LTS: Trước thực trạng họp hành triền miên tại các trường học như hiện nay, thầy giáo Thanh An cho rằng việc làm này đang gây quá tải và tốn kém thời gian của các giáo viên.
Đồng thời, thầy An cũng cho thẳng thắn cho rằng, cơ chế mà chúng ta đang thực hiện trong các đơn vị trường học là cơ chế thủ trưởng. Người hiệu trưởng có quyền quyết định mọi công việc nhà trường nên trong các họp hiện nay các giáo viên ít có ai phát biểu, hay đưa ra ý kiến tranh luận.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong trường học, mỗi tháng có rất nhiều cuộc họp như: Họp chi ủy, chi bộ, họp hội đồng sư phạm, họp tổ trưởng chuyên môn, họp đánh giá cuối năm…Mỗi cuộc họp đều có chủ trì cuộc họp và các thành viên trong trường.
Thế nhưng, các cuộc họp của nhà trường thường diễn ra một cách tẻ nhạt và một chiều từ những chỉ đạo của ban giám hiệu. Các thành viên tham gia rất ít khi phát biểu nêu ý kiến. Đây thực sự là nỗi lo cho sự phát triển của ngành..
Các cuộc họp trong nhà trường bây giờ ít có ai phát biểu, tranh luận (Ảnh minh họa: tuoitre.vn). |
Ai cũng biết: tính chất, mục đích các cuộc họp trong nhà trường đều có ý nghĩa khác nhau. Nếu họp chi bộ thì có các đảng viên tham gia, họp hội đồng sư phạm thì cả đơn vị tham gia và họp chuyên môn thì các tổ trưởng cùng với ban giám hiệu tham gia.
Tuy nhiên, nội dung các cuộc họp bây giờ phần nhiều là na ná như nhau, ban giám hiệu triển khai sao thì các giáo viên nghe vậy. Nhiều giáo viên hay tranh luận, đóng góp ý kiến thì dần dần họ lui vào im lặng.
Nói nhiều thì bị ghét thậm chí trù dập hoặc có ý kiến thì ban giám hiệu cũng không tiếp thu mà toàn phản bác thành ra họ chán nản dần.
Phải nói rằng các cuộc họp trong nhà trường hiện nay đều có nội dung gần như nhau.
Quanh đi, quẩn lại cũng là chuyện triển khai mấy cái văn bản trong tháng mà phòng, sở gửi về hoặc triển khai mấy phong trào thi đua của giáo viên và học sinh.
Ngoài ra, nội dung không thể thiếu được là tổng kết những việc đã làm được cùng hạn chế trong thời gian qua và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.
Chừng ấy nội dung thôi nhưng đầu tiên là nghe ban giám hiệu triển khai, thống nhất trong chi ủy. Sau đó, là họp tổ trưởng thì ban giám tiếp tục triển khai. Đến họp chi bộ cũng chừng ấy nội dung. Cuối cùng là ban giám hiệu triển khai trong họp hội đồng sư phạm.
Cuộc họp bây giờ đơn giản là nơi Hiệu trưởng thị uy với giáo viên |
Như vậy, chỉ có một nội dung nhưng có những người phải nghe đến 4-5 lần.
Bởi khi về tổ chuyên môn thì các kế hoạch này lại được triển khai lần nữa để giáo viên thực hiện.
Chính vì sự lặp đi, lặp lại về nội dung thành ra giáo viên họ ngán ngẩm dần. Nghe đi, nghe lại đâm ra nhàm chán.
Vì thế, trong các cuộc họp phần lớn giáo viên họ tận dụng một công đôi việc là đem sổ sách ra viết hoặc đem bài của học sinh ra chấm để "giết" thời gian.
Thậm chí, nhiều giáo viên cứ mải mê với màn hình điện thoại để đọc báo, chơi game. Lúc nào cần biểu quyết thì giơ tay. Lãnh đạo triển khai cứ triển khai, giáo viên làm việc riêng cứ làm. Vấn đề quan trọng là họ không làm mất trật tự và ảnh hưởng đến tình hình chung của cuộc họp.
Khi mới vào nghề, có lẽ những lí tưởng sách vở đang đầy ắp trong đầu nên nhiều khi thấy ban giám hiệu triển khai công việc hoặc đưa ra một kế hoạch gì mà thấy có những bất cập là tôi luôn có ý kiến.
Sau một vài lần ý kiến thì thấy những lời mình nói cho dù phải nhưng ban giám hiệu cũng chẳng nghe và có phần khó chịu.
Nhiều giáo viên trong trường khuyên tôi:
“Kệ họ, họ nói sao mình nghe vậy, ý kiến làm gì cho họ ghét. Chân lí của lãnh đạo nhà trường là những gì họ đã triển khai thì đều đúng và đó được xem là mệnh lệnh.
Vì thế, tốt nhất là ai sao, mình vậy. Đừng nên ý kiến, ý cò làm gì để phải rước họa vào thân đó”.
Nhớ có lần, có một giáo viên đứng lên thắc mắc về chế độ chi trả công tác phí cho giáo viên trong trường không hợp lí.
Dù giáo viên trong trường nói rất đúng nhưng hiệu trưởng nhà trường tuyên bố một câu xanh rờn: tiền công tác phí nhà trường “cho” các thầy cô bao nhiêu thì biết bấy nhiêu. Nếu ý kiến nữa là chúng tôi cắt đó.
Lần khác, một giáo viên thắc mắc vì thường xuyên bị triệu tập vào dự các cuộc họp mà thực tế nội dung họp chả có liên quan gì đến mình trong khi nhà xa thì được hiệu trưởng lí giải:
“Các thầy cô phải phục tùng mệnh lệnh của nhà trường, chúng tôi thấy cần thiết mới triệu tập thầy cô vào. Nếu thầy cô không họp thì chúng tôi sẽ ghi vắng không phép. Vắng nhiều lần là nhà trường sẽ tiến hành xử lí theo quy định của cơ quan”.
Chính từ những sự đe dọa hoặc phản bác ý kiến của giáo viên trong trường như vậy nên những ý kiến của giáo viên gần như không hề có một giá trị gì đối với ban giám hiệu.
Những ý kiến về chế độ, về những bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đều bị phản bác một cách mạnh mẽ.
Dần dần ai cũng co mình lại trước các mệnh lệnh và kế hoạch của nhà trường. Có nhiều điều bất cập nhưng giáo viên vẫn phải thực hiện một cách miễn cưỡng, khó chịu.
Khi hiệu trưởng lộng quyền, độc đoán |
Cơ chế mà chúng ta đang thực hiện trong các đơn vị trường học là cơ chế thủ trưởng.
Người hiệu trưởng có quyền quyết định mọi công việc nhà trường, từ chế độ lương bổng, xét thi đua, đánh giá giáo viên hàng năm đến việc hợp đồng công việc của giáo viên.
Vì thế, dù nhìn thấy nhiều điều sai trái của ban giám hiệu nhưng không mấy giáo viên đủ can đảm để nói lên chính kiến của mình.
Chuyện miếng cơm manh áo gắn chặt với công việc mà mình theo đuổi. Ai cũng biết đấu tranh thì “tránh đâu” bởi có biết bao nhiêu giáo viên đứng lên tố cáo, phản đối sai trái của ban giám hiệu đều nhận được những kết cục không mấy tốt đẹp mà báo chí đã nhiều lần phản ánh.
Và ai cũng hiểu “chờ được vạ thì má đã sưng” nên rồi phương châm “ai sao, mình vậy” đã trở thành kim chỉ nam cho nhiều thầy cô đang sống và làm việc trong môi trường giáo dục.
Có lẽ, muốn giáo dục phát triển, muốn đơn vị nhà trường đi lên thì không có gì quý hơn là có những lãnh đạo toàn tâm, toàn ý với ngành.
Đó là sự gương mẫu của từng lãnh đạo nhà trường, là sự tranh thủ được ý kiến phản biện của cấp dưới để hoàn thiện mình và đưa ra những kế hoạch hoạch phù hợp mới thực hiện được hiệu quả trong từng thời điểm nhất định.
Nếu không, cứ dân chủ nửa vời, đổi mới kiểu nửa vời và áp đặt tư tưởng, công việc thì không thể nào thúc đẩy được sự phát triển của ngành.
Sự cởi mở trong công tác giữa lãnh đạo với giáo viên mà đặc biệt là trong hội họp là điều mà các thành viên trong ban giám hiệu cần hướng tới và tạo điều kiện để giáo viên được phát biểu ý kiến của mình.
Làm được như thế, không chỉ là phát huy được tính dân chủ ở cơ sở mà điều cốt lõi nhất là tạo được môi trường làm việc thân thiện, cởi mở để cùng nhau phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Chỉ tiếc, nhiều ban giám hiệu đang làm nản lòng và thui chột ý chí và sự phấn đấu của nhiều giáo viên trong đơn vị mình quản lí.
Từ đó, giáo viên nản lòng, làm việc mà không có sự thoải mái, nói chuyện mà phải dè chừng, thấy sai trái mà phải làm ngơ thì còn tâm trí đâu cho công việc của mình?