Nhiều giáo viên dạy hợp đồng ở huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) đã phải mang danh "giáo viên dạy lót" nhiều năm liền.
Có những giáo viên, hợp đồng liên tục với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Cát 7 năm.
Trong suốt quãng thời gian ấy, các giáo viên vẫn nuôi hy vọng được chính thức vào "biên chế" để hưởng những chế độ đãi ngộ tốt hơn.
Hợp đồng lao động của giáo viên ở huyện Phù Cát. (Ảnh: H.L) |
Hơn hết, các giáo viên mong muốn được yên tâm công tác và cống hiến lâu dài cho ngành giáo dục của huyện.
Trở lại với Bản hợp đồng thỏa thuận của “giáo viên dạy lót”. Bản hợp đồng này, các giáo viên sẽ được ký với đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục.
Hợp đồng được phân định rõ 5 điều với những quy định chặt chẽ.
Cứ mỗi năm, các giáo viên sẽ ký lại hợp đồng để được đứng lớp. Có những giáo viên, hơn 7 năm liên tục ký lại hợp đồng với thời hạn 1 năm.
Cơn ác mộng mang tên Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm |
Ngay trong Điều 1 của “Hợp đồng làm việc xác định thời hạn” của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Cát đã thể hiện tính “may – rủi” với các giáo viên.
Trong Điều 1 của hợp đồng, Phòng Giáo dục huyện Phù Cát có quy định: “Trường hợp trong thời gian hợp đồng, khi có kết quả tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo theo quyết định số 2710/QĐ-UBND, ngày 27/12/2017 của UBND huyện về việc ban hành kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành Gáo dục và Đào tạo huyện Phù Cát năm 2017, thì sẽ chấm dứt hợp đồng”.
Cũng có nghĩa, các giáo viên sẽ bị chấm dứt hợp đồng bất kỳ lúc nào nếu có đồng nghiệp trúng tuyển viên chức được đưa vào thay thế vị trí.
Nghề giáo -một nghề đặc thù và cần được ưu đãi của nhà nước để chăm lo cho “sự nghiệp trồng người”. Thế nhưng, với cách thỏa thuận như trên, mọi rủi ro thì các giáo viên phải gánh chịu.
Trong Điều 3 về Quyền và nghĩa vụ của người ký hợp đồng làm việc thì mục Quyền của người lao động được quy định rõ trong hợp đồng: “Không hưởng phụ cấp đứng lớp”.
Rõ ràng, thân phận của “giáo viên dạy lót” được đối xử không công bằng khi cùng làm một nhiệm vụ, cùng một ngôi trường nhưng lại có sự phân biệt rất khác nhau.
Giáo viên biên chế lẽ đương nhiên “được hưởng phụ cấp đứng lớp” nhưng giáo viên hợp đồng lại không.
Sự đối xử bất tương xứng này đã cũng là mầm mống nảy sinh nhiều tiêu cực khiến giáo viên hợp đồng phải tìm mọi cách để “chạy” được vào biên chế.