Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ

27/07/2019 06:09
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Từ những ngày còn khó khăn, ngặt nghèo nhưng Đảng và Bác Hồ đã quan tâm giải quyết về chính sách để động viên sức dân nuôi dưỡng bộ đội, ủng hộ kháng chiến.

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/1947 - 27/7/2019, Đại tá Đặng Việt Thủy gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết "Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ".

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam ta có truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa".

Nhân dân ta luôn ghi nhớ công ơn, lập đền thờ tưởng nhớ những vị anh hùng, những người có công dựng làng, dựng nước và những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ quê hương, đất nước.

Tiếp nối truyền thống đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quân và dân ta đã làm cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Nhưng ngay sau đó, thực dân Pháp được bọn phản động quốc tế giúp sức đã quay lại cướp nước ta một lần nữa.

Từ những ngày đầu kháng chiến, mặc dù trong hoàn cảnh rất ngặt nghèo nhưng Đảng và Bác Hồ đã quan tâm giải quyết về chính sách để động viên sức dân nuôi dưỡng bộ đội, ủng hộ kháng chiến.

Chính sách của Đảng và Nhà nước ta ngay từ đầu đã thể hiện sự tôn vinh và lòng biết ơn của toàn dân đối với những người con yêu quý cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, động viên nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.

Bác Hồ thăm các thương binh nặng ở Trung tâm điều dưỡng Thuận Thành (Bắc Ninh). Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ thăm các thương binh nặng ở Trung tâm điều dưỡng Thuận Thành (Bắc Ninh). Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kêu gọi mọi người hướng về các chiến sĩ đang chiến đấu ở các mặt trận, dành những gì tốt đẹp nhất cho họ. Người đánh giá cao sự chịu đựng, hy sinh của các chiến sĩ nơi chiến trường.

Ngày 7/1/1947, trong thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng - Giám đốc Y tế Bắc Bộ vừa có con trai hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

"Tôi được báo cáo rằng: con giai của Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái.

Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi mất một đoạn ruột"(1).

Ngay từ năm 1946, tại Hà Nội đã thành lập tổ chức "Hội giúp binh sĩ bị thương". Với tư cách là Hội trưởng danh dự, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nói chuyện tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Cũng mùa Đông năm ấy, trong ngày phát động cuộc vận động "Mùa Đông binh sĩ", khi đến dự lễ, Người đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ.

Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào ta ở cả hai miền Nam Bắc đã góp hàng vạn bộ quần áo cho các chiến sĩ, trong hoàn cảnh đất nước ta lúc đó còn nghèo, chưa trang bị đủ áo ấm cho chiến sĩ.

Tháng 11 năm 1946, trong thư gửi các địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập, thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái các gia đình liệt sĩ và tôi nhận các con liệt sĩ làm con nuôi của tôi".

Bác Hồ thăm hỏi chiến sĩ thi đua Phạm Trung Pôn bị mù hai mắt nhưng đã có sáng kiến cải tiến nông cụ (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ thăm hỏi chiến sĩ thi đua Phạm Trung Pôn bị mù hai mắt nhưng đã có sáng kiến cải tiến nông cụ (Ảnh tư liệu)

Đầu năm 1947, giữa lúc bộn bề công việc kháng chiến, nhưng Trung ương Đảng Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định nhiều chủ trương chính sách về thương binh, liệt sĩ.

Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL "Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ".

Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vai trò quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.

Tháng 6 năm 1947, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, cơ quan của Chính phủ đã cùng với các đoàn thể Trung ương đã họp và quyết định lấy ngày 27 tháng 7 là ngày "Thương binh toàn quốc".

Sau đó ngày này đã được đổi thành "Ngày thương binh liệt sĩ". Tại cuộc mít tinh chiều ngày 27/7/1947 để công bố ngày Thương binh toàn quốc, Ban tổ chức đã trân trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mở đầu bức thư, Người viết:

"Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập.

Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh.

Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt!

Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy"(2).

Cùng với bức thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích gửi tặng thương binh một áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của Người và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch.

Từ đó cho đến năm 1954, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 27 tháng 7, Người lại gửi thư và một tháng lương của mình tặng thương binh.

Trong thư gửi cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh nhân ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết, có đoạn:

"Tôi tiếp được báo cáo nhiều nơi khen ngợi một số anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ đã trở nên gương mẫu trong xã.

Tôi mong rằng Bộ Thương binh nêu những thành tích và những kinh nghiệm quý báu ấy để những xã khác và những anh em khác noi theo.

Tôi xin gửi cụ 30.600 đồng do một kiều bào ở Trung Quốc gửi tặng, và một tháng lương của tôi là 45.000 đồng để cụ làm quà cho anh em" (3).

Hãy xứng đáng với các anh hùng liệt sĩ
Hãy xứng đáng với các anh hùng liệt sĩ

Cuối bài viết "Nhờ ai ta có hòa bình" đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 26/11/1954 với bút danh C.B, Bác Hồ viết:

"Nhờ ai ta có hòa bình?

Nhờ người chiến sĩ quên mình vì dân".

Đối với người già, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyến khích thành lập "Hội mẹ chiến sĩ". Đối với thiếu niên, Người hướng dẫn thành lập các "Đội Trần Quốc Toản" để hàng ngày giúp các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Đối với chính quyền địa phương, Người đề xuất phong trào "Đón thương binh về làng", "Giúp lâu dài chứ không chỉ giúp một thời gian".

Người hướng dẫn kế hoạch: "Mỗi xã trích một phần ruộng công, nếu không có ruộng công thì mượn ruộng của những đồng bào có hằng tâm, hằng sản, nếu không mượn được ruộng thì chính quyền, đoản thể và đồng bào trong xã chung sức phát vỡ một số đất mới để giúp thương binh.

Chính quyền, đoàn thể và đồng bào trong xã tổ chức việc cày cấy, chăm nom, gặt hái những ruộng đất ấy. Hoa lợi sẽ để nuôi thương binh" (4).

Đối với người có công với cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tình cảm trân trọng, lòng biết ơn vô hạn và khẳng định sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ "làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi", "Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm đỏ thắm. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh".

Tri ân những người có công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc viết tháng 5 năm 1968 khi Người 78 tuổi, Bác căn dặn:

"Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cánh sinh".

Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền và địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng với hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét" (5).

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta toàn thắng, giang sơn thu về một mối.

Hai tháng sau, thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Ăn quả nhớ người trồng cây", Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị về công tác thương binh, liệt sĩ.

Cũng từ năm 1975, ngày Thương binh liệt sĩ được tổ chức trên toàn quốc với nhiều hình thức phong phú, có ý nghĩa chính trị sâu sắc.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang làm nhiều việc để giảm bớt khó khăn cho các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Để ghi nhận sự hy sinh to lớn của thương binh và liệt sĩ, Nhà nước đã truy tặng và phong tặng danh hiệu cao quý "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" cho 127.000 bà mẹ (tính đến tháng 7/2017), trong đó có những bà mẹ được tặng cả hai danh hiệu, vừa là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, vừa là Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Để tưởng nhớ và đền đáp công ơn của các liệt sĩ, cả nước đã xây dựng hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, đền thờ và tạc bia kỷ niệm hơn một triệu chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc; đã làm hàng vạn "ngôi nhà tình nghĩa" để tặng cho các thương binh và gia đình liệt sĩ; đã có hàng vạn Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, đoàn thể và nhân dân nhận phụng dưỡng suốt đời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy của cách mạng Việt Nam, vị lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, nhà yêu nước vĩ đại, chiến sĩ xuất sắc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc, nhà tư tưởng lỗi lạc của cách mạng, Người đã để lại cho dân tộc và non sông đất nước ta những di sản vô cùng quý báu, trong đó có tư tưởng của Người về công tác thương binh, liệt sĩ.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27 tháng 7 năm nay, chúng ta cùng nhau ôn lại một số lời dạy của Bác cũng là để tưởng nhớ và tri ân Người, tri ân các anh hùng liệt sĩ, những người đã đổ xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc.   

Tài liệu tham khảo:

(1) "Đời đời Tổ quốc ghi công", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 22.

(2) "Đời đời Tổ quốc ghi công", Sđd, trang 25.

(3) "Đời đời Tổ quốc ghi công", Sdd, trang 62.

(4) "Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch", Tập 2, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1960, trang 10.

(5) "Tuyển tập văn thơ Hồ Chí Minh", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, trang 397.

Đại tá Đặng Việt Thủy