Khai giảng bây giờ có gì vui không?

05/09/2018 12:22
Nhật Duy
(GDVN) - Khai giảng những năm gần đây không phải là sự “bắt đầu” mà là đã học được một thời gian dài rồi mới…khai giảng. Vì thế, ngày khai giảng đã mất đi ý nghĩa.

LTS: Một năm học mới đã bắt đầu, chúng ta dễ dàng nhận thấy lễ khai giảng ngày nay không còn ý nghĩa thực sự như ngày xưa nữa.

Chia sẻ về ý nghĩa của buổi lễ khai giảng ngày này, thầy Nhật Duy đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Trong từ điển tiếng Việt, nghĩa của từ “khai giảng” được hiểu là bắt đầu, mở đầu một năm học, khóa học.

Vậy nhưng, khai giảng những năm gần đây không phải là sự “bắt đầu” mà là đã học được một thời gian dài rồi mới…khai giảng.

Vì thế, ngày khai giảng đã mất đi ý nghĩa, cho dù các nhà trường trong toàn ngành giáo dục có tổ chức hoành tráng như thế nào đi nữa.

Các em học sinh tham gia buổi lễ khai giảng năm học mới (Ảnh: giaoduc.net.vn).
Các em học sinh tham gia buổi lễ khai giảng năm học mới (Ảnh: giaoduc.net.vn).

Khai giảng bây giờ được chuẩn bị, đầu tư rất công phu. Thầy cô giáo, học sinh trong trường đều trong màu áo đồng phục trông…sáng rực cả sân trường.

Rồi những lẵng hoa chúc mừng, những chùm bong bóng tung bay theo gió hòa trong những khúc nhạc rộn ràng.

So với hàng chục năm về trước đã khác một trời một vực về mức độ, quy mô…nhưng không hiểu sao những người dự Lễ vẫn cảm thấy buồn và nhớ về những ngày khai giảng khi xưa. Bởi, khai giảng bây giờ thấy chất “kịch” và nặng hình thức quá.

Ngày trước, khai giảng năm học là sự nô nức của thầy cô, học trò và cả phụ huynh nữa. Dù lúc đó, điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng ngày khai trường luôn được tổ chức trong sự trang trọng và chân thật.

Mọi người chờ đợi, chờ tiếng trống khai trường vang lên sau mấy tháng trời nằm im lặng.

Khai trường, cũng là lúc học sinh được gặp bạn bè, thầy cô. Những giáo viên cũng tay bắt mặt mừng sau mấy tháng hè xa cách.

Khai giảng bây giờ có gì vui không? ảnh 2Khai giảng hay khai ... diễn?

Lúc đó, hình ảnh cái trống trường thiêng liêng vô cùng, điều này đã được nhà thơ Thanh Hào thể hiện trong bài thơ “Cái trống trường em” với những câu thơ thật đẹp và đáng yêu vô cùng:

Cái trống trường em/ Mùa hè cũng nghỉ/ Suốt ba tháng hè/ Trống nằm ngẫm nghĩ”.

Sự “ngẫm nghĩ” của cái trống nó mang nhiều tầng nghĩa khác nhau. Để rồi, khi năm học mới bắt đầu, sự mừng vui của cái trống cũng đã được nhân hóa lên rất đẹp:

Chắc thấy chúng em/ Nó mừng vui quá/ Kìa trống đang gọi/ Tùng! Tùng! Tùng! Tùng!/ Vào năm học mới/ Rộn vang tưng bừng”.

Bây giờ, tiếng trống trường đã điểm hàng tháng trời nên khai giảng năm học giống như một tiết sinh hoạt đầu tuần, không hơn không kém.

Học sinh, giáo viên thờ ơ, không mong đợi, phụ huynh cũng chẳng có cảm giác vui mừng. Bởi, Lễ khai giảng như một hoạt động bắt buộc thực hiện về hình thức của một năm học mà thôi.

Suốt cả mùa hè, học sinh có được nghỉ đâu, nhiều trường vẫn tổ chức dạy thêm bình thường, thầy trò vẫn gặp nhau hàng ngày.

Nhất là trước khi tổ chức ngày khai giảng thì các trường học đã bước vào năm học mới được mấy tuần, có những địa phương đã học được hơn 1 tháng rồi thì ngày khai giảng có còn ý nghĩa gì đâu.

Cái cảm giác chờ đợi, mong ngóng đã không còn trong ý niệm của mỗi học sinh nữa.

Khai giảng bây giờ có gì vui không? ảnh 3Nhất nhất tuân theo thượng lệnh ở cả...lễ khai giảng

Hơn nữa, Lễ khai giảng chỉ thực hiện 2 tiết đầu buổi học, 3 tiết sau vẫn phải tổ chức giảng dạy và học tập bình thường.

Vì thế, học sinh ra ngoài trời phơi nắng 2 tiết để nghe những bài phát biểu, những lời chỉ đạo thì đâu phải là cảm giác hồi hộp, mong đợi nữa.

Ngày khai giảng, có chăng chỉ là những em học sinh đầu cấp còn một chút mong đợi, tò mò. Còn đối với những học sinh cũ thì xem đó là một ngày bận rộn hơn các ngày thường.

Bởi, các em phải vào trường tập trung sớm hơn thường lệ để nhà trường xếp đội ngũ, tập dượt lại đội hình, nghi thức, dượt lại bài hát quốc ca và các tiết mục văn nghệ.

Buổi Lễ bắt đầu vào lúc 7h30 cũng là lúc mặt trời đã lên cao, cái nắng đã chiếu vàng khắp nơi, học sinh ngồi giữa sân trường đâu còn là niềm vui nữa.

Nắng càng cao, học sinh càng nhốn nháo, đôi lúc phải dịch dần vào những bóng cây để che đi cái nắng đang trực tiếp chiếu vào.

Nhưng, đâu phải em nào cũng tìm được bóng mát, những cái đầu trần đẫm ướt mồ hôi trông đến là tội nghiệp.

Phía trên, vẫn là những bài phát biểu của Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, vẫn là những lời chỉ đạo của lãnh đạo địa phương, vẫn là mong ước, hứa hẹn của phụ huynh học sinh, của thầy cô giáo…

Người lớn nói, cứ nói, học sinh ngồi giữa trời chắc cũng chẳng mấy em có tâm trạng để nghe những lời căn dặn, những con số về thành tích của thầy Hiệu trưởng.

Nhất là những chỉ đạo của lãnh đạo địa phương cứ lặp đi lặp lại cụm từ “yêu cầu”; “phải” thế này, thế khác.

Khai giảng bây giờ có gì vui không? ảnh 423 triệu học trò tưng bừng khai giảng năm học mới 2018 – 2019

Đã bao năm rồi, chỉ mỗi câu chuyện khai giảng đầu năm học mà ngành giáo dục vẫn chưa thống nhất được. Sao lại cứ tổ chức khai giảng khi thầy và trò đã học được cả tháng trời.

Nhiều lãnh đạo cứ lập luận lấy cái mốc ngày 5/9 làm Lễ khai giảng vì từ trước đến nay đã như vậy rồi. Thế thì tại sao, các cấp lãnh đạo lại không cho học sinh cả nước cùng vào học 1 ngày?

Khung chương trình năm học cả nước như nhau, sách giáo khoa như nhau, lịch thi như nhau. Nhưng, mỗi địa phương lại tổ chức học tập một kiểu để làm gì?

Chính từ cách bố trí khung năm học của mỗi địa phương khác nhau nhưng lại khai giảng chung một ngày thành ra nó không còn thiêng liêng nữa.

Cho dù, các đơn vị nhà trường có tổ chức trang trọng, to lớn như thế nào thì bản chất ngày khai giảng đã không còn đúng ý nghĩa như bản chất nghĩa của từ ngữ này biểu đạt.

Ngày khai giảng đến rồi đi trong sự thờ ơ của rất nhiều người. Bao giờ, có được ngày khai giảng năm học như…ngày xưa?

Nhật Duy