Phó Thủ tướng muốn lễ khai giảng phải mới mẻ và “vì học sinh thân yêu”

27/07/2019 06:50
Thùy Linh
(GDVN) - Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên họp của Ủy ban đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2021.

Ngày 26/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp của Ủy ban đổi mới  giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2021 và Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021. Phiên họp lần này tập trung thảo luận về công tác giáo dục, đạo đức lối sống cho học sinh phổ thông.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại phiên họp (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại phiên họp (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Đổi mới chương trình giáo dục đạo đức ở các cấp học

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua, Bộ đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên.

Bộ cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện đổi mới chương trình giáo dục, trong đó đặc biệt quan tâm tới nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.

“Từ năm 2017, môn Giáo dục công dân được chọn là một môn thi trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Kết quả thi trung học phổ thông quốc gia môn Giáo dục công nhân luôn nằm trong nhóm các môn có điểm thi cao nhất” - Bộ trưởng cho hay.

Nhìn nhận một số kết quả quan trọng trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, Bộ trưởng cho biết, chương trình, nội dung, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống đã có nhiều đổi mới, phù hợp hơn ở từng cấp bậc học.

Hoạt động chào cờ và hát Quốc ca tại các buổi lễ trong trường học đã được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, toàn thể cán bộ, nhà giáo, học sinh trực tiếp hát Quốc ca.

Các nhà trường quan tâm xây dựng khuôn viên, cảnh quan nhà trường xanh, sạch, đẹp; phân công học sinh trực nhật lớp, vệ sinh trường học, khu vực quanh trường, chăm sóc cây xanh.

“Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế: Nội dung giáo dục đạo đức chưa thiết thực; công tác quản lý ở một số trường học còn bất cập; công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục học sinh chưa chặt chẽ;

Một bộ phận học sinh có biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống; tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn ra ở một số địa phương gây bức xúc, lo lắng cho xã hội” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tại phiên họp (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tại phiên họp (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

“Do đó, một trong những nhiệm vụ được ngành Giáo dục ưu tiên hàng đầu trong năm học tới là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Nhiệm vụ này sẽ được chúng tôi triển khai cụ thể, chi tiết từng việc, để ngay sau năm học sẽ thấy sự thay đổi rõ nét từ học sinh, giáo viên cho tới nhà trường” - Bộ trưởng nêu rõ.

“Cần một ngôi làng để giáo dục một đứa trẻ”

Dẫn câu ngạn ngữ nước ngoài “Cần một ngôi làng để giáo dục một đứa trẻ", ông Trần Đức Cảnh - Cố vấn Hội đồng tuyển sinh đại học Havard  cho rằng, hệ thống giáo dục, đặc biệt từ mẫu giáo đến lớp 12 không thể tách rời khỏi các vấn đề xã hội đang diễn ra, giáo dục là một phần của xã hội.

Chia sẻ về việc cộng đồng trách nhiệm trong giáo dục trẻ em ở một số nước trên thế giới, ông Cảnh cho biết, sẽ có một nhóm tư vấn tâm lý, kỹ năng, đạo đức cho trẻ em gồm nhiều thành phần cộng đồng tham gia, nhóm này sẽ xây dựng kế hoạch lâu dài, tạo động lực, cảm hứng ngay tại cộng đồng địa phương.

“Từ đó, tạo ra không gian sinh hoạt linh hoạt, thúc đẩy tinh thần làm việc nhóm, tinh thần tập thể, tinh thần đồng đội, tư duy lành mạnh và trách nhiệm cộng đồng” - Ông Cảnh chia sẻ.

Cho rằng, dạy người là câu chuyện ngàn năm, chỉ có cách làm là thay đổi do thời cuộc thay đổi, trong đó 2 yếu tố tác động mạnh là kinh tế thị trường và công nghệ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng nêu vấn đề, nếu như trước đây giáo dục trong trường là quan trọng, thì hiện nay ngoài trường quan trọng hơn.

“Vì vậy, ngành Giáo dục cũng nên xem thời đại thay đổi gì để thay đổi theo; mục tiêu giáo dục đạo đức là không thay đổi mà phương pháp, cách làm phải thay đổi” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu ý kiến.

Trong khi đó, đề cập đến trách nhiệm của người thầy trong việc việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Yên Hòa (Hà Nội) cho rằng:

Hoạt động đổi mới giáo dục, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh phải gắn và tương đồng với thi cử ở tất cả các khối lớp. Đặc biệt, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh bắt đầu từ những người làm thầy.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Hà Nội) phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Hà Nội) phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

“Chúng ta sẽ không thể có học trò có đạo đức, lối sống tốt nếu thầy cô chưa là tấm gương tốt, từ kiến thức chuyên môn đến lối sống hằng ngày. Việc nêu gương đạo đức, lối sống chính là việc thầy cần trau dồi mỗi phút giây và trò cần học mỗi ngày nên thầy cô không thể trì hoãn” - cô Nhiếp nhấn mạnh.

Quan điểm này cũng được Giáo sư Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhắc lại: “trò học thì thầy cũng phải học, trò đọc thì thầy cũng phải đọc, thầy không thể làm gương được nếu thầy không gương mẫu học, không gương mẫu đọc. Thầy trò cùng học, cùng đọc, cùng xây dựng văn hóa”.

Để nâng hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng, cần tổ chức, thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có ý nghĩa thực sự, không hình thức. Nếu người lớn gương mẫu hơn, thì chắc chắn trẻ cũng sẽ tốt hơn.

Ông Nguyễn Minh Thuyết cũng nhấn mạnh việc cần xử lý nghiêm trường hợp vô kỷ luật, không chỉ với giáo viên mà cả học sinh.

Tại sao cô giáo được tôn vinh tại “Vinh quang Việt Nam”?

Đồng thời, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm soát tốt hơn thông tin xấu trên không gian mạng; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch làm tốt công tác xây dựng gia đình thành tổ ấm thực sự, bố mẹ thực sự gương mẫu, là tấm gương để giáo dục con em mình.

Cũng đề cập đến sự gương mẫu của thầy cô, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, bản thân thầy cô cần ý thức được việc thường xuyên trau đồi chuyên môn, đạo đức của mình, bởi trò tôn trọng thầy cũng là bắt đầu từ chuyên môn và đạo đức.

“Một mặt ngành Giáo dục sẽ tạo điều kiện, tạo động lực cho thầy cô nhưng mặt khác cũng sẽ có chế tài để loại những thầy cô suy thoái đạo đức”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh. 

Theo Bộ trưởng Nhạ, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh về mục tiêu, bản chất là không thay đổi nhưng hình thức và phương pháp phải thay đổi để phù hợp với  những thay đổi của đời sống xã hội hiện nay, trong đó tích hợp giáo dục đạo đức lối sống vào từng môn học là điều tất yếu.

Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, thời gian qua công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường đã đạt được kết quả tích cực; từ những việc nhỏ như hát quốc ca khi chào cờ, vệ sinh trường lớp,… đã có chuyển biến.

Nhưng yêu cầu phát triển trong tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải chú trọng hơn nữa đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Theo Phó Thủ tướng, các phong trào, nếp sinh hoạt truyền thống như “Năm điều Bác Hồ dạy”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”… phải tiếp tục duy trì và phát huy.

“Đổi mới lễ khai giảng với tinh thần “vì học sinh thân yêu”, giữ gìn vệ sinh trường học, đưa các môn thể thao, võ thuật vào trường học… có chuyển biến trong vài năm gần đây nhưng chưa mạnh mẽ.

Năm học tới Bộ Giáo dục và Đào tạo phải siết chặt hơn nữa, phong trào phải thiết thực, tránh hình thức”, Phó Thủ tướng nêu.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục đổi mới phương thức quản trị trong trường phổ thông, phát huy dân chủ trong trường học, với ý nghĩa đây là một thiết chế có sự tham gia của ban giám hiệu, tập thể giáo viên, cộng đồng, phụ huynh và học sinh, chính quyền địa phương.

Có như vậy học sinh mới ở vị trí trung tâm, được dạy dỗ, phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất theo chương trình giáo dục mới. 

Phó Thủ tướng “đặt hàng” Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và truyền thông đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng Hệ Tri thức Việt số hoá để huy động giáo viên đóng góp các bài giảng mẫu mực về đạo đức, giáo dục công dân, sao cho thiết thực, sinh động, nhất là cấp mầm non, tiểu học; tổ chức cuộc thi “em yêu trường em”, phản ánh người tốt việc tốt từ các em học sinh bằng clip, hình ảnh; phát động phong trào cô trò cùng học…

“Đồng ý là cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường, xã hội nhưng nhà trường phải làm trước, đoàn đội cũng phải làm tốt hơn. Phong trào là đương nhiên nhưng phải thiết thực, tránh hình thức. Tinh thần là phải làm sao trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thùy Linh