “chiến lược, kế hoạch và quy hoạch phát triển giáo dục”.
Theo quy định tại Nghị định số 69/2017/NĐ-CP của Chính Phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan của Chính phủ chịu trách nhiệm:
“Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục khác về: mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh và văn bằng, chứng chỉ; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; cơ sở vật chất và thiết bị trường học; bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ”.
Đến đây có thể thấy khá nhiều lĩnh vực trong dự thảo Luật Giáo dục đã phủ định một số quy định trong Nghị định của Chính phủ, chẳng hạn “phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; cơ sở vật chất và thiết bị trường học,…”.
Đối chiếu giữa Luật Giáo dục và Nghị định của Chính phủ, chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ còn:
“Mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh và văn bằng, chứng chỉ; kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ,…”.
Khi Dự thảo Luật Giáo dục được thông qua, chính quyền các cấp gần như toàn quyền trong lĩnh vực giáo dục đào tạo tại địa phương.
Với quy mô quản lý nhà nước về giáo dục lớn như vậy, việc sáp nhập Sở Giáo dục và Đào tạo với sở khác là bất hợp lý.
Ngược lại, với phân cấp như dự thảo Luật Giáo dục, việc tồn tại Bộ Giáo dục và Đào tạo có thực sự cần thiết?
Hiện đang có chủ trương sáp nhập bộ, ngành, địa phương nhằm tinh giản bộ máy hành chính, quan điểm của người viết là với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Luật Giáo dục quy định, giữ nguyên Bộ Giáo dục và Đào tạo là không cần thiết.
Nếu giữ lại Bộ Giáo dục và Đào tạo thì không thể để tình trạng “cát cứ” như hiện nay tồn tại, không thể phân mảnh quyền lực khiến cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ là cơ quan “Quyền rơm, vạ đá”.
Liên quan đến giáo dục, hiện có hai cơ quan đang hoạt động là “Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo” và “Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực”.
Theo Quyết định số 337/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo trở thành “Cơ quan thường trực” của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.
Còn theo Quyết định số 338/QĐ-TTg về việc kiện toàn Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo thì Ủy ban này hoạt động theo quy định trong Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg, theo đó Ủy ban có nhiệm vụ:
1. Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành;
2. Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành;
3. Giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc thực hiện những vấn đề quan trọng, liên ngành.
Được biết nhân sự hai cơ quan này đều là các chuyên gia đầu ngành về giáo dục - đào tạo.
Đổi mới hay chấn hưng giáo dục (3) |
Không những thế, theo hai Quyết định số 337/QĐ-TTg và 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chức năng, nhiệm vụ của hai cơ quan này đã bao quát toàn bộ công việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cơ quan nhà nước, cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, khi luật đã giao gần hết chuyện quản lý nhà nước khối giáo dục phổ thông cho địa phương thì Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể can thiệp.
Để tiết kiệm tiền thuế do dân đóng góp, có nên ghép Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo với Bộ Giáo dục và Đào tạo thành một đơn vị và đặt tên là “Ủy ban Giáo dục Quốc gia”?
(Còn nữa)