Vì sao vẫn còn những hiệu trưởng tự tung, tự tác?

03/08/2019 07:00
TRƯỜNG SA ĐÔNG
(GDVN) - Do cơ chế bổ nhiệm từ trên xuống nên một số hiệu trưởng là “thân tín” với lãnh đạo Sở, Phòng, từ đó hiệu trưởng luôn “coi trời bằng vung”.

LTS: Đưa ra 3 nguyên nhân chính để lý giải cho việc một số hiệu trưởng hiện nay lộng quyền, tự tung, tực tác, tác giả Trường Sa Đồng đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Có rất nhiều thông tư, chỉ thị, quy định về một trường học thân thiện, dân chủ nhưng trên thực tế, vẫn còn đó những vị hiệu trưởng tự cho mình quyền đứng trên tất cả, tự tung tự tác, gây ra nhiều bức xúc cho tập thể giáo viên, nhân viên trong nhà trường.

Điều trớ trêu là mặc dù hiệu trưởng có những sai sót, khuyết điểm (như vụ một hiệu trưởng ở Sóc Trăng, dù không dạy tiết nào theo quy định, vẫn “lặng lẽ” bỏ túi hàng chục triệu đồng) nhưng khi đưa ra bình chọn, đánh giá (theo chuẩn hiệu trưởng, đánh giá bằng cách bỏ phiếu kín) thì hiệu trưởng luôn đạt số phiếu bình chọn cao! Hiệu trưởng vẫn đạt xuất sắc, vẫn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua và nhiều danh hiệu khác!

Chắc chắn có những nguyên nhân sâu xa mà bài viết này thử đưa ra cùng bạn đọc gần xa suy ngẫm.

Khi hiệu trưởng quan liêu, thiếu dân chủ
Khi hiệu trưởng quan liêu, thiếu dân chủ

Một là: Do cơ chế bổ nhiệm từ trên xuống nên một số hiệu trưởng là “thân tín” với lãnh đạo Sở, Phòng.

Từ “chỗ dựa” chắc chắn, “vững như bàn thạch” đó hiệu trưởng “coi trời bằng vung”  và có những việc làm không thông qua ban giám hiệu, tổ chức Đảng (có khi hiệu trưởng là Bí thư Đảng ủy, Bí thư Chi bộ luôn).

Hiệu trưởng cho rằng, nếu có chuyện gì thì có “ô dù” che chắn, nâng đỡ. Do đó, ngày lễ, ngày Tết, các hiệu trưởng thường bớt xén tiền quỹ công (bằng hình thức làm một hóa đơn sửa chữa gì đó) để đi “cống nạp” lấy lòng cấp trên.

Chuyện thay đổi thẻ ATM cũng có nhiều chuyện để nói nhưng rất ít ai thắc mắc. Tất cả thủ tục đổi thẻ đều do hiệu trưởng “âm thầm” làm việc với các ngân hàng trên địa bàn.

Bản thân tôi qua ba đời hiệu trưởng thì có ba lần thay đổi thẻ ATM để lãnh lương từ khi có quy định nhận lương qua thẻ.

Hiệu trưởng đời đầu thì chọn Ngân hàng Đông Á, hiệu trưởng kế theo (sau 5 năm) thì chọn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiệu trưởng thứ ba thì lại chọn Vietcombank…

Như vậy, trong túi của giáo viên hiện tồn tại ba thẻ ATM. Thật lãng phí!

Chắc mỗi lần đổi thẻ, hiệu trưởng sẽ nhận được “lợi nhuận” gì đó hấp dẫn mới tự ý làm thế và giải thích qua loa như “làm vậy thuận tiện hơn” khi có người hỏi.

Hai là: Các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường hiện nay thường hoạt động cho có hình thức, không có thực chất. “Ban kiểm tra nhân dân” được hội nghị viên chức đầu năm học bầu ra mà có khi nào lên tiếng, kiểm tra những việc làm sai trái của hiệu trưởng.

Hiệu trưởng quá nhiều quyền sẽ dẫn đến lạm quyền
Hiệu trưởng quá nhiều quyền sẽ dẫn đến lạm quyền

Đặc biệt, công đoàn cơ sở, lẽ ra là một tổ chức mạnh nhất, có nhiệm vụ bảo vệ, bênh vực quyền lợi hợp pháp của giáo viên, nhân viên thì bị hiệu trưởng vô hiệu hóa.

Về mặt lý thuyết, hiệu trưởng cũng là một đoàn viên công đoàn, có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo điều lệ công đoàn quy định.

Chủ tịch công đoàn cơ sở có quyền chất vấn hiệu trưởng, tức là chất vấn một thành viên công đoàn về việc điều hành những hoạt động của nhà trường nhưng có khi nào thực hiện được công việc này.

Vì chủ tịch công đoàn cơ sở cũng chỉ là một giáo viên được đại hội công đoàn bầu lên. Vị chủ tịch này cũng sợ đụng chạm, sợ “mất lòng” lãnh đạo nên nhiều khi chỉ là cái bóng của hiệu trưởng mà thôi.

Những vị này luôn được hiệu trưởng chọn, gợi ý bầu làm chủ tịch công đoàn… Nếu “thủ lĩnh” mà như vậy thì giáo viên biết dựa vào đâu?

Những trường có chủ tịch công đoàn “cứng cựa” thì tập hợp được mọi người; đoàn kết để đấu tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thì hiệu trưởng nơi ấy phải “nể nang” sức mạnh của công đoàn và không dám làm những điều sai trái.

Ba là: Giáo viên phần lớn an phận, không dám đấu tranh vì luôn ám ảnh “Đấu tranh thì tránh đâu ?” hoặc “Đấu tranh là đánh trâu. Đánh trâu thì bị trâu đánh. Trâu đánh thì tránh đâu?”…

Mà có đấu tranh chăng nữa thì mình được hưởng quyền lợi ấy không hay chỉ làm công việc “đào giếng cho người khác uống nước”.

Vì sao? Vì giáo viên luôn nơm nớp lo sợ bị thuyên chuyển, sợ bị tinh giản biên chế nếu đấu tranh. Điều đó cũng dễ hiểu là khi đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn hiệu trưởng, họ không dám đánh giá xấu (mặc dù hiệu trưởng xấu thật), vẫn nhắm mắt đánh giá “tốt” cho xong rồi nộp.

Cần có cơ chế kiểm soát quyền lực của hiệu trưởng, tránh tình trạng lộng quyền, tự tung, tự tác (Ảnh minh họa: moha.gov.vn).
Cần có cơ chế kiểm soát quyền lực của hiệu trưởng, tránh tình trạng lộng quyền, tự tung, tự tác (Ảnh minh họa: moha.gov.vn).

Từ chỗ hiệu trưởng tự tung tự tác, qua mặt ban giám hiệu, qua mặt hội đồng sư phạm nên trong nội bộ nhà trường thường có nhiều phe cánh, luôn rình sơ hở của nhau để thưa kiện rất mệt mỏi.

Trường nào cũng có tình trạng này, rất ít trường có dân chủ thật sự, trong đó hiệu trưởng luôn tôn trọng, thương yêu giáo viên thực sự.

Nhiều vị hiệu trưởng còn chuyên quyền, độc đoán, gia trưởng; tự cho mình có quyền sinh sát trong tay. Ai nói trái ý hoặc việc gì trái ý là chửi, là mắng; bất kể giáo viên đó có khi lớn tuổi hơn mình.

Tài thì nhỏ mọn mà đức cũng không có nên việc điều hành hoạt động của trường luôn gặp nhiều khó khăn. Giáo viên thì chán nản, cứ muốn chuyển qua trường khác hoặc cầu mong có hiệu trưởng mới để “dễ thở” hơn. 

TRƯỜNG SA ĐÔNG