Không ít lần tôi phải khóc, tôi cảm thấy bất lực với học sinh

06/07/2019 07:38
Tùng Dương
(GDVN) Để cho học sinh thấm, hiểu và nhận thức ra vấn đề mới là điều cốt lõi, làm sao để đạt được gì cho chính bản thân các em, cho tương lai chứ không phải vì cô giáo.

Có một lần đang trong tiết dạy, trong lúc cáu giận vì nói mãi mà học sinh vẫn mất trật tự, tôi không kìm chế được cảm xúc nên đã gõ mạnh thước kẻ lên bảng, kết quả là gãy cả thước.

Cả lớp trật tự ngay lập tức vì biết là tôi quá giận, và những buổi học sau các em rất là ngoan. Phải chăng hành động cáu giận của tôi lúc đó là đúng?

Sau khi bình tâm nghĩ lại thì thấy đó không phải là cách xử lí hay, vì mình không kìm chế được cảm xúc nên đã bột phát đập gãy thước kẻ, đó là một hành động xấu trước các em học sinh.

Mình hoàn toàn có thể làm khác vì về lâu dài đó không phải là biện pháp giáo dục tốt, học sinh chỉ sợ mình lúc đó chứ không phải các em quý và nể mình.

Tôi nhận thấy muốn để cho học sinh thấm, hiểu và nhận thức ra vấn đề mới là điều cốt lõi, làm sao để các em tự nhận thấy phải cần như thế nào.

Cần cố gắng ra sao để đạt được gì cho chính bản thân các em, cho tương lai chứ không phải vì cô giáo, vì sợ cô mà học thì hoàn toàn không tốt”, cô giáo Hiền chia sẻ.

Đã có thời gian tôi chán nản vô cùng, tôi đã nói với thầy Hiệu trưởng: Em rất sợ những ngày phải đến trường, phải gặp học sinh trong những tiết học căng thẳng. Ảnh: Cô Hiền cung cấp.
Đã có thời gian tôi chán nản vô cùng, tôi đã nói với thầy Hiệu trưởng: Em rất sợ những ngày phải đến trường, phải gặp học sinh trong những tiết học căng thẳng. Ảnh: Cô Hiền cung cấp.

Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hà Thu Hiền - giáo viên Trường Trung học phổ thông Ngô Thì Nhậm - Thanh Trì - Hà Nội chia sẻ: “ Những ngày đầu năm 2001 khi vừa ra trường, tôi mong muốn làm sao truyền đạt được thật nhiều kiến thức cho các em học sinh, chứ cũng chưa nghĩ nhiều đến phương pháp hay điều gì đó đặc biệt.

Những năm đầu tiên trong nghề tôi dạy môn Toán lớp 6 ở Trường Lương Thế Vinh - Hà Nội, cho đến năm 2005 theo gia đình lên dạy tại Huyện Sóc Sơn.

Năm 2010, tôi chuyển về dạy tại Trường Trung học phổ thông Ngô Thì Nhậm - Thanh Trì - Hà Nội, đây cũng là quê hương nơi tôi sinh ra.

Trong gần 20 năm dạy học thì có không ít lần tôi phải khóc, tôi cảm thấy bất lực vì không dạy bảo được các em học sinh.

Có những tiết học tôi phải dừng lại vì các em rất mất trật tự, không nghe giảng và khi tôi nhắc nhở thì các em phản ứng, cãi lại ngay lập tức.

Với những em học sinh như vậy thì tôi thường gặp riêng trao đổi, và hầu hết các em sau khi nghe tôi phân tích đều đã nhận ra cái sai của mình.

Bản thân giáo viên chúng tôi rất là áp lực, và ngày càng khó trong việc uốn nắn những học sinh có tính cách đặc biệt, các em không chịu hợp tác.

Muốn phạt các em cũng phải lựa cách vì hơi một chút là phụ huynh lại đưa lên mạng xã hội, mặc dù hình phạt đó không có gì là phản giáo dục với các em.

Đã có thời gian tôi chán nản vô cùng, tôi đã nói với thầy Hiệu trưởng: Em rất sợ những ngày phải đến trường, phải gặp học sinh trong những tiết học căng thẳng.

Thầy có động viên: Bây giờ em phải tập làm quen dần, học hỏi đồng nghiệp ở trường xem mọi người làm như thế nào.

Có nhiều lần vào cuối giờ dạy tôi ngồi khóc một mình tại phòng Hội đồng của nhà trường vì cảm thấy bất lực.

Tôi nhận thấy mình nên hạ bớt kì vọng, kìm nén cảm xúc và dần dần tôi đã cảm thấy quen hơn.

Với những trường hợp học sinh bị nhắc nhở nhiều lần nhưng không chuyển biến, tôi nói: Nếu em còn ngồi trong lớp thì em phải tạo điều kiện cho các bạn cùng học, chứ em không thể làm ảnh hưởng đến các bạn như vậy. Từ nay, cô coi như không có em ở trong lớp và cô vẫn cứ dạy bình thường.

Phương pháp đó đã giúp cho các em tự nhìn lại bản thân, và sau cùng thì các em có tiến bộ và không còn mất trật tự như trước.

Mỗi học sinh có năng lực và trình độ không đồng đều, chính vì vậy tôi không áp dụng chung một đánh giá nhận xét, tôi cũng không lấy điểm số để đánh giá các em.

Ở đây rõ ràng có việc một điểm 8 ở lớp Top đầu sẽ không thể như điểm 8 ở một lớp Top cuối, các em Top cuối phải rất cố gắng mới đạt được điểm số đó, tôi thấy đây là điều mà giáo viên phải trân trọng, động viên khích lệ các em”, cô Hiền cho biết.

Tôi cũng đã học cách lắng nghe không chỉ bằng tai mà bằng cả trái tim, vì khi thực sự biết lắng nghe tôi mới hiểu các học trò của mình, mới có thể thành công trong việc giáo dục các em.Ảnh: Cô Hiền cung cấp.
Tôi cũng đã học cách lắng nghe không chỉ bằng tai mà bằng cả trái tim, vì khi thực sự biết lắng nghe tôi mới hiểu các học trò của mình, mới có thể thành công trong việc giáo dục các em.Ảnh: Cô Hiền cung cấp.

Sai lầm không của cô Hiền

“Trước kia, tôi vẫn là mẫu giáo viên hiếm khi cười trong giờ dạy và khá tiết kiệm lời khen đối với trò, các giờ học Toán thường căng thẳng, nhất là đối với học trò sợ môn Toán.

Khi được xem lại những Video về lớp tôi dạy ở thời điểm đó, tôi thấy thật sự thương học trò cũ của mình vì các em đã phải trải qua những giờ học căng thẳng, mệt mỏi.

Cũng chỉ vì tôi không biết cách chuyển hóa được những cảm xúc tiêu cực. Trong cuộc sống, ai cũng có lúc bị những cảm xúc tiêu cực xuất hiện vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau.

Bản thân tôi đã biết cách chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực, biết thay đổi một số điều ở bản thân để mình hạnh phúc hơn và để lan tỏa hạnh phúc đó sang các học sinh của mình.

Tôi đã học cách chấp nhận những lỗi sai của học trò và sẽ kiên nhẫn, tận tình hướng dẫn các em cách sửa sai thay vì cáu giận như trước kia.

Tôi cũng đã học cách lắng nghe không chỉ bằng tai mà bằng cả trái tim, vì khi thực sự biết lắng nghe tôi mới hiểu các học trò của mình, mới có thể thành công trong việc giáo dục các em.

Và khi biết lắng nghe, cảm nhận ánh mắt học trò sáng lên mỗi khi hiểu bài, hay một câu nói hồn nhiên, một biểu cảm yêu thương từ các em, tôi thấy mình học được nhiều điều từ cuộc sống,

Bản thân tôi cũng xác định được ngoài việc tạo dựng mối quan hệ yêu thương, hiểu biết lẫn nhau giữa cô và trò thì tôi cũng phải không ngừng tự tìm tòi, tự bồi dưỡng chuyên môn để ngày càng có nhiều tiết học tốt, thu hút được học trò”, cô Hiền nhấn mạnh.

Mỗi học sinh có năng lực và trình độ không đồng đều, chính vì vậy tôi không áp dụng chung một đánh giá nhận xét, tôi cũng không lấy điểm số để đánh giá các em. Ảnh: Cô Hiền cung cấp.
Mỗi học sinh có năng lực và trình độ không đồng đều, chính vì vậy tôi không áp dụng chung một đánh giá nhận xét, tôi cũng không lấy điểm số để đánh giá các em. Ảnh: Cô Hiền cung cấp.

Biết chuyển hóa cảm xúc tiêu cực

Từ bài học của Giáo sư Peck Cho - một cố vấn của chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”; cô Hà Thu Hiền đã rút ra được 3 bí quyết để chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực.

“Một là học cách trở nên kiên cường: Ngay khi có những cảm xúc tiêu cực xuất hiện trong tâm trí, bạn hãy hít thở thật sâu để giúp bạn trở nên bình tĩnh hơn.

Hoặc bạn nghĩ đến những điều tốt đẹp, những kỉ niệm vui vẻ. Bằng cách này những cảm xúc tiêu cực trong bạn sẽ tiêu tan. Bạn sẽ thấy mình đủ dũng cảm, kiên cường đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách.

Hai là học cách biết ơn: Nhiều người sẽ thấy khó hiểu, sao ở trường học, lớp học các giáo viên lại phải biết ơn? Biết ơn ai? Biết ơn điều gì?

Không ít lần tôi phải khóc, tôi cảm thấy bất lực với học sinh ảnh 4Chuyện đến trường của cô giáo Thúy

Tôi xin hỏi trong số các thầy cô giáo, đã bao nhiêu lần các thầy cô bị ốm mà vẫn cố gắng đến trường dạy chỉ vì nghĩ đến những học trò luôn dành tình cảm yêu quý thật sự cho mình?

Thầy cô có thể biết ơn chính học sinh của mình, vì hàng ngày, thầy cô vẫn đang nhận lấy những năng lượng từ học sinh của mình.

Chỉ có là thầy cô có nhận ra điều đó hay không thôi.

Lòng biết ơn sẽ làm năng lượng tích cực trong mỗi thầy cô giáo, làm tan biến những cảm xúc tiêu cực trong mỗi tiết học.

Cuối cùng là học cách cho đi: Thực ra triết lí “cho đi” chúng ta đã nghe rất nhiều trong cuộc sống. Sau buổi chúng tôi được nói chuyện với Giáo sư Peck, tôi đã hiểu rõ hơn triết lí “cho đi” trong phạm vi trường học.

Cho đi là để trưởng thành hơn. Khi cho đi thì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ nhận ra điều đó tốt cho chính mình.

Cũng giống như việc khi các thầy cô hết lòng tận tụy vì học trò thì các thầy cô đang góp phần đào tạo những thế hệ công dân tốt cho đất nước trong tương lai, vì thế cũng là tốt cho cho chính thầy cô.

Tôi xin trích lại một câu nói của giáo sư Peck Cho mà tôi rất thích, đó là: Khi bạn cho đi, bạn sẽ nghĩ cho một tương lai dài và xa hơn. Và bây giờ tôi cũng hay nói điều đó với các học trò của mình”, cô Hiền nêu quan điểm.

Tùng Dương