Đội ngũ giáo viên trong từng nhà trường dù được các trường sư phạm đào tạo cơ bản giống nhau nhưng chất lượng giảng dạy, quản lý lớp học của từng thầy cô thì không phải bao giờ cũng giống nhau.
Nhất là khi đã ra trường, bắt đầu vào nghề thì có người phấn đấu, tự trau dồi kiến thức chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, có người lại bằng lòng với thực tại mà mình đang có.
Chính vì vậy, ở bất kỳ ngôi trường nào cũng có nhiều thầy cô giáo dạy giỏi, nhiệt huyết với nghề và đương nhiên cũng có những thầy cô “chưa giỏi”, chưa làm tốt nhiệm vụ của mình.
Vậy nên, mới có tình trạng phụ huynh truyền tai nhau thầy này dạy giỏi, cô kia dạy hay và mỗi khi bước vào đầu năm học thì nhiều phụ huynh tìm cách gửi gắm con mình cho những giáo viên mà họ cảm thấy tốt nhất trong khối học đó.
Tình trạng chọn trường, gửi lớp hiện nay đang khá phổ biến ở cấp tiểu học (Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại) |
Việc Sở Giáo dục Nghệ An đã chủ trương các trường trong năm nay thực hiện bốc thăm lớp, bốc thăm giáo viên chủ nhiệm và công việc thực hiện ở khối tiểu học và lớp 6 của cấp trung học cơ sở là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Bốc thăm, có thể là một giải pháp chưa hay, mang tính hên xui và thực tế không phù hợp trong các nhà trường khi những lá thăm bắt trúng vào những thầy cô mà phụ huynh không muốn.
Nhưng, ít ra nó cũng là một sự minh bạch cần thiết để giảm đi những áp lực và tiêu cực ở các nhà trường công lập.
Thực tế, không phải Nghệ An là tỉnh tiên phong trong vấn đề này. Những năm qua, một số địa phương cũng đã đang làm và thực tế nó đang là giải pháp tạm thời về chất lượng giáo viên hiện nay của các nhà trường.
Bởi, ở cấp tiểu học, nhất là những trường ở những khu vực có điều kiện thì phụ huynh thường rất chú trọng việc con mình sẽ học với ai trong từng năm học, ai sẽ là giáo viên chủ nhiệm lớp?
Có tình trạng này cũng vì trong từng trường có những thầy cô dạy dỗ học trò chưa tốt, để lại những thị phi cho phụ huynh qua từng năm. Vì thế, đầu năm học là phụ huynh thường nhờ vả Ban giám hiệu nhà trường sắp lớp con mình vào những lớp có những thầy cô dạy tốt.
Và, thực tế thì đa phần các thầy cô tổ trưởng, thầy cô dạy giỏi ở tiểu học hay chủ nhiệm ở những lớp đầu của các khối lớp.
Chính cách xin xỏ, nhờ cậy như vậy đã hình thành một thói quen của phụ huynh là chọn thầy cô cho con mình.
Những phụ huynh mà không có mối quan hệ tốt, không quen biết thì con của họ thường học ở những lớp do nhà trường phân công, sắp xếp. Tất nhiên, vào những lớp như vậy khiến nhiều phụ huynh không an tâm nhưng vì họ không có sự lựa chọn tốt hơn.
Trong khi ở tiểu học thì giáo viên chủ nhiệm có một vai trò cực kỳ quan trọng đối với từng em học trò. Thầy cô chủ nhiệm không chỉ dạy các môn Tiếng Việt, Toán mà còn dạy phần lớn các môn còn lại.
Ngày nào cũng dạy vài tiết trên lớp và tất nhiên là người trực tiếp quản lý, uốn nắn, xếp loại, đánh giá học trò sát nhất.
Chính vì thế, những thầy cô dạy giỏi, yêu thương học trò, nghiêm khắc với học trò sẽ tạo được một nền tảng kiến thức cơ bản vững chắc cho các em và hình thành cho các em một thói quen tốt sau này.
Cũng vì vậy mà phụ huynh thích những giáo viên chủ nhiệm giỏi và họ tìm nhiều cách khác nhau để con được học với những giáo viên chủ nhiệm này cũng là điều dễ hiểu.
Khi thực hiện bốc thăm lớp, bốc thăm giáo viên chủ nhiệm thì học sinh có thể được học với thầy cô tốt nhất và đương nhiên cũng có thể phải học với những thầy cô mà phụ huynh và học trò không muốn.
Nhưng, dù sao đây cũng là sự minh bạch cho nhà trường và tránh được áp lực cho Ban giám, giáo viên và ngay cả với học sinh. Bởi, bốc thăm thì đương nhiên sĩ số các lớp sẽ bằng nhau, không có tình trạng quá tải ở lớp này nhưng lớp khác lại quá ít so với quy định.
Thanh tra ngành giáo dục cần vào cuộc việc tuyển sinh đầu cấp ở những trường lớn |
Học những lớp đông quá thì ngay cả các em học sinh cũng khổ, mà chính thầy cô dạy những lớp học đó cũng vất vả nhiều hơn.
Giải pháp dài hơi của các nhà trường cũng như ngành giáo dục là phải tìm cách bồi dưỡng, động viên giáo viên trong từng trường tự trau dồi thêm kiến thức, phương pháp trong giảng dạy.
Điều quan trong nữa là mỗi thầy cô trong từng khối dạy, trong từng trường phải thực hiện tốt thiên chức của mình. Tránh tình trạng bằng lòng với những gì đang đang có mà tự làm mất đi uy tín của chính mình trước lãnh đạo, đồng nghiệp và đặc biệt là với phụ huynh học sinh.
Thực tế đã chứng mình, có nhiều thầy cô được phụ huynh tìm mọi cách để gửi gắm nhưng cũng có nhiều thầy cô khiến cho phụ huynh cảm thấy thất vọng về cách dạy dỗ qua từng năm.
Vì thế, không có cách nào thiết thực hơn là từng thầy cô giáo trong các nhà trường phải tự thay đổi mình để cải thiện uy tín bằng cách nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho mình.
Việc thực hiện chủ trương bốc thăm lớp, bốc thăm giáo viên chủ nhiệm như Nghệ An hay một số tỉnh đang làm cũng chỉ là một giải pháp tạm thời khi chất lượng giáo viên chưa đồng đều.
Nhưng, về lâu dài thì có lẽ giải pháp này cũng sẽ không phù hợp bởi nó cũng sẽ tạo nên nhiều phiền toái cho từng nhà trường, giáo viên và cả với phụ huynh có con đang theo học.
Giải pháp căn cơ nhất của từng trường không có thể khác được là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên của mình qua từng năm để chất lượng giáo viên ngày càng đồng đều và cùng có động lực, trách nhiệm với nghề như nhau.