“Có một câu chuyện khiến tôi nhớ mãi vào năm tôi vừa ra trường, khi đó tôi dạy lớp 6 và trong lớp có một em học sinh bị yếu tim, mà tôi lại không hay biết.
Khả năng kiềm chế cảm xúc của tôi hồi mới ra trường không thể như bây giờ được, hôm đó tôi mời một em học sinh lên bảng làm bài tập toán, nhưng em đó làm không được.
Tôi có nói hơi to tiếng một chút rằng: Bài dễ vậy mà em không làm được sao?
Ngay lập tức tay chân em học sinh đó bắt đầu run lên, mặt tái…tôi linh cảm là có vấn đề gì đó về tâm lý và nhanh trí tôi chuyển sang một câu hỏi rất dễ của học sinh lớp 2.
Em đó giải được ngay và tôi khen em trước cả lớp. Nhìn cảm giác sắc mặt của em đó có chút thay đổi trước khi về chỗ ngồi.
Trong suốt tiết học, tôi quan sát và thấy em đã tươi hơn rất nhiều, nhưng tôi vẫn cảm giác là có vấn đề gì đó không ổn. Tôi đã điện thoại cho giáo viên Chủ nhiệm, và được biết là em đó bị bệnh tim khá nặng.
Dạy hết 2 tiết học nhưng tôi vẫn nán ở lại, và đúng như tôi suy đoán là em đó không về được vì rất mệt, em cũng không nói cho ai biết.
Tôi đưa em đó về nhà, trời thì tối, mưa và suốt đoạn đường núi gần 7 km về nhà em rất khó đi.
Mẹ em cho biết là em bị bệnh tim rất nặng, chỉ cần một phản ứng đột ngột, hoặc căng thẳng là em có thể ngất ngay lập tức.
Cũng may mà lúc trên lớp tôi đã xoay chuyển tình thế kịp thời, chứ nếu không thì chắc là tôi sẽ ân hận suốt đời.
Đó cũng là một bài học mà tôi luôn mang trong lòng cho đến ngày hôm nay và chắc là còn mãi về sau”, cô giáo Nguyễn Thị Thúy - Trường Trung học cơ sở Nguyễn Duy, thừa Thiên, Huế, chia sẻ với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Theo cô Thúy: "Ở một khía cạnh nào đó thì giáo viên phải là người biết ơn học trò vì đã mang lại công việc cho mình. Ảnh đồ họa: Tùng Dương |
Tốt nghiệp khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Huế năm 2007 và nhận công tác giảng dạy tại Trường Trung học cơ sở Phong Mĩ, một trường ở miền núi Thừa Thiên - Huế.
“Ngày trước tôi cũng không có ý định đi theo sư phạm, mà muốn vào ngành công an, nhưng có một số trục trặc nhỏ nên chuyển sang sư phạm. Đến khi đi thực tập thì mới thấy là bản thân mình rất hợp với nghề, đúng là nghề chọn người, anh nhỉ.
Khi đó thầy hiệu Phó của trường cũng giáo viên dạy môn Toán có nói: “Tôi chưa thấy cô giáo dạy Toán nào đang thực tập mà lại tự tin như vậy, trước các em học sinh và rất nhiều giáo viên dự giờ nhưng cô không hề lúng túng”
Khi tôi giảng bài thì các em học sinh tự giác ngồi im để nghe, tôi không hề phải nhắc nhở câu nào, trong khi nhiều giáo viên khác phải nhắc rất nhiều mà các em vẫn mất trật tự. Có lẽ tôi có một cái duyên gì đó với sư phạm”, cô Thúy nói.
Ước mơ khi còn đi học
“Trong 16 năm tôi đi học thì những việc mà tôi mong muốn giáo viên làm cho mình, thì bây giờ tôi lại thực hiện lần lượt tất cả những điều đó với học sinh.
Ví dụ hồi còn đi học, tôi mong giáo viên phải là người thật gần gũi với mình, chứ thầy cô quá xa như vậy nên tôi không thể tâm sự cái mình đang cần được.
Có nhiều giáo viên nói với tôi rằng: Gần gũi với học sinh thì các em sẽ nhờn mặt, nhưng thật sự là tôi lại nghĩ khác vì gần là một chuyện, nhưng mình vẫn phải có một cái uy nhất định, mà cái uy đó không phải dùng áp đặt mà có được.
Tôi cố gắng từ thái độ của bản thân, thường xuyên chia sẻ những vấn đề với các em, những vấn đề đó tôi lấy từ chính bản thân mình, từ những người bạn và thậm chí ở ngay trong trường để các em không có cảm giác như vấn đề đó bên ngoài xã hội.
Tôi tự thấy rằng mình không thể học giỏi hết các môn được, nên các em cũng vậy thôi, học sinh rất cần kiến thức nhưng cái nào là cái cần thiết đối với mỗi em.
Các em có trình độ rất khác nhau, nên không thể đánh đồng bắt các em học giỏi đều các môn được.
Mình muốn giáo dục các em vấn đề gì, thì mình lại kể câu chuyện tương tự để học sinh cảm thấy dễ nghe, chứ không nghĩ rằng cô lại “giáo huấn”, có như vậy thì các em mới tiếp thu và câu chuyện mình kể mới có tác dụng.
Học sinh thấy tôi hay tâm sự, và tôi dùng chính những câu chuyện khó khăn mà các em đang gặp để tâm sự ngược lại, nhưng với tư cách của nhà tâm lý”, cô Thúy chia sẻ.
Ngày mai các em cũng sẽ lớn và làm những ngành nghề còn cao quý hơn mình nữa, nên những lời mình nói các em sẽ không quên. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Mọi người luôn luôn nghĩ rằng học sinh là con nít, nó không biết và không nhớ gì cả, thậm chí không để bụng.
“Bản thân tôi hồi nhỏ đi học thì lại rất nhớ những lời của giáo viên, nên tôi nghĩ học sinh nào cũng như vậy.
Ngày mai các em cũng sẽ lớn và làm những ngành nghề còn cao quý hơn mình nữa, nên những lời mình nói các em sẽ không quên.
Tôi rất tôn trọng học sinh, những câu mà tôi nói với các em thì tôi luôn cân nhắc, không phải nói bừa theo bản năng. Tôi luôn kiềm chế cảm xúc và chưa bao giờ tức giận trước mặt học sinh.
Bản thân tôi hồi nhỏ rất thích học Toán, nhưng đến tiết học Văn và giáo viên cứ bắt tôi phải học thuộc mà tôi không thể nào học được, tôi thấy rất là áp lực.
Cho đến khi tôi gặp một giáo viên và họ đã khiến cho tôi yêu quý môn Văn, họ nói chuyện làm cho tôi rất thích và cách dạy của họ không làm tôi thấy áp lực.
Bây giờ cũng vậy, tôi không bắt ép các em học bằng được môn của mình và các môn khác đều như nhau, mỗi con người đều có khả năng riêng”, cô Thúy cho biết.
Có một số giáo viên khiến tôi tâm huyết bởi những câu chữ của họ về đời thực, cách xử lý của họ để cho mình có một kĩ năng cơ bản nên bây giờ tôi cũng mong muốn truyền đạt lại cho học sinh thông qua các câu chuyện.
Theo cô Thúy: “Tôi thường đưa học sinh đi trải nghiệm, tham dự các hoạt động tập thể để mong các em có những kĩ năng cơ bản.
Trong các tiết dạy của tôi thì học sinh rất là náo nhiệt, rất vui vì tôi hay pha trộn các trò chơi, kĩ năng vấn đáp, vì vậy học sinh rất thích trong khi môn Toán của tôi theo mọi người nhận xét thì rất là khô khan.
Nhiều người nói tôi làm như vậy rất mất thời gian, nhưng tôi lại suy nghĩ là nếu như mình chịu rèn luyện bản thân, cách kể chuyện cũng như kĩ năng có sẵn ở trong đầu mình.
Chỉ cần tích hợp 5 -10 phút, là đủ để đưa học sinh tập trung lại với câu chuyện, cho các em khỏi buồn ngủ và bớt đi áp lực căng thẳng trong mỗi tiết học.
Tôi thường lồng những kĩ năng đơn giản như: Các em có thể tự đưa ra vấn đề, tự giải quyết, tự đánh giá và có thể tự phỏng vấn nhau luôn.
Có lúc tôi đưa học sinh vào làm trợ giảng của mình trong tiết học, tôi phân công cho một nhóm học sinh bất kì, rồi sau đó các bạn có thể tự hỏi nhau, như vậy em nào cũng có thể lên bảng trình bày một cách rất tự nhiên.
Nếu sai sót thì các em có thể tự bổ sung cho nhau, sẽ thấy thú vị với những giờ học và không cảm thấy gò bó. Như vậy các em sẽ rất nhớ những kiến thức vừa được tiếp nhận.
Học sinh nhận được kiến thức không phải từ giáo viên mà từ chính các bạn trong lớp, tôi chỉ chốt lại để các em phân tích các bạn đúng và sai ở chỗ nào.
Em nào cũng phải đứng lên nói vì tôi không chỉ mời những em giỏi, tùy từng nội dung mà tôi có thể chỉ bất kì một em nào lên trình bày, do đó em nào cũng phải cố gắng.
Lần đầu có thể em đó sẽ run, hồi hộp nhưng nhiều lần sẽ thành quen”.
Khi tôi đi học thì kiến thức sách vở ở trường cũng chỉ là cơ bản, chủ yếu là từ sở thích của bản thân và tự nghiên cứu, tự làm cho mình có cảm giác thấy thú vị và học sinh cũng thú vị theo.
Nói chung là tôi tự sáng tạo để làm sao giúp cho các em thấy thoải mái, bớt căng thẳng để từ đó tạo hứng thú với những tiết học.
Giáo viên phải nghĩ rằng mình là người đi trước, biết trước học sinh một chút và mình truyền cái đó cho học sinh.Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Kìm nén cảm xúc
Hồi tôi còn đi học thì giáo viên chủ nhiệm rất là khó gần, do đó gần như tôi không có cảm xúc gì với giáo viên, chính vì vậy mà những tiết học của tôi rất nặng nề.
Tôi muốn khắc phục những cái mà giáo viên đã khiến cho mình bị tổn thương.
“Khi tôi học lớp 5, cứ vào dịp hè là tôi lại về quê ngoại tại Nam Định chơi với ông bà, sau mấy tháng hè thì giọng nói của tôi có pha những câu miền Bắc, nhưng bản thân tôi thì thấy không có vấn đề gì.
Vào đầu năm học mới, có một giáo viên khi nghe giọng tôi đọc bài đã nói tôi trước cả lớp: Cô ở Huế thì cô phải nói giọng ở đây chứ, sao cô lại nói tiếng ở ngoài kia?
Nghe vậy tôi rất là tự ái, giọng của tôi như nào thì tôi đọc như vậy chứ tôi đâu có cố ý.
Nghe cô mắng như vậy mà nước mắt tôi cứ trào ra, và trong suốt 2 tiếng đồng hồ ngồi trong lớp nhưng tôi không hề nghe thấy một câu giảng bài nào của cô.
Những câu nói của cô giáo ngày hôm đó cho đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in.
Từ đó tôi cũng suy nghĩ rằng, với những câu nói của giáo viên đâu phải đơn giản là nói cho qua được, các em rất là nhớ.
Do đó tôi rất là cẩn trọng những lời nói với học sinh của mình” cô Thúy chia sẻ.
Trước khi tôi tham gia chương trình “Thầy cô đã thay đổi vì một trường học hạnh phúc” thì tôi vẫn thực hiện theo ước mơ của mình từ hồi còn ngồi ghế nhà trường.
Mọi lời nói, cách giao tiếp với học sinh tôi vẫn thực hiện theo hướng tích cực như vậy, duy chỉ có 2 điều là tôi chưa hiểu được.
“Thứ nhất, đôi lúc tôi có cảm giác thấy mệt. Tôi là người cầu toàn và lớp tôi dạy rất là chỉnh chu, tuyệt vời.
Trước và sau khi tham gia chương trình chỉ khác nhau ở vấn đề, đó là mọi việc rõ ràng hơn vì từ trước đến nay tôi vẫn làm như vậy.
Thực chất là tôi chỉ làm theo bản năng và cũng không hiểu tâm lý học là gì cả, phương pháp tích cực với học sinh là cái gì và thế nào là trường học hạnh phúc tôi đều không biết.
Nguyên tắc để diễn tả tâm trạng của mình tôi cũng không biết, nhưng tôi vẫn làm thế và cảm nhận học sinh rất yêu quý mình, thân thiện và tập trung nghe giảng.
À, thì ra là mình làm vô tình nhưng trúng vào nguyên tắc tâm lý đó nên tôi mới đạt được kết quả như ngày hôm nay, và đúng là nó có nguyên tắc thật.
Vấn đề thứ hai, là tôi thấy thoải mái hơn về tư tưởng. Từ đó đến giờ tôi cứ làm như vậy, nhưng tôi vẫn sợ như thế là sai và tự hỏi những việc mình làm liệu có đạt yêu cầu hay không?
Bản thân tôi đôi lúc cũng có cảm giác nặng nề vì mình đòi hỏi nhiều thứ quá, sau khi tham gia và được nghe nhiều phân tích của các giáo viên thì tôi cũng phát hiện ra mình cố gắng làm như vậy là hoàn toàn đúng”, cô Thúy nói.
Kinh nghiệm bản thân
Học tập là tự thân, nhưng tôi mong các nhà quản lý Giáo dục thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng về tâm lý học sinh để giáo viên có dịp học hỏi.
Cô Thúy nêu quan điểm: “Giáo viên phải nghĩ rằng mình là người đi trước, biết trước học sinh một chút và mình truyền cái đó cho học sinh.
Chỉ đơn giản mình là người như thế chứ đừng nghĩ mình là người cao siêu hơn học sinh.
Giáo viên thường nghĩ rằng mình tới trường chỉ để truyền kiến thức cộng trừ nhân chia…cho học sinh là xong nhiệm vụ.
Trước đây tôi nghĩ, ở trường thì học trò chỉ có nghe lời và tuân thủ... |
Theo tôi nhiệm vụ của giáo viên phải truyền đạt rất nhiều kĩ năng xã hội, thậm chí xây dựng những ước mơ cho học sinh thì cũng là nhiệm vụ của giáo viên.
Ngay như việc dạy cho học sinh cách bảo vệ môi trường, nghe thì tưởng là khó nhưng nếu mỗi ngày mình nói một chút thì học sinh cũng sẽ nghe và hiểu rồi làm theo.
Bản thân tôi cũng chưa bao giờ vứt rác trước mặt học sinh nên lâu dần cũng thành thói quen.
Giáo viên cần suy nghĩ và hiểu rằng mình được sống với nghề là nhờ có các em, nếu không có học sinh thì mình dạy ai?
Vậy, ở một khía cạnh nào đó thì giáo viên phải là người biết ơn học trò vì đã mang lại công việc cho mình.
Nếu giáo viên cứ xem mình là bề trên, mặc định là học sinh phải phục tùng mình thế này, thế kia thì chắc chắn giáo viên sẽ gặp áp lực”.