Thành công của Khánh Linh có công sức của cả một tập thể

21/07/2019 06:54
Phan Tuyết
(GDVN) - Để một học sinh đạt huy chương vàng quốc tế giống như một tác phẩm nghệ thuật, chỉ sơ suất một khâu nào đấy là tác phẩm sẽ hỏng ngay.

Em Nguyễn Khánh Linh lớp 12 F (lớp chuyên Lý) Trường Trung học chuyên Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa là nữ sinh duy nhất trong đoàn Việt Nam giành huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế 2019.

Trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn Thanh Hóa (Ảnh nhà trường)
Trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn Thanh Hóa (Ảnh nhà trường)

Khánh Linh cũng đạt luôn giải phụ “Nữ sinh có thành tích cao nhất Olympic”.

Thầy Lê Văn Hoành, giáo viên dạy môn Vật Lý của Khánh Linh cho biết:

“Kết quả đạt được của em Linh hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân còn là công sức của tổ Lý Trường Trung học chuyên Lam Sơn đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của thầy Chu Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường”.

Có học sinh vào đội tuyển thi quốc tế đã là thành công lớn

Phải khẳng định một điều, cuộc thi quốc tế là sân chơi giữa các trường chuyên với nhau.

Hiện cả nước có khoảng 100 trường chuyên. Hằng năm, thế giới tổ chức cuộc thi cho 5 môn gồm: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin.

Số học sinh tham gia được quy định, môn Toán sẽ có 6 em, Lý 5 em, Hóa, Sinh và Tin mỗi môn có 4 em.

Như vậy, mỗi năm, cả nước sẽ có 23 em tham dự kỳ thi quốc tế cho 5 môn thi.

Với gần 100 trường chuyên của cả nước, hàng nghìn học sinh giỏi, số lượng học sinh được chọn đi thi có thể nói là quá ít.

Để có mặt trong đội tuyển thi quốc tế, học sinh phải trải qua nhiều vòng thi khắc nghiệt vì nơi đó sự đối đầu về tri thức luôn đặt ở tầm cao.

Thành công của Khánh Linh có công sức của cả một tập thể ảnh 2
Hải Phòng trao hơn 1,8 tỉ đồng thưởng học sinh đạt giải quốc tế

Cứ vào đầu tháng 1 hằng năm, Bộ Giáo dục đều tổ chức kỳ thi quốc gia.

Và, sẽ chọn những học sinh có điểm số cao nhất mỗi bộ môn 4 em (thường giải nhất, nhì) gọi đi ôn tập khoảng 3 tháng. Cuối tháng 3, sẽ chọn ra đội tuyển thi quốc tế.

Những em vào đội tuyển sẽ tiếp tục ôn tiếp 3 tháng. Và đến tháng 7 sẽ tham dự kỳ thi quốc tế.

Có thể nói, quy trình chọn lựa học sinh vào đội tuyển thi quốc tế rất gắt gao.

Vì vậy, có những trường chuyên từ khi thành lập đến nay chưa có một học sinh nào đạt được vinh dự này.

Bởi thế, theo thầy Chu Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung học chuyên Lam Sơn tỉnh Thanh Hóa, trường nào có học sinh lọt vào đội tuyển thi quốc tế đã là thành công rồi.

Thế mà, chỉ tính riêng năm nay, Trường Trung học chuyên Lam Sơn tỉnh Thanh Hóa có tới 4 em trong đội tuyển thi quốc tế và Khánh Linh là học sinh mang huy chương vàng về đầu tiên.

Sự chung tay của cả một tập thể

Nói về thành tích của Nguyễn Khánh Linh nữ sinh duy nhất trong đoàn Việt Nam giành huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế 2019.

Thầy Chu Anh Tuấn Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: “Linh là một học sinh giỏi xuất sắc, em cực kỳ ngoan và chăm học”.

Nói rồi, thầy Tuấn cho biết thêm, để có được một học sinh vào đội tuyển quốc tế cần phải hội tụ đủ 3 điều kiện.

Thứ nhất, học sinh phải có tài năng.

Thứ hai, học sinh phải thật sự đam mê (yếu tố này cực kỳ quan trọng, thầy Hoành giáo viên dạy lý khẳng định: “có tài năng mà không đam mê cũng… vứt”.

Thành công của Khánh Linh có công sức của cả một tập thể ảnh 3
Việt Nam đứng thứ 4 toàn đoàn về thi Olympic Vật lý quốc tế

Thứ ba, phải có thầy giỏi, tâm huyết, tất cả hy sinh cho học trò mà không tính toán thiệt hơn.

Thầy Tuấn nói rõ sự hy sinh của nhiều thầy cô giáo dạy chuyên của nhà trường.

Bằng tài năng, tiếng tăm của mình nếu các thầy cô mở lớp ôn thi đại học như nhiều giáo viên khác thì sẽ rất giàu.

Một ngày có thể dạy vài ca, mỗi ca vài chục học sinh, thu nhập hàng tháng không hè nhỏ.

Nhưng những thầy cô dạy chuyên, chỉ dạy một vài em thường thì nhiều em gia cảnh khó khăn nên cũng không thu tiền.

Trong khi, công sức, trí tuệ bỏ ra không thể đong đếm được.

Để dạy một buổi cho những học sinh này, thầy cô phải đọc sách, phải nghiên cứu hàng tuần, hàng tháng…giáo viên không có sự hy sinh khó mà cống hiến được.

Ngoài ra, lãnh đạo nhà trường cũng luôn đồng hành để tạo môi trường thuận lợi nhất cho thầy và trò yên tâm dạy và học.

Cùng với đó là sự lãnh đạo, quan tâm của các cấp đặc biệt là của tỉnh đối với giáo viên và cả học sinh của nhà trường.

Thầy Tuấn cho biết, tỉnh Thanh Hóa là một tỉnh không giàu, nhưng luôn quan tâm đến công tác khuyến học khuyến tài, chế độ dành cho giáo viên và học sinh nơi đây thuộc tốp đầu của cả nước.

Ví như học sinh đi học được hỗ trợ thêm chế độ tiền ăn, tiền ở. Nhờ đó, thầy và trò đã phát huy hết khả năng, năng lực của mình.

Bởi thế, khi được hỏi về những tấm huy chương vàng nơi đây, từ giáo viên trực tiếp giảng dạy các học sinh đạt thành tích đến thầy hiệu trưởng đều nói rằng đó chính là công sức của cả một tập thể chứ không riêng một cá nhân nào.

Thầy hiệu trưởng còn ví von: “Để một học sinh đạt huy chương vàng quốc tế giống như một tác phẩm nghệ thuật chỉ sơ suất một khâu nào đấy là tác phẩm sẽ hỏng ngay”.

Phan Tuyết