Chủ tịch Hà Nội nói xét tuyển, các huyện vẫn đồng loạt bắt giáo viên thi tuyển

27/07/2019 06:17
Vũ Ninh
(GDVN) - Mặc dù Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã phát biểu trước sóng truyền hình: Xét tuyển giáo viên hợp đồng; nhưng các huyện vẫn đồng loạt tổ chức thi tuyển viên chức.

Chủ tịch Thành phố nói xét tuyển, Huyện yêu cầu có văn bản mới thực hiện

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, trong ngày 9/7/2019, tại phiên họp của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội.

Hà Nội sẽ tuyển dụng đặc biệt với giáo viên hợp đồng lâu năm
Hà Nội sẽ tuyển dụng đặc biệt với giáo viên hợp đồng lâu năm

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Nguyễn Đức Chung đã đăng đàn giải trình làm rõ hơn các vấn đề cử tri, người dân Hà Nội quan tâm.

Liên quan đến các trường hợp giáo viên tại các huyện ở Hà Nội đã ký hợp đồng lao động lâu năm nhưng không được xét tuyển viên chức… 

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, Bộ Nội vụ đã giao Thành phố xét tuyển với các trường hợp này.

Cụ thể, ông Chung cho biết, sau khi Bộ Nội vụ có văn bản trả lời Hà Nội có thể thực hiện xét tuyển theo thẩm quyền, Thành phố quyết định sẽ xét tuyển đối với toàn bộ giáo viên có hợp đồng lâu năm với một số điều kiện cụ thể như sau:

Thứ nhất là giáo viên có hợp đồng và có đóng bảo hiểm ít nhất 5 năm trở lại đây.

Thứ hai là có kiểm tra đảm bảo sức khỏe.

Thứ ba là có năng lực, trình độ phù hợp với vị trí việc làm, tức là giáo viên phải dạy môn mà trường có nhu cầu tuyển dụng.

Nhiều Quận, huyện, thị xã, giáo viên hợp đồng sẽ không đủ điều kiện để xét tuyển đặc cách (Ảnh: V.N)
Nhiều Quận, huyện, thị xã, giáo viên hợp đồng sẽ không đủ điều kiện để xét tuyển đặc cách (Ảnh: V.N)

Tuy nhiên ngày 11/7/2019, Ban thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn có văn bản thông báo số 1007 – TB/HU:  Kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác tuyển dụng viên chức giáo dục 2019.

Một trong những nội dung quan trọng nhất của thông báo trên đó là thống nhất lựa chọn hình thức:

Thi tuyển đối với việc tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019 theo đề xuất của Ủy ban Nhân dân huyện tại văn bản số 372/BC-UBND ngày 11/7/2019.

Thông báo này đã khép lại cơ hội được xét tuyển đối với các giáo viên hợp đồng. 

Điều này đồng nghĩa họ cũng không được hưởng bất cứ quyền lợi ưu tiên nào so với thí sinh tự do.

Huyện không xét tuyển, giáo viên hợp đồng rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan (Ảnh:V.N)
Huyện không xét tuyển, giáo viên hợp đồng rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan (Ảnh:V.N)

Ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cho biết: 

“Chúng tôi đang làm đúng theo các văn bản chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố. 

Nếu thành phố có xét tuyển thì phải có văn bản chỉ đạo chúng tôi mới có căn cứ để thực hiện”.

Như vậy phương án xét tuyển đối với giáo viên hợp đồng do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung đưa ra là không thể thực hiện được.

Trước thông tin này, nhiều giáo viên hợp đồng cho biết họ cảm thấy vô cùng hụt hẫng và mọi nỗ lực đấu tranh của họ đến thời điểm này bằng con số 0.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo xét tuyển, huyện Sóc Sơn ra văn bản thông báo hình thức tuyển dụng viên chức: Thi tuyển (Ảnh:V.N)
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo xét tuyển, huyện Sóc Sơn ra văn bản thông báo hình thức tuyển dụng viên chức: Thi tuyển (Ảnh:V.N)

Cô giáo viên Nguyễn Thị Thơm, giáo viên hợp đồng thị xã Sóc Sơn cay đắng: 

“Chúng tôi cảm thấy vô cùng buồn và thất vọng với cách làm này của Thành phố cũng như các huyện, thị xã.

Mặc dù Chủ tịch Chung nói rất rõ ràng trên sóng truyền hình nhưng các huyện không thực hiện yêu cầu phải có văn bản chỉ đạo.

Mọi người có thể hiểu cảm giác của những giáo viên hợp đồng khi nghĩ rằng sẽ được xét tuyển đến nơi rồi. Bạn bè, đồng nghiệp và học trò chúc mừng. 

Nhưng đến nay bị huyện dội một gáo nước lạnh. Mọi công sức đấu tranh của chúng tôi coi như công cốc vì hiện nay giáo viên hợp đồng cũng không được hưởng bất kỳ quyền lợi mà được coi như một thí sinh tự do. 

Chẳng hiểu họ ra văn bản nọ, chỉ đạo kia để làm gì?”.

Cũng theo cô Thơm, trong buổi tiếp xúc cử tri mới đây. Mặc dù vấn đề giáo viên hợp đồng nóng nhất nghị trường nhưng tuyệt nhiên không được đả động đến.

Việc Chủ tịch thành phố chỉ đạo một đằng, huyện yêu cầu văn bản và làm 1 nẻo khiến cho số giáo viên hợp đồng này rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Xét tuyển thì không được xét tuyển, chuẩn bị để thi tuyển thì thời gian quá gấp gáp.

Thành phố chỉ đạo xét đặc cách nhưng hầu hết giáo viên hợp đồng đều không đủ điều kiện

Đến thời điểm này, nhiều Quận, huyện, thị xã đã ra văn bản chỉ đạo giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng. 

Nội dung thống nhất 2 việc: Xem xét lựa chọn hình thức tuyển dụng (thi tuyển và xét tuyển), thực hiện xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng theo Quyết định số 1076/QĐ – UBND ngày 7/3/2019 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Từ bục giảng tôi bị đá thẳng xuống...chuồng lợn
Từ bục giảng tôi bị đá thẳng xuống...chuồng lợn

Theo đó tiêu chuẩn để xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng lâu năm căn cứ vào Khoản 7 Điều 2 của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định điều kiện được xem xét tiếp nhận vào viên chức đối với các trường hợp đặc biệt.

1.Có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí làm việc.

2.Yêu cầu trình độ đào tạo Đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

3. Được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn).

4. Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Rào cản lớn nhất đối với giáo viên hợp đồng hiện nay đó chính là điều kiện thứ 4: Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Sau 3 tháng đấu tranh, số phận của những giáo viên hợp đồng tại Hà Nội vẫn còn lênh đênh (Ảnh:V.N)
Sau 3 tháng đấu tranh, số phận của những giáo viên hợp đồng tại Hà Nội vẫn còn lênh đênh (Ảnh:V.N)

Bởi, hiện nay có rất ít trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tại các Quận, huyện, thị xã (Hà Nội) là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Điều này dẫn đến tình trạng có những huyện: Không có một trường hợp giáo viên hợp đồng nào đủ điều kiện để xét đặc cách.

Tại huyện Quốc Oai, trong văn bản số 1496 gửi Ủy ban Nhân dân thành phố. Huyện cũng thừa nhận: Trong số các thí sinh đăng ký dự thi tuyển viên chức không có thí sinh nào đủ điều kiện để được xét đặc cách.

Tại huyện Sóc Sơn: Hầu hết các giáo viên hợp đồng đều không đủ điều kiện để xét đặc cách.

Đây cũng là tình trạng chung của các huyện Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì. 

Trường hợp giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức không đủ điều kiện do không được đóng bảo hiểm xã hội.

Như vậy đến thời điểm hiện tại, hơn 2000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội coi như “mất cả chì lẫn chài”: Xét tuyển thì không có văn bản chỉ đạo cụ thể; xét đặc cách thì không đủ điều kiện; thi tuyển bình thường như một thí sinh tự do.

Một quyết định tưởng chừng như nhân văn của thành phố thực ra lại loại hết số giáo viên hợp đồng từ “vòng gửi xe”.

Thành phố có tính được phương án: Sẽ có rất ít giáo viên hợp đồng đủ điều kiện để xét đặc cách vì điều kiện thứ 4? 

Giáo viên hợp đồng tại Hà Nội từ bục giảng bị đá thẳng xuống chuồng lợn (Ảnh:V.N)
Giáo viên hợp đồng tại Hà Nội từ bục giảng bị đá thẳng xuống chuồng lợn (Ảnh:V.N)

Chúng tôi tin rằng: Có. Bởi, trước đó Ủy ban Nhân dân thành phố đã gửi văn bản đến Bộ Nội vụ xin phương án tổ chức tuyển dụng viên chức. 

Trong văn bản này cũng đã nói rõ: Hầu hết (gần 100%) giáo viên hợp đồng sẽ không đủ điều kiện xét đặc cách theo Nghị định 161.

Dù đã biết trước, nhưng tại sao Thành phố vẫn ra một quyết định xét đặc cách trong khi biết trước hầu hết giáo viên hợp đồng không đủ điều kiện.

Điều này khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi, giáo viên cảm thấy bức xúc, hụt hẫng.

Xin trích một ý kiến rất đáng lưu tâm của một giáo viên hợp đồng:

“Ở đây chúng ta thấy được sự bất công hay nói cách khác là không phù hợp thực tế đối với các thầy cô đang dạy hợp đồng trên toàn thành phố. 

Việc xét đặc cách theo Nghị định 161 sẽ loại bỏ hết số giáo viên hợp đồng vì không ai đủ điều kiện.

Nghị định này ra đời và có hiệu lực đầu năm 2019 rất phù hợp với Luật Giáo dục ban hành từ tháng 7/2019. 

Nhưng nghị định 161 sẽ không phù hợp với số giáo viên hợp đồng vì thời điểm họ được ký hợp đồng (đều trước năm 2019) căn cứ theo Luật giáo dục cũ.

Chẳng hạn Luật giáo dục cũ chỉ yêu cầu giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học có bằng trung cấp, cao đẳng...

Thêm nữa thời điểm đó cũng chưa có Nghị định điều chỉnh về tự chủ tài chính trong đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định này bắt đầu được ban hành từ năm 2015. 

Cho nên việc xét đặc cách cho giáo viên hợp lý nhất phải theo Nghị định 29. Vì số giáo viên này là do lịch sử để lại”.

Vũ Ninh